Lời tự thú của một "con nghiện" chăm sóc da mặt: Khi vẻ đẹp Hàn Quốc trở thành chuẩn mực của nhiều cô gái châu Á

Kienzeratul Spiderum, Theo Helino 20:03 30/04/2018

Đối với phụ nữ Châu Á, nhu cầu làm đẹp bằng mỹ phẩm, đặc biệt là những chủng loại đến từ Hàn Quốc, đã trở thành một thói quen không thể bỏ được. Bài viết dưới đây là lời thú nhận của một cô gái như thế.

Với mong muốn được giống thần tượng K-pop nhất có thể, cô không từ chối bất cứ một liệu pháp dưỡng da nào, cho dù tốn kém đến đâu.

Một ngày của tôi bắt đầu từ việc rửa mặt hai lần liên tục, sau đó bôi serum làm trắng da. Đến tối, tôi sẽ sử dụng một miếng mặt nạ chăm sóc môi trước khi động đến các loại mỹ phẩm giữ ẩm.

Lời tự thú của một con nghiện chăm sóc da mặt: Khi vẻ đẹp Hàn Quốc trở thành chuẩn mực của nhiều cô gái châu Á - Ảnh 1.

Hình ảnh trong một tiệm chăm sóc da ở thành phố Quezon, Philippines

Cuối tuần trước, tôi có cuộc hẹn với một người bạn đại học tại thành phố Senayan ở Indonesia. Tôi ngồi chờ cô ấy trong một quán cà phê. Khi thấy bạn mình bước vào, tôi nhận ra hai tay cô ấy đang xách đầy những túi mỹ phẩm Innisfree nặng trịch.

"Làm ơn đừng đánh giá tớ nhé", cô nói ngay khi tôi chỉ mới định cất lời chào. "Tớ chỉ định mua mặt nạ bùn với serum trắng da mà thôi, cơ mà sau đó tớ mới biết là mình không thể kiềm chế được".

Trong thâm tâm, tôi hoàn toàn đồng cảm với cô bạn tội nghiệp của mình. Vì thực ra chính tôi cũng bị ám ảnh với những sản phẩm làm đẹp tới từ xứ Kim Chi. Và lý do không hẳn bởi vì tôi là fan K-pop đâu.

Phương pháp dưỡng da qua 10 bước

Tất cả đều bắt nguồn từ năm 2013, khi da mặt tôi bắt đầu xuất hiện mụn trứng cá và nổi lên chi chít những nốt ửng đỏ. Tôi thử tất cả mỹ phẩm có thể tìm thấy được tại các cửa hàng xung quanh nhưng không có tác dụng. Quá bực tức, tôi quyết định lên mạng nhằm tìm cách trị mụn trên mấy blog làm đẹp (hồi đó những đoạn clip vlog hướng dẫn trang điểm trên Youtube và Instagram còn chưa phổ biến như ngày nay). Đó cũng là lần đầu tiên mà tôi biết đến phương pháp "Dưỡng da bằng 10 bước".

Ngày đó, tôi không quá phụ thuộc vào các sản phẩm chăm sóc da tới từ Hàn Quốc. Trong số 10 bước kể trên, tôi chỉ dùng từ 5 đến 6 bước chăm sóc da mà thôi. Kết quả là da tôi được cải thiện đáng kể dù chưa đến mức trắng không tì vết như những diễn viên Hàn Quốc mà bạn thấy trên các bộ phim truyền hình.

Lời tự thú của một con nghiện chăm sóc da mặt: Khi vẻ đẹp Hàn Quốc trở thành chuẩn mực của nhiều cô gái châu Á - Ảnh 2.

Kết quả là da tôi được cải thiện đáng kể dù chưa đến mức trắng không tì vết như những diễn viên Hàn Quốc mà bạn thấy trên các bộ phim truyền hình.

Sau một khoảng thời gian, phương pháp rút gọn liệu trình từ 5-6 bước như trên tỏ ra mất tác dụng, và làn da của tôi càng ngày càng yếu đi và nhạy cảm hơn. Và cách giải quyết của tôi là gì? Là mua thêm thật nhiều mỹ phẩm. Và thế là giờ mỗi sáng (và tối), tôi đều lần lượt thoa lên mặt những sản phẩm sau:

1. Khăm thấm dầu
2. Sữa rửa mặt dạng bọt
3. Làm sạch bằng toner
4. Tinh chất trắng da
5. Sữa dưỡng da cung cấp độ ẩm
6. Serum trắng da
7. Serum làm bớt thâm mắt
8. Kem dưỡng ẩm
9. Mặt nạ ngủ chăm sóc môi
10. Mặt nạ dưỡng da

Và nếu thấy chưa đủ, tôi thậm chí còn bổ sung thêm mặt nạ lột da, kem trị mụn anti-acne và cả serum dưỡng da nữa. Tôi biết là như thế là hơi nhiều. Nhưng làm sao mà dừng lại được? Tôi thích cái cảm giác đó. Nếu như không tự mình chăm sóc da theo đúng liệu trình trên, tôi sẽ cảm thấy bứt rứt khó chịu cứ như thể mình vừa quên một thứ gì đó. Thực sự nó là yêu cầu bắt buộc. Dù cho khuôn mặt chưa thể sánh ngang được với vẻ đẹp không tì vết của Song Hye Kyo thì chí ít tôi cũng tự hào vì mình không hề có mụn nhọt nổi chi chít nữa.

