INSIDER đã tham khảo ý kiến của các đầu bếp và chuyên gia ẩm thực để tìm ra các thời điểm mà bạn không nên đi ăn tại nhà hàng.
Đừng đi ăn vào giờ cao điểm
Có một vài ngày trong tuần, về đến nhà và nấu một bữa ăn đầy đủ sau giờ làm việc dường như là một nhiệm vụ bất khả thi. Nhưng đi ăn hàng có thể thực hiện được điều đó và có thể coi đó là một lựa chọn hấp dẫn.
Đầu bếp Kristina Miksyte của Doma Kitchen ở Marina Del Rey, California nói với INSIDER rằng một trong những thời điểm để tránh ăn tại nhà hàng là vào giờ cao điểm bữa tối. Khung thời gian này sẽ có đôi chút khác nhau ở mỗi nhà hàng tùy thuộc vào vị trí và quy mô của nhà hàng đó, nhưng hầu hết các nhà hàng đều trở nên đông đúc từ 17h00 đến 20h00.
Trong khoảng thời gian cao điểm này, các nhà bếp và nhân viên có thể trở nên quá tải và chính phòng ăn có thể cũng sẽ khá đông. Thay vào đó, Miksyte khuyên bạn nên đến từ 4 đến 5h chiều để tận dụng bầu không khí ăn uống yên tĩnh hơn.
"Nhân viên sẽ đến và phục vụ thoải mái hơn chứ không vội vã như trong giờ cao điểm. Khi các nhân viên đã sẵn sàng phục vụ cho bữa tối, họ có thể tạo thêm không gian và dành thời gian trò chuyện với thực khách để mang đến cho họ những trải nghiệm ăn uống tuyệt vời" cô ấy nói.
Tránh đi ăn nhà hàng vào ngày lễ
Một bữa tối thịnh soạn trong một nhà hàng lãng mạn là điều mà nhiều gia đình muốn làm trong những ngày lễ. Tuy nhiên, chọn ăn tối vào những ngày lễ này có thể là một vấn đề đau đầu. Khó đặt bàn chỉ là một chuyện, rất có thể nhà hàng sử dụng thực đơn được lập sẵn để giảm bớt sự phức tạp của việc phục vụ cả nhà và giá cả có thể bị tăng lên.
Firoz Thanawalla, đầu bếp và chủ sở hữu của Chef's Satchel, nói với INSIDER rằng ăn tối vào những ngày đặc biệt như Ngày lễ tình nhân hoặc Ngày của mẹ có thể đồng nghĩa với việc bạn phải đối mặt với sự đông đúc của các nhà hàng và những áp lực căng thẳng.
"Những ngày này chẳng có gì khác ngoài sự "căng thẳng" trong nhà bếp, nơi cần phải chuẩn bị hết món này đến món khác và đôi khi họ không thể chú ý đến những chi tiết nhỏ. Đó không phải hoàn toàn là lỗi của người nấu. Lượng áp lực lẽ ra không đáng có đến từ phía các vị thực khách", Thanawalla nói.
Bạn không nên ăn ở nhà hàng có nhà vệ sinh quá bẩn
Đảm bảo vệ sinh là điều quan trọng bất kỳ nhà bếp nào, nhưng điều đặc biệt quan trọng ở các nhà hàng là phải duy trì mức độ vệ sinh sạch sẽ cao để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh tật do thực phẩm hoặc sự xâm nhập của động vật. Trong một số trường hợp, bạn có thể biết được tiêu chuẩn vệ sinh của nhà hàng bằng cách quan sát các phòng vệ sinh chung của họ.
"Người ta luôn nói rằng sự sạch sẽ của nhà hàng thể hiện qua mức độ sạch sẽ của phòng vệ sinh. Khi đang đi trên đường, tôi quyết định dừng lại ở một quán ăn nhanh. Ở đó, không chỉ phòng vệ sinh không sạch mà tôi còn có thể nhìn thấy rõ nhà bếp và đó không phải là góc nhìn đẹp nhất. Tôi bước ngay ra ngoài và thề sẽ không bao quay lại nhà hàng đó nữa", đầu bếp Thanawalla nói.
