Trong thế giới tự nhiên, nhắc đến các loại rau củ quả có màu tím, chúng ta có thể kể ra nhiều cái tên như bắp cải tím, nho tím, chanh leo, mận tím hay măng cụt... và cũng không thể không nhắc đến cà tím. Ở mỗi vùng miền, cà tím lại được người ta chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như canh cà đậu, cà tím xào, cà tím nhồi thịt... Dù chế biến theo cách nào thì cà tím đều ngon và bổ theo những cách riêng.
Bản thân cà tím có chứa vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin P, canxi, phốt pho, magiê, kali, sắt, đồng và các chất dinh dưỡng khác. 90% cà tím là nước, giàu chất xơ, có thể giúp giảm cholesterol, vỏ màu tím còn chứa hợp chất polyphenolic chống lại các gốc tự do.
1. Giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường, đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng
Cà tím có chứa anthocyanin, được gọi là bioflavonoid (hay vitamin P), là chất chống oxy hóa có thể tăng cường tính đàn hồi của các vi mạch mắt, tăng lưu lượng mạch máu trong mắt, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và cải thiện tình trạng mỏi mắt. Đồng thời, nó cũng có thể bảo vệ thị lực, bởi vì anthocyanin có thể cải thiện sự tuần hoàn tốt của mắt, giúp thư giãn cơ bắp, điều tiết thị lực và kiểm soát cận thị. Ngoài ra, anthocyanin còn có thể thúc đẩy quá trình tái tạo chất cảm quang trong võng mạc, nâng cao thị lực, cải thiện tầm nhìn ban đêm.
Cuối cùng, anthocyanin có đặc tính chống oxy hóa, có thể loại bỏ các gốc tự do, giảm viêm và giúp ngăn ngừa bệnh võng mạc tiểu đường, đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng.
2. Kiểm soát và ổn định đường huyết, làm đẹp da và giảm cân
Cà tím có chứa axit chlorogenic, có thể làm giảm tốc độ hấp thụ đường ở ruột, giúp ổn định lượng đường trong máu, từ đó giúp giảm cân. Axit chlorogenic còn có tác dụng làm đẹp da, dưỡng da, có thể ngăn chặn sự lắng đọng hắc tố, ngăn ngừa vết thâm nám, chống lại các loại oxy phản ứng giúp da luôn đàn hồi và sáng bóng.
3. Hạ huyết áp, giảm cholesterol, bảo vệ tim mạch
Cà tím rất giàu kali, kali có tác dụng bù đắp natri, có thể loại bỏ lượng muối dư thừa trong cơ thể, làm giãn mạch và hạ huyết áp. Cà tím chứa chất xơ, kali, vitamin D, vitamin B6… có lợi cho tim mạch, ngoài ra 90% thành phần của cà tím là nước, giàu chất xơ, giúp giảm cholesterol.
4. Loại bỏ mệt mỏi, đau nhức và hỗ trợ phục hồi năng lượng
Phức hợp vitamin B là một chất chống căng thẳng tự nhiên, giúp cơ thể duy trì hệ thống thần kinh và nội tiết và đạt được sự cân bằng cảm xúc. Trong số đó, những chất liên quan nhất đến việc giảm căng thẳng là vitamin B1, B6, B12, axit folic và nicotin.
Natalie Olsen, một chuyên gia dinh dưỡng trong y học thể thao Hoa Kỳ, đã chỉ ra rằng nhóm vitamin B rất hữu ích cho sự phát triển của các tế bào hồng cầu trong cơ thể con người, chức năng não và thần kinh, chức năng tiêu hóa, xây dựng cơ bắp và phục hồi năng lượng cơ thể. Người thành thị thường bị đau vai, liên quan đến tổn thương dây thần kinh ngoại biên do ngồi lâu và giữ nguyên một tư thế, phức hợp vitamin B có thể giúp phục hồi dây thần kinh ngoại biên.
Dù cà tím rất giàu chất dinh dưỡng nhưng nếu nấu sai cách sẽ làm mất đi chất dinh dưỡng và không hấp thụ được chất dinh dưỡng trong đó. Vậy ăn cà tím như thế nào là đúng?
1. Đừng lãng phí vỏ cà tím
Nên giữ lại vỏ cà tím khi nấu vì vỏ cà tím rất giàu vitamin nhóm B và anthocyanin, hai dưỡng chất quan trọng này sẽ bị mất đi sau khi gọt vỏ.
2. Nấu bằng dầu để tăng cường hấp thu vitamin A
Cà tím chứa vitamin A, nhưng vitamin A là chất dinh dưỡng hòa tan trong chất béo, khi hấp hoặc chiên nên cho thêm một ít dầu để tăng cường hấp thu vitamin A.
3. Không nên luộc cà tím
Không nên luộc cà tím với nước vì các chất dinh dưỡng hòa tan trong nước sẽ bị mất đi, chẳng hạn như vitamin nhóm B, vitamin C và anthocyanin.
4. Không nên chiên ở nhiệt độ cao hoặc nấu quá lâu
Sau khi cà tím được chiên, chất dinh dưỡng của cà sẽ bị phá hủy, lượng vitamin P bị thất thoát nhiều, chất dinh dưỡng ăn được giảm đi rất nhiều, thời gian nấu quá lâu cũng vậy, tránh nấu quá 15 phút.
5. Có thể bị ngộ độc nếu ăn sống
Cà tím sống có chứa solanin, cà tím càng già hàm lượng này càng cao, ăn nhiều sẽ gây tê miệng hoặc ợ nóng, thậm chí là tiêu chảy...
Nguồn và ảnh: Healthline, HK01