Theo đó, các chuyên gia khảo cổ Trung Quốc đã phải mất tới 4 năm để khai quật và khám phá hệ thống thủy lợi khổng lồ khoảng 300 hecta, nằm ở bờ biển phía đông của quốc gia này.
Công trình dẫn nước quy mô 5.100 tuổi thậm chí còn lâu đời hơn cả phát hiện hệ thống thủy lợi 4.900 năm trước đây ở vùng Lưỡng Hà.
Qua quá trình khai quật, phân tích những mẫu khảo cổ, mô hình địa lý và cả quét ảnh vệ tinh, nhóm nghiên cứu cho biết, hệ thống thủy lợi to lớn này thuộc về những người cổ đại sống trong vùng đồng bằng sông Dương Tử.
Yijie Zhuang, tiến sĩ khảo cổ học tại Đại học College London (Anh), đồng thời là tác giả của nghiên cứu chia sẻ: "Hệ thống thủy lợi quy mô siêu lớn này được xây dựng nhanh chóng một cách đáng ngạc nhiên".
Mặc dù chỉ mất khoảng gần một thập kỷ với khoảng 3.000 người xây dựng nhưng công trình này lại được coi là hệ thống thủy lợi lớn nhất trên hành tinh. Trong suốt thời gian này, những cư dân cổ đại được cho là đã di dời khoảng 3,3 triệu mét khối đất.
Các chuyên gia phát hiện thấy nhiều đập nước, hệ thống đê điều trong công trình thủy lợi quy mô này. Ảnh: PNAS
Ngoài ra, đây còn là một hệ thống thủy lợi rất phức tạp, gồm nhiều đập nước cao, đập nước thấp, mương, rạch, hào lớn và đê điều để ngăn ngừa lũ lụt, dự trữ nước để tưới tiêu mùa màng trong những đợt hạn hán.
Hệ thống thủy lợi lớn nhất và lâu đời nhất trên thế giới
Theo nhiều chuyên gia, phát hiện này là một phần của nền văn hóa Lương Chử cổ đại. Những cư dân cổ đại lúc bấy giờ được cho là có nhiều thành công đầy ấn tượng về nông nghiệp và đã biết sử dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến.
Hơn 5.000 năm trước, người dân cổ đại đã biết sử dụng những kỹ thuật canh tác nông nghiệp tiên tiến. Ảnh: PNAS
Trong một báo cáo trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciencences (PNAS), nhóm các nhà nghiên cứu đã mô tả và cho rằng phát hiện này cho thấy đây là một trong những công trình chứng minh nỗ lực xây dựng hệ thống thủy lợi để chống lũ lụt và phục vụ canh tác nông nghiệp lớn nhất trong thế giới cổ đại.
Hình ảnh về bao cát dùng để đắp đê của những người dân cổ đại thuộc nền văn hóa Lương Chử. Ảnh: PNAS
Thậm chí, công trình này cho thấy quy mô cải tạo môi trường ở Lương Chử là chưa từng có trong thời cổ đại. Nó cung cấp thêm cho chúng ta những hiểu biết về quá trình phát triển của một nền văn minh cổ đại. Phát hiện về hệ thống thủy lợi 5.100 tuổi thực sự rất bất ngờ.
Lương Chử là một nền văn hóa "bí ẩn" thuộc thời kỳ đồ đá mới, được hình thành ở Trung Quốc từ khoảng năm 3.300 đến 2.300 năm trước Công nguyên. Người dân lúc bấy giờ sinh sống chủ yếu dọc theo các vùng đồng bằng thuộc hạ lưu sông Dương Tử (ngày nay thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc).
Đồ tạo tác ngọc bích rất phổ biến trong nền văn hóa Lương Chử. Ảnh: Wikimedia
Ngoài hệ thống thủy lợi khổng lồ, các nhà khảo cổ học trước đó còn phát hiện thấy nhiều cổ vật có giá trị về nền văn hóa này.
Trong đó, nổi tiếng nhất có lẽ là những đồ tạo tác ngọc bích vô cùng phức tạp và tinh xảo.
Nền văn hóa Lương Chử nổi tiếng với những đồ tạo tác ngọc bích tinh xảo. Ảnh: Ancientorigins
Được đặt ở một vị trí khá cô lập, nên hệ thống dẫn nước quy mô này có thể chỉ được xây dựng để đáp ứng nhu cầu về thủy lợi của một thành phố mà thôi. Tuy nhiên, phát hiện này sẽ cung cấp thêm thông tin về nền văn hóa Lương Chử cổ đại và lịch sử về kỹ thuật thủy lợi ở Trung Quốc.
Nguồn: Ancientorigins, Dailymail