Một sàn nhà sạch sẽ, giấy vệ sinh luôn sẵn sàng và đồ đạc được sắp xếp gọn gàng có thể là dấu hiệu cho thấy nhân viên ở đây rất coi trọng vấn đề vệ sinh. Trong trường hợp một phòng vệ sinh bẩn thỉu, điều ngược lại có thể đúng.
"Nếu nhà vệ sinh chung bị bẩn, thì người quản lý nhà hàng có thể cam kết đảm bảo rằng khu vực chế biến thực phẩm là sạch sẽ và an toàn như thế nào?" Ronald Ruggless, trưởng phòng Tây Nam của Nation's Restaurant News, nói với USA Today.
Bạn nên tránh các nhà hàng vừa mới đóng cửa vào kỳ nghỉ lễ
Những ngày nghỉ lễ có thể là thời gian bận rộn đối với nhiều nhà hàng. Nhưng cũng có những nhà hàng lại đóng cửa một số ngày hoặc vài tuần trong thời gian lễ hội để cho nhân viên nghỉ ngơi hoặc chỉnh sửa lại thực đơn cho năm mới. Đặt bàn tại một nhà hàng ngay khi nhà hàng mới mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ có thể có nghĩa là bạn đang ăn loại thức ăn đã được cất trong kho một thời gian.
"Các nhà hàng có thể coi khoảng thời gian trước kỳ nghỉ lễ là cơ hội để cất một số thực phẩm vào tủ đông của họ để sử dụng sau khi nhà hàng mở cửa hoạt động trở lại. Bạn hãy nhớ chuẩn bị bữa ăn từ nhà để tránh phải đi ăn ngoài vào những ngày như vậy; "bạn sẽ muốn ăn một chiếc bánh sandwich gà tây tự làm trong ngày hơn là sốt Bolognese đông lạnh", Thanawalla khuyến cáo.
Mặc dù tất cả các nhà hàng đều phải tuân thủ nguyên tắc bảo quản và chế biến thực phẩm nghiêm ngặt, nhưng bạn có thể sẽ muốn bỏ ngay ý nghĩ đi ăn hàng ngay sau kỳ nghỉ nếu bạn suy tính về nguyên nhân các nguyên liệu đông lạnh sẽ khiến dạ dày của bạn bị ảnh hưởng.
Tránh ăn ở nhà hàng với thực đơn dài hàng mét
Người phụ trách chuyên mục ẩm thực và nhà hàng Luisa Ruocco nói với INSIDER rằng thực khách có thể không muốn ăn ở những nhà hàng có một thực đơn "khổng lồ". Mặc dù đa dạng món ăn là điều tốt, nhưng việc có nhiều món ăn trong thực đơn có nghĩa là một nhà hàng cần phải có sẵn nhiều nguyên liệu khác nhau để luôn sẵn sàng cho những lựa chọn đó.
"Bất kỳ nơi nào có thực đơn thực sự phong phú sẽ rung lên hồi chuông cảnh báo về mức độ tươi ngon của thực phẩm. Ví dụ: một nhà hàng sẽ không mua thịt tươi vào mỗi buổi sáng nếu khả năng ai đó đặt một miếng bít tết là 1/5. Hãy so sánh điều đó với Nhà hàng bít tết chỉ cung cấp năm loại thịt khác nhau", Ruocco nói.
Trong một số trường hợp, các nhà hàng có thực đơn khổng lồ có thể cất giữ nguyên liệu hoặc thậm chí toàn bộ bữa ăn có thể ăn được bằng cách trữ đông và làm nóng chúng. Mặc dù điều này thường hoàn toàn có thể chấp nhận được theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nhưng nó có thể khiến cho món ăn kém tươi ngon hơn.
Theo Insider