Phiên bản điện ảnh Masquerade (Hoàng Đế Giả Mạo) của Lee Byung Hun tưởng chừng đã quá kinh điển để làm thêm một bản truyền hình với dàn diễn viên chính khá trẻ mà không gọi là mạo hiểm. Thế nhưng, với việc rating tăng dần đều theo từng tập phát sóng, tác phẩm tâm huyết của chàng "crush quốc dân" Yeo Jin Goo đã cho thấy màu sắc cùng sức hút riêng biệt.
Sự tương phản trong hình tượng nhân vật
Phiên bản của Lee Byung Hun vẫn lo việc triều chính.
Dễ dàng nhận thấy, hình ảnh nhà vua ám ảnh về nguy cơ bị ám sát của Masquerade được xây dựng có phần "sáng sủa" hơn The Crowned Clown (Tạm dịch: Chàng Hề Thế Thân). Vua Gwanghae ở bản điện ảnh sợ hãi, ám ảnh cái chết tới mức chìm trong hoảng loạn và rơi vào tuyệt vọng. Nhưng, ở anh vẫn còn đâu đó sự cao ngạo, điềm tĩnh, khí chất tôn nghiêm của một vị quân chủ. Đó là sự hoảng loạn và tàn nhẫn ở mức độ cho phép của một chủ nhân ngai vàng.
Nhưng ở phiên bản của cậu trai trẻ họ Yeo, vị vua này dường như đã vượt lên trên trạng thái bất an bình thường mà trở nên điên dại. Anh "trượt dài" trong bóng tối tội lỗi, gặm nhắm nỗi ám ảnh khủng khiếp rồi trở nên điên loạn đến đánh mất cả sự tôn nghiêm của một ông chủ vương triều.
Quá sợ hãi đến nỗi vứt bỏ cả "hình tượng" một ông vua.
Tất nhiên, hoàn cảnh hình thành nên con người, việc sa đọa của vua Yi Hun là có lí do. Nhưng cái đáng nói là khi xem The Crowned Clown, người xem có cảm giác như tinh thần bị u ám, sa sút theo tâm lý nhân vật. Hình ảnh một ông vua "xấu xí" quên "lối về" và đợi chờ nhiều hơn sự xuất hiện của chàng hề đầy sức sống và tươi sáng Ha Sun mang đến cảm giác mệt mỏi rõ rệt. Có thể thấy, hình ảnh nhà vua và chàng hề ở phiên bản truyền hình được xây dựng rõ nét hơn về độ tương phản. Như kiểu ta họa 2 mảng màu đen và trắng rõ rệt trên một bức tranh, theo cách hoàn toàn có chủ đích.
Một nhân dáng nhưng hai tính cách và tinh thần.
Không khí bản truyền hình u ám hơn
Chú cận vệ với gói "meme" đỉnh cao đảm bảo không hề không lấy tiền vé.
Về khoản này, sắc diện "úa tàn" của vị hoàng đế trẻ đóng một vai trò đáng kể. Ở bản truyền hình, thời gian có vẻ dư dả hơn để đặc tả sự suy sụp của vị vua. Thế nên dường như bóng dáng nhà vua xuất hiện ở đâu, nơi đó không khí cũng nhuốm màu ảm đạm, đen tối.
Thêm nữa, nếu như ở bản điện ảnh, biên kịch luôn chú tâm cài cắm những tình tiết, diễn biến tâm lý vui nhộn vào mạch truyện chính thì bản truyền hình dường như thiếu vắng hơn về điều này. Bên cạnh anh hề bỗng nhiên được mặc hoàng bào với khối chuyện lạ lẫm và "dở người", Masquerade còn có hẳn một nhân vật phụ gánh phần "giải trí" cho không khí phim.
Nhưng với The Crowned Clown, các mảng miếng hài ít ỏi từ nhân vật chàng hề thực chưa đủ thấm so với không khí tranh giành quyền lực chính trị căng não"của phim. Ngoài những phân cảnh tình cảm của đôi nhân vật chính ra, phần còn lại của diễn biến phim đa phần vẫn khá u ám. So với người anh hơn 2 tiếng của mình, có thể nói The Crowned Clown kém hơn một chút về tính giải trí. Nhưng, có lẽ nét u ám, ma mị đó lại là một nét riêng, đặc biệt của phiên bản này.
Phim tạo được sự tò mò về mạch truyện về sau
Khi thời gian đủ dài để tình cảm được bồi bắp, nàng sẽ lưỡng lự chứ?
Bên cạnh cuộc tranh đấu chính trị giữa vị vua giả mạo và các thế lực thù địch, hay sau này còn có thể là tranh đấu quyền lực giữa hai thân phận thật và giả, thì cuộc đấu tranh tình cảm của tuyến nhân vật chính cũng hay ho và tạo tò mò không kém.
Rõ ràng trước khi chàng hề xuất hiện, tình cảm của đôi vợ chồng quân vương đã sáng tỏ. Không rõ đã phải là yêu chưa nhưng hoàng hậu So Yoon đối với phu quân mình trước hết là tình nghĩa gắn bó, tin tưởng và son sắt một lòng, dù vẻ ngoài luôn tỏ ra lạnh lùng, xa cách. Còn nhà vua, vẫn một lòng yêu thương và trân trọng hoàng hậu, ngay cả lúc tinh thần đã rơi vào bất ổn.