Vậy toàn bộ chỗ mỹ phẩm đó tiêu tốn bao nhiêu tiền? Rất nhiều là đằng khác. Nếu không chú tâm đến việc chi tiêu cho mỹ phẩm, có lẽ tôi đã "nướng" khoảng 2 triệu rupi (tương đương 3,3 triệu đồng) mỗi tháng chỉ dành để dưỡng da mà thôi. Nhưng biết nói thế nào đây? Không phải ai sinh ra cũng được ban tặng một làn da hoàn hảo không tì vết. Bản thân tôi cũng phải rất nỗ lực mới có được làn da như bây giờ. Và ngoài kia, không chỉ có mình tôi, còn có rất nhiều anh chị em có thói quen chăm sóc da thậm chí còn kĩ lưỡng và tỉ mỉ hơn tôi nhiều (đương nhiêu là tốn kém hơn rồi).

Lời tự thú của một con nghiện chăm sóc da mặt: Khi vẻ đẹp Hàn Quốc trở thành chuẩn mực của nhiều cô gái châu Á - Ảnh 3.

Nếu không chú tâm đến việc chi tiêu cho mỹ phẩm, có lẽ tôi đã "nướng" khoảng 2 triệu rupi (tương đương 3,3 triệu đồng) mỗi tháng chỉ dành để dưỡng da mà thôi.

Như bạn tôi Puti chẳng hạn. Cô ấy đang công tác tại một tập đoàn bảo hiểm hàng đầu trong nước, và cô ấy tâm sự với tôi rằng, mỗi tháng số tiền cô ấy dành cho mỹ phẩm còn nhiều gấp đôi so với chi phí tôi bỏ ra. Puti nói: "Tớ còn chẳng đếm nổi mình thực hiện bao nhiêu bước dưỡng da nữa. Cảm giác như kiểu một nghi lễ tôn giáo vậy. Mỗi lần làm mất cả mấy tiếng đồng hồ. Tớ nghĩ tớ bị phát cuồng với nó rồi".

Lời khuyên của bác sĩ: Hãy chọn mỹ phẩm phù hợp và đừng bị ám ảnh

Tôi buộc phải tìm đến một chuyên gia làm đẹp để chắc chắn rằng, mình đang không bị mắc chứng nghiện làm đẹp. Chỉ mong là cô ta cũng đồng ý với tôi rằng đó chỉ là thói quen sinh hoạt thường ngày. Nhưng trái với suy nghĩ của tôi, cô ấy bật cười một hồi rồi bảo rằng, tôi thực sự đang nghiêm trọng hóa việc chăm sóc da rất nhiều.

Bác sĩ Nenden, chủ sở hữu phòng khám N’Clinique ở phía nam Jakarta, bảo rằng mặc dù việc chăm sóc da theo liệu trình không có gì là sai cả, nhưng tôi cần cẩn trọng tránh làm hỏng da khi làm theo những phương pháp như làm đẹp bằng 10 bước như kia.

"Chúng ta cần biết rõ những chất gì có trong sản phẩm làm đẹp mình sử dụng. Nhiều hợp chất rất nguy hiểm cho sức khỏe, chẳng hạn như paraben, hoặc những loại thuốc khác mà đáng ra chỉ bác sĩ mới được phép kê đơn. Hợp chất hydroquinone cũng là thứ mà bạn cần đề phòng nhằm tránh lạm dụng".

Lời tự thú của một con nghiện chăm sóc da mặt: Khi vẻ đẹp Hàn Quốc trở thành chuẩn mực của nhiều cô gái châu Á - Ảnh 4.

"Chăm sóc da không nhất thiết phải cần quá nhiều bước hay phải đắp quá nhiều lớp. Tại sao bạn không thử sử dụng một sản phẩm khác có tác dụng tương tự?"

Bác sĩ Nenden không phản đối gì với việc sử dụng các loại mỹ phẩm của Hàn Quốc, bởi chính bà cũng không lạ gì với chúng. Bà đã từng được nhiều công ty mỹ phẩm thuyết phục để quảng cáo các sản phẩm của họ tới người tiêu dùng. Nhưng Nenden nghĩ rằng, lợi ích mà các loại mỹ phẩm đó mang lại chưa thực sự rõ ràng. Có thể, xu hướng chạy theo chúng chỉ là một chiêu trò quảng cáo không hơn không kém.

