Loại cá của Việt Nam được Trung Quốc tăng nhập khẩu
Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) trích dẫn số liệu của Hải quan Việt Nam và cho biết xuất khẩu cá tra tháng 3 đạt 182 triệu USD, tăng 21% so với tháng trước đó và tăng 16% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong đó, lượng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc vào tháng 3 đạt hơn 21.000 tấn, tăng 61% so với tháng trước. Tổng giá trị kim ngạch đạt khoảng 38 triệu USD, ghi nhận mức tăng trưởng 6% so với tháng 3 năm 2024.
Trên thực tế, cá tra là sản phẩm xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam. Theo VASEP, trong năm 2024, xuất khẩu cá tra đóng góp khoảng 2 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 9% so với năm 2023.
Cá tra Việt Nam được chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau như fillet cá tra, cá tra đông lạnh, cá tra phi lê tẩm gia vị, cá tra tươi sống... để phục vụ cho xuất khẩu.
Thông tin từ Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, cá tra được nuôi chủ yếu tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long,... Năm 2024, sản lượng cá tra ước tính đạt 1,67 triệu tấn, thông tin được công bố trên trang web chính thức của VASEP.
Năm 2024, sản lượng cá tra của Việt Nam ước tính đạt 1,67 triệu tấn.
Không chỉ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, cá tra còn là thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe.
Dinh dưỡng trong cá tra
Theo chuyên trang sức khỏe Mỹ Healthline, cá tra chứa hàm lượng protein phong phú, tương đương như các loại cá khác. Ngoài ra, trong cá tra còn chứa cả axit béo omega-3.
Trong một khẩu phần cá tra sống, khoảng 112g cung cấp: 79 calo, 19g protein, 0,5g chất béo, 13,4g canxi.
Cá tra cũng là nguồn cung cấp các vitamin và khoáng chất thiết yếu chẳng hạn như vitamin B3, B12, selen,... Tuy nhiên, hàm lượng các chất dinh dưỡng này có thể thay đổi tùy theo chế độ ăn của cá.
Cá tra rất giàu dinh dưỡng.
Lợi ích khi ăn cá tra
1. Tốt cho tim mạch
Theo các nghiên cứu đăng tải trên Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ (NLM), trong một miếng phi lê cá tra có chứa 17 mg axit béo omega-3, gồm cả EPA và DHA. Các nghiên cứu chỉ ra rằng axit béo omega-3 có thể giúp giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch, chẳng hạn như mỡ máu và huyết áp cao, từ đó giúp giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Một số bằng chứng khoa học khác chỉ ra rằng axit béo omega-3 có thể giảm nguy cơ loạn nhịp tim (nhịp tim bất thường) và giảm nguy cơ tử vong sớm do bệnh tim mạch.
Chuyên gia dinh dưỡng Isabel Vasquez chia sẻ trên trang tin sức khỏe Health rằng protein nạc trong cá tra có thể giúp giảm nguy cơ tăng mỡ máu và giảm nguy cơ tắc nghẽn động mạch và dẫn đến các bệnh tim mạch.
2. Tăng cường chức năng não bộ
Axit béo omega-3 trong cá tra cũng giúp cải thiện chức năng não bộ. Các nhà khoa học phát hiện rằng những người tiêu thụ nhiều omega-3 nhất có mức beta-amyloid (1 yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer) thấp hơn.
Cá tra tốt cho tim mạch và não bộ.
3. Hỗ trợ giảm cân
Tương tự như các loại cá khác, cá tra là nguồn cung cấp protein nạc lành mạnh cho cơ thể. Thực phẩm giàu protein như cá tra có thể làm tăng cảm giác no và giảm cơn đói, hỗ trợ giảm cân lành mạnh.
4. Cải thiện thị lực
Theo các nghiên cứu, cá tra là nguồn cung cấp EPA và DHA. Hai chất này giúp giảm viêm và bảo vệ thị lực bằng cách ngăn ngừa các vấn đề về mắt như bệnh khô mắt và thoái hóa điểm vàng do tuổi tác.
5. Một số lợi ích khác
Theo chuyên gia Isabel, selen trong cá tra cũng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe tuyến giáp, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và tổng hợp ADN.
Các vi chất dinh dưỡng trong cá tra cũng có thể cải thiện sức khỏe sinh sản.
Các chất dinh dưỡng khác trong cá tra như kẽm có thể hỗ trợ sức khỏe miễn dịch, chữa lành vết thương và tổng hợp protein, trang Health viết.
(Theo Healthline, Health, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Cục Thủy sản)