Rồi bỗng nhiên, vị vua giả mạo xuất hiện với một tâm hồn trong sáng, thánh thiện và một cách quan tâm rất khác, rất trực diện và đáng yêu đối với hoàng hậu. Như lẽ hiển nhiên, trái tim hoàng hậu sẽ rung động. Nhưng nếu như ở bản điện ảnh, cảm xúc ấy chỉ vừa hay dừng ở mức "động lòng" và trân trọng mà chưa kịp tiến triển xa hơn để gây thêm hệ lụy thì ở bản này, ta có thể tò mò vào những diễn tiến khác.
Vị vua có thể trở về không khi đã quá hỗ thẹn với vị trí của mình?
Suốt ngần ấy tập phim của một bộ drama lẽ nào tình cảm hoàng hậu giành cho vị vua giả mạo là chàng hề vẫn chưa đủ "chín" để có thể diễn ra ít nhất là một cuộc đấu tranh tư tưởng "chọn con tim hay là nghe lý trí" đầy kịch tính. Đó là nếu như cuối cùng vị vua thực thụ trở về và muốn giành lại tất cả thuộc về mình, bao gồm cả trái tim hoàng hậu. Nữ nhân của vua đồng thời là mẫu nhi thiên hạ thật khó lòng vượt qua định kiến để có thể thoải mái "muốn theo ai thì theo" như người khác (trừ phi kịch bản phim muốn đột phá lựa một thời điểm nào đó cho "bay màu" luôn vị "chân mệnh thiên thử" thật sự).
Thứ hai, nhìn một lần nữa vào hình ảnh sa đọa, điên loạn cùng những hành động giết người tàn bạo của vị vua ở phần đầu phim, ta có tự hỏi "còn lối về nào cho một nhân vật chính?". Dù thân phận là không thể chối bỏ nhưng với cách triển khai hình ảnh nhân vật chính xấu xa đầy "quyết liệt" của biên kịch tính tới thời điểm hiện tại, ta lờ mờ có thấy đoán được kết cục cho vị vua thực sự này.
Dĩ nhiên, chi tiết này hoàn toàn khác với bản điện ảnh. Ở đấy, vị vua ít bạo tàn và có một cái kết êm ái hơn, nếu không muốn nói là "quá hời" sau tất cả. Vậy, nếu tuyến tình cảm của các nhân vật trung tâm được khai thác theo hướng "trượt dài và trượt đi luôn" thì một cái nắm tay hạnh phúc của chàng hề và hoàng hậu là điều hoàn toàn có thể trông đợi. Tuy nhiên, cái nắm tay đó có hạnh phúc tới "hết đêm 30" để hạ màn viên mãn cho cả vở kịch không, lại là một câu chuyện khác.
Một câu hỏi khác bên lề câu chuyện tình cảm là cách nhận biết "thật – giả" chủ nhân của ngai vàng. Bằng dấu hiệu nào để người ta có thể nhận ra vị vua thực sự của mình khi vết sẹo trên ngực cũng đã được "giả mạo" nốt ở dưới tay vị quan đại thần thân vua. Cũng như việc nếu may mắn vượt qua biến cố tâm lý, quay lại cuộc đời, nhà vua thật sẽ đối diện như thế nào với thực tế đã vuột mất ngai vàng, với một dáng vẻ ra sao?
Diễn xuất chất lượng
Cùng trạng thái bất ngờ, nhưng không khó để phân biệt hai nhân vật.
Không phụ sự kỳ vọng, Yeo Jin Goo tuy còn rất trẻ nhưng đã thể hiện được bản lĩnh của một diễn viên theo trường phái thực lực. Hai nhân vật nhà vua và chàng hề với hai thái cực tâm lý và cảm xúc trái ngược hoàn toàn được cậu Yeo thể hiện gần như trọn vẹn. Thậm chí, với nhân vật nhà vua điên loạn, nhìn thần sắc như sắp sửa "tàn úa" đến nơi, qua tay cậu chàng vẫn đảm bảo được độ "chất lừ" thuần túy của nhân vật. Ngẫu nhiên nhìn vào một khuôn mặt, qua ánh mắt thể hiện, ta luôn có thể nhận ra đâu là hàng thật, đâu là giả.
Nét "đẹp buồn" man mác chẳng thua kém đàn chị Han Hyo Joo.
Về hoàng hậu Yoo So Yoon, khách quan mà nói, sức nặng tâm lý ở nhân vật này không quá lớn. Một vị nữ hoàng đoan trang, chính trực đến độ mẫu mực và ánh mặt lúc nào cũng chất chứa nhiều nỗi niềm, dường như vẫn nằm trong tầm kiểm soát thể hiện của nữ diễn viên. Có thể nói, tính tới thời điểm hiện tại với không quá nhiều biến cố, Lee Se Young đã thể hiện khá tốt vai trò nữ chính của mình.
Còn quá sớm để khẳng định hoàn toàn về thành công của tác phẩm, nhưng với những gì đã "trình làng", có thể nói tác phẩm đã có những bước đi đầu tiên vững vàng và hứa hẹn. Nhưng có vững vàng được tới cuối cùng để mang lại hào quang cho lứa diễn viên trẻ tài năng này hay không, khán giả còn phải chờ đợi theo dõi đoạn đường tiếp theo.
Phim đang được phát sóng trên kênh TvN, vào lúc 21h30 thứ Hai, thứ Ba hàng tuần.