"Chăm sóc da không nhất thiết phải cần quá nhiều bước hay phải đắp quá nhiều lớp. Tại sao bạn không thử sử dụng một sản phẩm khác có tác dụng tương tự?". Nenden kể rằng, một công ty từng tìm đến và nhờ bà giúp họ bán liệu pháp dưỡng da gồm 4 bước. "Tôi nói với họ rằng, tại sao chúng ta phải cần đến 4 loại sản phẩm khác nhau trong khi chỉ cần mỗi loại là giải quyết được đầy đủ rồi?"

Các công ty đều muốn khách hàng của họ nghĩ rằng, họ phải sử dụng nhiều loại mỹ phẩm khác nhau, từ đó khiến bạn phải chi càng ngày càng nhiều hơn. Nếu bạn làm trong ngành công nghiệp mỹ phẩm, chắc chắn bạn sẽ muốn khách hàng mua 10 lọ mỹ phẩm với các chức năng khác nhau thay vì mua 1 lọ mỹ phẩm có đủ cả 10 chức năng.

Vấn đề nằm ở chỗ chính liệu pháp 10 bước này lại có hiệu quả. Lượng xuất khẩu các sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc da đến từ Hàn Quốc tăng gấp 10 lần kể từ năm 2010. Các công ty Hàn Quốc đang tích cực làm việc và hợp tác với những gương mặt thời trang trên Instagram nhằm đánh bóng xu hướng làm đẹp mới của năm, với một tốc độ chóng mặt mà ngay cả chúng ta cũng không thể bắt kịp. Đến lúc tôi biết khái niệm "da mật ong" có nghĩa là gì thì những cụm từ như "da bóng kính" hay "da không gợn mây" đã chiếm trọn trang nhất các tờ báo từ lúc nào rồi.

Lời tự thú của một con nghiện chăm sóc da mặt: Khi vẻ đẹp Hàn Quốc trở thành chuẩn mực của nhiều cô gái châu Á - Ảnh 5.

Các công ty đều muốn khách hàng của họ nghĩ rằng họ phải sử dụng nhiều loại mỹ phẩm khác nhau, từ đó khiến bạn phải chi càng ngày càng nhiều hơn.

Nhờ có bác sĩ Nenden mà tôi bắt đầu dứt dần cơn nghiện chăm sóc da. Cô ấy luôn nhấn mạnh rằng, những tiêu chuẩn làm đẹp mà các công ty mỹ phẩm Hàn Quốc thường áp đặt thực ra không hề phù hợp với tất cả mọi người, mặc kệ cho bạn có tiêu tốn biết bao nhiêu tiền hoặc mua bao nhiêu sản phẩm hoặc làm bao nhiêu bước chăm sóc sắc đẹp đi nữa. Điều này đặc biệt đúng ở Indonesia, nơi mà có khí hậu hoàn toàn khác biệt với Hàn Quốc. Ở Hàn Quốc không khí thường lạnh và khô hơn, vì thế người dân ở đó thường phải liên tục giữ ẩm cho làn da của mình. Còn ở Indonesia, khí hậu nhiệt đới ẩm và nóng quanh năm, việc này hoàn toàn không cần phải quá cầu kỳ. Nên nhớ rằng giữ ẩm quà đà cũng có tác hại không kém gì việc để da khô.

Bác sĩ Nenden từng nói "Hãy chắc chắn rằng, những loại mỹ phẩm mà bạn sử dụng phải phù hợp vời làn da của bạn". Có lẽ cô ấy nói đúng. Chúng ta đều là nạn nhân của những chiến dịch quảng cáo của các loại sản phẩm chăm sóc sắc đẹp mà các công ty mỹ phẩm hướng tới. Nhưng không phải ai cũng có thể loại bỏ những bộ sưu tập cồng kềnh ấy khỏi ngăn tủ và bàn trang điểm. Tôi thuộc dạng người như thế. Thay vì vung tiền vào sắm sửa quần áo và các bữa tối linh đình, tôi lại đi đốt tiền cho mỹ phẩm và trước mắt có lẽ căn bệnh này sẽ không có dấu hiệu thuyên giảm.

Châm ngôn có câu rằng "Tình yêu là tội lỗi và hãy để tôi được phạm phải lỗi lầm ấy". Việc quá ham mê các sản phẩm làm đẹp da có thể không giúp tôi có được làn da không tì vết như những thần tượng K-pop. Nhưng một điều chắc chắn là nếu không làm thế thì không bao giờ tôi có cơ hội được trùng tu vẻ đẹp của mình. Với tôi, chỉ vậy là đủ.

Nguồn: Vice