Mãng cầu xiêm hay còn gọi là mãng cầu gai, na xiêm, na gai, có nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ. Mãng cầu xiêm có vị kết hợp của dâu tây, dứa và cam.
Mãng cầu xiêm là nguyên liệu cho món sinh tố ngon, giải khát mùa hè. Theo WebMD, mãng cầu xiêm còn được sử dụng như 1 vị thuốc để điều trị một loạt các vấn đề về sức khỏe và bệnh tật.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), trong 225g ruột mãng cầu xiêm có 30,5g đường; 7g chất xơ; 46,6mg vitamin C; 626mg kali và 38g carb. Hàm lượng carb trong mãng cầu xiêm chủ yếu đến từ lượng đường tự nhiên có trong quả. Tuy nhiên, chỉ số đường huyết của mãng cầu xiêm vẫn được xếp ở mức thấp.
Hàm lượng vitamin C trong mãng cầu xiêm ở mức cao. USDA khuyến nghị mỗi người nên bổ sung 90mg vitamin C mỗi ngày để tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch. Và với 626mg kali, mãng cầu xiêm là một thứ quả tuyệt vời giúp điều hòa huyết áp và phục hồi cơ thể nhanh chóng sau khi tập thể dục.
1. Ngăn ngừa ung thư
Một nghiên cứu năm 2018 của các nhà khoa học thuộc Khoa Hóa sinh và Sinh học Phân tử, Trung tâm Y tế Đại học Nebraska (Hoa Kỳ), cho thấy chiết xuất từ quả, vỏ, rễ và lá của cây mãng cầu xiêm có khả năng chống lại ung thư.
Mãng cầu xiêm có nhiều lợi ích cho sức khỏe (Nguồn ảnh: Pinterest)
Các nghiên cứu khác cho thấy chiết xuất từ mãng cầu xiêm có thể làm giảm kích thước của các khối u ung thư vú, tiêu diệt các tế bào ung thư mới, ngăn chặn sự hình thành các tế bào bệnh bạch cầu.
Tuy nhiên, các nghiên cứu về hiệu quả của mãng cầu xiêm trong việc ngăn ngừa và điều trị ung thư mới chỉ thực hiện trong phòng thí nghiệm và trên động vật. Do đó, cần có thêm các nghiên cứu trên người để làm rõ lợi ích này.
2. Tăng cường miễn dịch
Theo WebMD: "Mãng cầu xiêm có nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa giúp tăng cường sức khỏe miễn dịch".
Chất chống oxy hóa chống lại các gốc tự do, giảm thiệt hại cho các tế bào do stress oxy hóa. Một trong những tác dụng phụ của stress oxy hóa là gây viêm. Do đó, các chất chống oxy hóa trong mãng cầu xiêm có thể giúp giảm viêm trong cơ thể.
3. Điều hoà huyết áp
Quả mãng cầu xiêm (Nguồn ảnh: zillplantas)
Huyết áp cao có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như bệnh tim và đau tim. Một yếu tố góp phần gây ra huyết áp cao là lượng natri trong cơ thể ở mức cao. Kali giúp cơ thể loại bỏ natri và giảm bớt căng thẳng trong thành mạch máu, từ đó giúp giảm huyết áp.
Một quả mãng cầu xiêm có thể cung cấp khoảng ⅓ đến 1 nửa lượng kali được khuyến nghị hàng ngày.
4. Tăng cường sức khỏe hệ tiêu hoá
Do có hàm lượng chất xơ cao, mãng cầu xiêm có thể hỗ trợ tiêu hóa rất tốt. Một quả mãng cầu xiêm chứa khoảng 83% lượng chất xơ được khuyến nghị hàng ngày. Chất xơ giúp thúc đẩy sự hoạt động của hệ tiêu hoá, từ đó ngăn ngừa các vấn đề về tiêu hóa như táo bón.
Nước ép quả mãng cầu xiêm cũng có tác dụng lợi tiểu và làm sạch đường tiêu hóa bằng cách loại bỏ natri dư thừa khỏi cơ thể.
Theo một nghiên cứu của Khoa Y học và Sức khỏe, Trường Y, Đại học Sydney (Australia), chiết xuất từ mãng cầu xiêm đã được chứng minh có thể chữa lành vết loét dạ dày ở động vật thí nghiệm.
5. Chống viêm
Giống như hầu hết các loại trái cây và rau quả, mãng cầu xiêm là một nguồn cung cấp dồi dào các chất chống oxy hóa. Do đó, loại quả này có thể sửa chữa các tế bào bị tổn thương trong cơ thể và chống lại chứng viêm.
6. Chống nhiễm khuẩn
Sinh tố mãng cầu xiêm. (Nguồn ảnh: Internet)
Theo WebMD, mãng cầu xiêm có tác dụng kháng khuẩn rất tốt. Một nghiên cứu cho thấy chiết xuất mãng cầu xiêm có thể tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn khác nhau, bao gồm các chủng gây bệnh nướu răng và sâu răng.
Một nghiên cứu khác cho thấy chất chiết xuất từ mãng cầu xiêm có thể giúp chống lại bệnh tả và vi khuẩn Staphylococcus.
Cho tới nay, chưa có trường hợp dị ứng mãng cầu xiêm nào được báo cáo trong các tài liệu y tế. Tuy nhiên, bất kỳ thực phẩm nào có chứa protein về mặt lý thuyết đều có thể gây dị ứng. Nếu bạn có các triệu chứng dị ứng thực phẩm như ngứa, sưng hoặc nổi mề đay sau khi ăn mãng cầu xiêm, hãy tới gặp các bác sĩ để được thăm khám.
Ngoài ra, bạn nên cẩn trọng khi tiêu thụ mãng cầu xiêm ở bất cứ hình thức nào nếu bạn đang sử dụng thuốc hạ huyết áp, thuốc trị tiểu đường hoặc có bệnh về gan, thận.
Thêm vào đó, bạn cũng nên cẩn thận loại bỏ hạt mãng cầu xiêm bởi trong hạt có một số hợp chất có thể gây tác dụng phụ có hại với sức khỏe.
(Nguồn: Very Well Fit, WebMD)