Một người đàn ông 52 tuổi, họ Trần (Trung Quốc) đã bị suy thận cấp, suýt chút nữa thì mất mạng vì ăn rau dền sai cách. Ông Trần vốn có tiền sử huyết áp cao, tiểu đường và thận cũng bị ảnh hưởng. Khi đi khám được bác sĩ khuyên ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau củ hơn nên ông bắt đầu trồng rau.
Gần đây, ông Trần trồng rau dền trong vườn nên ngày nào cũng ăn liên tục hơn một tuần liền. Trong thời gian đó, ông bị sốt và mệt mỏi dai dẳng. Lúc đầu tưởng là cảm cúm nhưng uống thuốc mãi không đỡ. Đến ngày thứ 3, ông Trần sốt rất cao, có biểu hiện lú lẫn, ban xuất huyết và tiểu ra máu. Người nhà hốt hoảng gọi xe cấp cứu đưa ông tới bệnh viện.
Tại đây, các bác sĩ kết luận ông Trần bị suy thận cấp, ure huyết, huyết áp rất cao. May mắn là sau nhiều nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, tính mạng ông đã thoát khỏi nguy hiểm. Tuy nhiên, sau này ông buộc phải dựa vào chạy thận để duy trì cuộc sống. Khi biết được nguyên nhân “thập tử nhất sinh” của mình liên quan tới món rau dền yêu thích, ông vừa bất ngờ vừa hối hận.
Theo bác sĩ điều trị, bản thân rau dền không có lỗi, lỗi là ở ông Trần đã ăn sai cách. Điều tra lối sống cho thấy ông ăn rất nhiều rau dền nhưng lại không chịu chần qua trước khi nấu. Trong khi đó, rau dền rất giàu axit oxalic, nếu ăn thường xuyên trong thời gian ngắn mà không chần có thể gây tổn thương thận cấp tính do các tinh thể axit oxalic chặn ống thận. Từ đó gây ra nhiều bệnh về thận. Thói quen này đối với người có vấn đề về thận như ông Trần nguy hiểm hơn rất nhiều so với người bình thường.
Vị bác sĩ điều trị cho ông Trần cảnh báo rằng các trường hợp tổn thương thận do ăn rau giàu axit oxalic tương tự không hề hiếm gặp. Bà cũng nhắc nhở rằng rau dền không phải là loại rau duy nhất giàu axit oxalic mà chúng ta, đặc biệt là người có vấn đề về thận nên cẩn trọng khi ăn. Gần đây bà cũng đã điều trị cho một bệnh nhân suy thận cấp do ăn quá nhiều rau răm.
Theo giải thích của bà, các tinh thể axit oxalic có thể dễ dàng hình thành sau khi ăn các loại rau giàu chất này. Sau đó, các tinh thể axit oxalic có thể dễ dàng ngăn chặn ống thận. Một khi ống thận bị tắc, các chất độc chuyển hóa trong cơ thể không thể đào thải ra khỏi cơ thể kịp thời và tích tụ, dẫn đến tổn thương thận cấp tính. Đặc biệt ở những người mắc bệnh thận tiềm ẩn hoặc các bệnh chuyển hóa khác có thể dẫn tới nguy hiểm tính mạng. Canxi oxalat cũng kết hợp với canxi của cơ thể tạo thành canxi oxalat, làm tăng nguy cơ sỏi thận.
Axit oxalic không dễ bị cơ thể oxy hóa và phân hủy, các chất có tính axit sinh ra sau quá trình trao đổi chất dễ làm mất cân bằng độ pH trong cơ thể. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sự hấp thụ canxi và kẽm của cơ thể mà còn có thể gây ngộ độc (do hấp thụ quá nhiều oxalat) trong một số trường hợp nghiêm trọng.
Bà cũng liệt kê ra những loại rau củ khác giàu axit oxalic ngoài rau dền và rau răm như: rau muống, cải bó xôi, mướp đắng, cải bẹ, củ cải đường, rau họ đậu, cà tím…
May mắn là axit oxalic có thể hòa tan trong nước, chỉ cần chần qua nước sôi là có thể loại bỏ được 40% - 70% axit oxalic có trong các loại rau củ. Sau khi ăn các loại rau củ này mà có dấu hiệu như mệt mỏi và khó chịu, buồn nôn và nôn, đi tiểu ít, phù nề… thì hãy nhanh chóng tới bệnh viện kiểm tra.
Nguồn và ảnh: The Paper, Family Doctor