Thống kê từ Cục Hải quan cho thấy, tính từ 1/1/2025 đến ngày 15/5/2025, Việt Nam đã xuất khẩu gần 736.600 tấn cà phê, thu về khoảng 4,2 tỷ USD. Giá bình quân xuất khẩu cà phê đạt 5.709 USD/tấn, tăng mạnh 66,3% so với mức 3.433 USD/tấn cùng kỳ năm ngoái.
Do giá cà phê duy trì ở mức cao kỷ lục nên trong 4 tháng đầu năm, mỗi tháng xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt bình quân gần 1 tỷ USD, báo Thanh niên thông tin.
Giá cà phê tăng mạnh.
Đáng chú ý, mặc dù giá cà phê tăng mạnh kèm theo những biến động trên thị trường thế giới nhưng nhiều quốc gia vẫn "mạnh tay" mua cà phê Việt Nam, theo báo Vietnamnet.
Về thị trường, Đức, Ý và Tây Ban Nha là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất 4 tháng đầu năm 2025. Cụ thể trong 4 tháng qua, Đức đã chi 628 triệu USD để mua cà phê Việt Nam. Ý cũng chi 307,6 triệu USD để mua loại hạt này của Việt Nam.
Tây Ban Nha chi 292,5 triệu USD, Mỹ chi 236,8 triệu USD, Nhật Bản chi 260 triệu USD, Nga chi 213,4 triệu USD để nhập khẩu cà phê Việt Nam.
Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm nay, Mexico cũng đã chi ra số tiền gấp 54 lần năm ngoái để mua mặt hàng này từ Việt Nam, báo Vietnamnet cung cấp thông tin.
Người dân Tây Nguyên thu hoạch cà phê. (Ảnh: Báo Dân tộc & Phát triển)
Cà phê mang tới vô số lợi ích cho sức khỏe
Hạt cà phê với hương vị đậm đà, đặc trưng thường được xay nhuyễn để pha chế thành thức uống bổ dưỡng. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh khi sử dụng hợp lý, cà phê có thể mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.
1. Cà phê giúp tăng mức năng lượng
Theo chuyên trang sức khỏe Mỹ Healthline, caffeine - thành phần chính trong cà phê - có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng tiêu thụ caffeine trong cà phê giúp người dùng tỉnh táo hơn, giảm đáng kể tình trạng mệt mỏi, tỉnh táo, thậm chí còn cải thiện hiệu suất thể thao.
2. Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng chỉ ra rằng uống thêm 1 tách cà phê/ngày có thể làm giảm 4–6% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Điều này là nhờ các hợp chất trong cà phê giúp bảo vệ tế bào beta tuyến tụy, giúp đảm bảo quá trình sản xuất insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu.
Ngoài ra, cà phê cũng rất giàu chất chống oxy hóa, có thể tăng độ nhạy insulin, giảm viêm và tăng cường quá trình trao đổi chất.
Cà phê giúp cải thiện chỉ số đường huyết, phòng ngừa tiểu đường.
3. Cà phê giúp bảo vệ gan
Một số nghiên cứu phát hiện rằng người mắc bệnh gan uống hơn 2 tách cà phê/ngày có thể giảm nguy cơ hình thành mô sẹo ở gan và ung thư gan. Các nghiên cứu khác cho thấy những người uống cà phê thường xuyên có nguy cơ tử vong do bệnh gan mạn tính thấp hơn. Cụ thể, những người uống 1 tách cà phê/ngày có nguy cơ tử vong do bệnh gan mạn tính thấp hơn 15%, những người uống 4 tách cà phê/ngày có nguy cơ tử vong vì bệnh thấp hơn 71%.
4. Cà phê cải thiện sức khỏe tim mạch
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tim mạch Phòng ngừa Châu Âu chỉ ra rằng những người uống từ 2-4 cốc cà phê mỗi ngày có nguy cơ mắc chứng rối loạn nhịp tim thấp hơn so với những người không uống cà phê. Những người tham gia nghiên cứu có thói quen uống cà phê thường xuyên cũng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn từ 6-20%.
Một đánh giá khác dựa trên 21 nghiên cứu cũng cho thấy uống 3-4 tách cà phê mỗi ngày có thể giúp giảm 21% nguy cơ đột quỵ.
Cà phê giúp cải thiện sức khỏe tim mạch.
5. Cà phê giúp kéo dài tuổi thọ
Một nghiên cứu dựa trên việc phân tích thói quen của gần 450.000 người được công bố trên Tạp chí Tim mạch Phòng ngừa Châu Âu cho thấy những người uống 2-3 tách cà phê mỗi ngày có thể giảm 11-27% nguy cơ tử vong sớm, từ đó giúp kéo dài tuổi thọ.
Theo Healthline, Vietnamnet, Thanh Niên