Loại lá người Mexico coi là thuốc quý
Cây ăn quả là các loại cây trồng mà trái cây được dùng làm thức ăn. Mặc dù quả là phần được thu hái chính, nhưng những bộ phận khác của một số loại cây ăn quả cũng có thể ăn được, thậm chí còn tốt cho sức khỏe.
Một trong những loại cây ‘đa zi năng’ như vậy chính là cây đu đủ. Chúng ta thường chỉ để ý tới quả đu đủ, nhưng trên thực tế, lá đu đủ cũng có nhiều giá trị cho sức khỏe.
Cây đu đủ là một trong những loại cây ‘đa zi năng’ với nhiều bộ phận được sử dụng làm thức ăn, thuốc.
Theo chuyên trang y tế Mỹ Healthline, lá đu đủ thường được sử dụng trong y học dân gian Mexico như một loại thuốc để điều trị bệnh tiểu đường và kiểm soát đường huyết.
Tại Indonesia, lá đu đủ xào là một món ăn truyền thống được người dân nước này ưa thích.
Tại Việt Nam, đu đủ được trồng ở khắp nơi, từ một vài cây quanh nhà, bờ đê đến xen canh cây lâu năm, hoặc có nơi trồng thành vườn chuyên, theo báo Thanh Niên. Chỉ 9 - 10 tháng sau khi trồng là đu đủ đã có trái và cây ra trái suốt năm. Nếu được cung cấp đầy đủ nước và dưỡng chất, cây đu đủ có thể mọc khoảng 55 - 60 lá mỗi năm.
Lá đu đủ là vị thuốc quý ở Mexico.
Theo Nhà thuốc Long Châu, ở một số vùng của nước ta, lá đu đủ còn được sử dụng như một loại rau trong các món ăn như canh, xào tỏi. Trong y học cổ truyền, lá đu đủ có vị đắng, tính hàn, quy kinh tâm, phế.
Lá đu đủ chứa các hợp chất thực vật độc đáo đã chứng minh được tiềm năng dược lý rộng rãi trong các nghiên cứu trên ống nghiệm và động vật. Dưới đây, hãy cùng tìm hiểu về một số lợi ích của lá đu đủ.
Tác dụng của lá đu đủ
Một trong những lợi ích y học nổi bật nhất của lá đu đủ là khả năng điều trị một số triệu chứng liên quan đến sốt xuất huyết.
Ba nghiên cứu trên người thực hiện trên hàng trăm người mắc bệnh sốt xuất huyết đã phát hiện ra rằng chiết xuất từ lá đu đủ làm tăng đáng kể lượng tiểu cầu trong máu. Hơn nữa, liệu pháp lá đu đủ có rất ít tác dụng phụ liên quan.
Món lá đu đủ xào truyền thống của người Indonesia.
Các nghiên cứu trên chuột mắc bệnh tiểu đường đã phát hiện ra rằng chiết xuất lá đu đủ có tác dụng chống oxy hóa mạnh và hạ đường huyết. Điều này là do lá đu đủ có khả năng bảo vệ các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy khỏi bị tổn thương và chết sớm.
Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác định liệu lá đu đủ có thể được sử dụng để giúp kiểm soát lượng đường trong máu cao ở người hay không.
Trà và chiết xuất lá đu đủ thường được dùng như một liệu pháp thay thế để làm giảm các triệu chứng khó chịu về tiêu hóa, chẳng hạn như đầy hơi, chướng bụng và ợ nóng.
Lá đu đủ chứa chất xơ — một chất dinh dưỡng hỗ trợ chức năng tiêu hóa khỏe mạnh — và một hợp chất độc đáo gọi là papain. Papain nổi tiếng với khả năng phân hủy các protein lớn thành các protein và axit amin nhỏ hơn, dễ tiêu hóa hơn.
Một nghiên cứu cho thấy việc sử dụng bổ sung bột papain có nguồn gốc từ quả đu đủ làm giảm các triệu chứng tiêu hóa, bao gồm táo bón và ợ nóng, ở những người mắc hội chứng ruột kích thích.
Lá đu đủ có thể giúp hỗ trợ chức năng tiêu hóa.
Nhiều chế phẩm từ lá đu đủ thường được sử dụng để khắc phục nhiều tình trạng viêm bên trong và bên ngoài, bao gồm phát ban trên da, đau nhức cơ và đau khớp.
Lá đu đủ chứa nhiều chất dinh dưỡng và hợp chất thực vật có khả năng chống viêm, chẳng hạn như papain, flavonoid và vitamin E.
Một nghiên cứu cho thấy chiết xuất lá đu đủ làm giảm đáng kể tình trạng viêm và sưng ở bàn chân của chuột bị viêm khớp.
Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào trên người xác nhận những kết quả này.
Lá đu đủ xào với tỏi, thịt và ớt.
Lá đu đủ đã được sử dụng trong các phương pháp y học cổ truyền để ngăn ngừa và điều trị một số loại ung thư, nhưng vẫn còn thiếu bằng chứng từ các nghiên cứu hiện đại.
Chiết xuất lá đu đủ đã chứng minh khả năng mạnh mẽ trong việc ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư tuyến tiền liệt và vú trong các nghiên cứu trong ống nghiệm, nhưng các thí nghiệm trên động vật và trên người chưa ghi nhận những kết quả này.
Kết luận
Lá đu đủ thường được coi là an toàn, nhưng bạn nên tránh dùng nếu bị dị ứng với nó. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thêm bất kỳ loại thực phẩm bổ sung thảo dược nào vào thói quen chăm sóc sức khỏe của mình.