Gần 1 giờ chiều, thảnh thơi đợi khách hàng trong quán cà phê vắng, tôi chợt nhớ lâu rồi không gọi điện về cho mẹ. Mẹ tôi 55 tuổi, ngày ngày quanh quẩn ở nhà, ra vườn ngó con gà, con vịt, chăm vườn rau, vườn cây. Bố tôi sáng đi làm, tối mới về, 2 con lại đi làm ăn xa, cuộc sống của mẹ tôi thêm thảnh thơi, thư thái. Gọi điện cho mẹ hàng ngày trở thành thói quen của tôi, nhưng chưa khi nào tôi gọi vào “giờ vàng” này.
Gọi vào “giờ vàng” nên tôi mới biết “Mẹ đang ăn cơm”. Liếc qua mâm cơm, tôi nhói lòng, chỉ có đĩa rau luộc và đậu phụ. Cằn nhằn một hồi, mẹ chỉ cười: “Tao già rồi, ăn lắm cũng làm gì đâu, nên ăn thanh đạm thì cần gì ăn thịt? Với lại ăn một mình cũng không muốn ăn, bụng chả đói”.
Cứ người già là cần ăn thanh đạm, không nên ăn thịt?
Bạn biết không, khi chúng ta ở xa bố mẹ, khi bố mẹ sống trong cô đơn, bữa cơm hiu quạnh tiếng cười con cháu, họ cũng không muốn ăn uống gì nhiều, thậm chí ăn qua loa, ăn vớ ăn vẩn cho xong bữa. Ai cũng bảo già rồi cần ăn gì nhiều. Ai cũng nói tuổi già sức yếu không quan trọng chuyện ăn uống. Ơ kìa, nếu không quan trọng chuyện ăn uống, dù cho là tuổi già hay tuổi nào chăng nữa, thì sao có sức khỏe tốt nhất?
Thế nên, tin tôi đi, bạn hay bố mẹ, ông bà của bạn, tuổi già sức yếu như thế nào đi nữa, ăn uống cũng quan trọng lắm. Nó là bước giúp bạn khỏe mạnh mỗi ngày, thậm chí phòng tránh được bệnh tật. Mắc phải sai lầm trong ăn uống, bổ sung dinh dưỡng, người già sẽ càng trở nên yếu ớt hơn.
Chia sẻ trong livestream chủ đề PHÒNG TRÁNH SUY DINH DƯỠNG NGƯỜI CAO TUỔI, BS Dương Thị Phượng (Khoa Dinh dưỡng và Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), cho biết: Nói đến suy dinh dưỡng, chúng ta thường hay nghĩ đến việc “thiếu”. Thực tế, đúng theo định nghĩa, suy dinh dưỡng bao gồm 3 khía cạnh. Một là thiếu dinh dưỡng, hai là mất cân bằng dinh dưỡng (thiếu vi chất dinh dưỡng), ba là thừa cân - béo phì. Người già thường mắc phải những sai lầm phổ biến trong cách ăn uống, sinh hoạt ở người cao tuổi có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng.
Dưới đây là những quan niệm sai lầm về dinh dưỡng ở người cao tuổi:
Nói đến suy dinh dưỡng, chúng ta thường hay nghĩ đến việc “thiếu”
Theo BS Phượng, nhiều người cao tuổi cho rằng mình lớn tuổi rồi thì nhu cầu ăn cần ít đi, giảm khẩu phần ăn, đặc biệt có những người chuyển sang ăn thuần chay, bỏ hẳn đạm động vật chẳng hạn. Trong khi đó, đạm động vật vẫn là nhóm có giá trị sinh học cao, cung cấp vi chất quan trọng như sắt, vitamin B12 tham gia vào quá trình tạo máu…
BS Phượng giải thích, ăn không cân bằng nghĩa là ăn không có sự đa dạng. “Có những trường hợp người cao tuổi bị đái tháo đường, tăng huyết áp, gút, tim mạch, bệnh lý về thận… Người già ăn kiêng nhưng không ăn kiêng đúng cách dẫn đến mất hẳn nhóm chất đạm hoặc vitamin, khoáng chất khác”, chuyên gia nhận định.
Người già ăn kiêng nhưng không ăn kiêng đúng cách dẫn đến mất hẳn nhóm chất đạm hoặc vitamin, khoáng chất khác
BS Phượng cho rằng, ở người cao tuổi thường có thói quen ăn mặn hơn bình thường. Theo nghiên cứu, người Việt Nam hiện nay ăn mặn hơn rất nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (nên ăn dưới 5g muối/ngày).
"Theo điều tra, trung bình người Việt Nam đang ăn 9-10g muối/ngày. Chúng ta đang ăn thừa rất nhiều muối. Đây là vấn đề gây ra loạt bệnh lý, nhất là tăng huyết áp và tim mạch”, BS Phượng nhận định.
Ở người cao tuổi thường có thói quen ăn mặn hơn bình thường
“Đối với người cao tuổi, đôi khi 3 bữa chưa đủ vì lượng ăn được ít, sức ăn nhai kém nên khẩu phần ăn không đủ”, chuyên gia cho hay. Do đó, đối với người cao tuổi, các bác sĩ luôn khuyến cáo nên cho ăn 4-5 bữa/ngày. Chúng ta có thể bổ sung các bữa phụ cho người cao tuổi để cung cấp thêm năng lượng cũng như dinh dưỡng.
Theo BS Phượng, người cao tuổi thường có thói quen uống nước không đủ, đặc biệt chỉ uống nước khi cảm thấy khát. Trong khi thực tế là người cao tuổi cần phải uống đủ 30-35ml nước/kg trong một ngày.