Lắp đặt VAR tại sân Mỹ Đình cho vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và những điều cần biết

THÀNH ĐẠT, Theo Nhịp sống Việt 17:42 17/07/2021

Hệ thống trợ lý trọng tài VAR sẽ được triển khai như thế nào tại sân Mỹ Đình ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 đang là vấn đề nhận được sự quan tâm của người hâm mộ đội tuyển Việt Nam.

Kể từ khi được đưa vào sử dụng chính thức tại một giải đấu lớn ở FIFA Club World Cup 2016, VAR (video assistant referee - trợ lý trọng tài hình ảnh) đã và đang được phổ biến rộng rãi hơn. Tại châu Á, VAR đã được AFC đưa vào áp dụng tại Asian Cup 2019. Tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, một trong những điều kiện để đội tuyển Việt Nam được đá sân nhà đó chính là SVĐ Mỹ Đình phải đáp ứng được hạ tầng kỹ thuật để triển khai hệ thống trợ lý trọng tài VAR.

Hệ thống này bao gồm 2 thành phần chính, hệ thống camera trên sân và phòng điều hành hình ảnh (VOR - video operation room). Hệ thống camera tiên tiến sẽ là công cụ chính giúp các trợ lý VAR theo dõi và phân tích tình huống nhằm đưa ra góp ý cho các trọng tài chính.

Đây là tổ hợp của các camera phục vụ cho việc phát sóng trận đấu cùng 8 camera siêu chậm để theo dõi các tình huống ở tốc độ rất cao, 4 camera quay chậm cực đại cho khả năng quay chậm hành động còn cao hơn nữa, 2 camera việt vị, 2 camera siêu phân giải cùng một camera dây (spider cam) cho góc nhìn trên cao. Được lắp đặt quanh sân đấu và sau cầu môn, hệ thống camera này sẽ giúp tổ trợ lý VAR ngồi tại phòng VOR nắm rõ từng chi tiết của trận đấu.

Lắp đặt VAR tại sân Mỹ Đình cho vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và những điều cần biết - Ảnh 1.

Hệ thống camera tại SVĐ hỗ trợ cho các trợ lý VAR (Ảnh: FIFA)

Qua các hình ảnh được các camera ghi lại, tổ trợ lý VAR sẽ phân tích tình huống và đưa ra góp ý cho trọng tài chính trên sân. Tổ trợ lý này bao gồm 4 người, gồm trợ lý trọng tài VAR chính và 3 trợ lý VAR (AVAR) hỗ trợ, được đánh số từ 1 đến 3, ngoài ra còn có các kỹ thuật viên.

Trợ lý trọng tài VAR chính sẽ bao quát các công việc trong phòng VOR, theo dõi trận đấu qua màn hình chính cũng như các tình huống quay chậm. Đây cũng là người sẽ chịu trách nhiệm liên lạc với trọng tài chính khi có các tình huống cần đến VAR trên sân.

Các AVAR sẽ có phụ trách những công việc chuyên biệt. AVAR 1 là trợ lý chính cho VAR, họ cũng sẽ theo dõi trận đấu qua màn hình chính và thông báo cho VAR về diễn biến trực tiếp trong khi các tình huống trước đó được xem lại. AVAR 2 là chuyên gia về việt vị, chịu trách nhiệm theo dõi các camera việt vị và được hỗ trợ bởi 1 kỹ thuật viên riêng ngồi kế bên. AVAR 3 sẽ ngồi giữa AVAR 1 và 2, nhiệm vụ chính của họ là theo dõi hình ảnh phát sóng truyền hình, đánh giá tình huống và đảm bảo liên lạc trong phòng VOR.

Lắp đặt VAR tại sân Mỹ Đình cho vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và những điều cần biết - Ảnh 2.

Hình ảnh trong phòng VOR tại World Cup 2018 (Ảnh: FIFA)

Hệ thống VAR toàn diện được lắp đặt bởi 15 nhà cung cấp đạt được thỏa thuận với FIFA. Trong số này nổi bật nhất là Hawk-Eye Innovations, nhà cung cấp chính thức cho World Cup 2018 tại Nga. Đây cũng là đối tác hàng đầu của Liên đoàn bóng đá châu Á AFC khi chính họ đã cũng cấp VAR cho Asian Cup 2019, nơi mà 1 tình huống tham khảo ý kiến VAR đã khiến tuyển Việt Nam nhận bàn thua trên chấm 11m ở tứ kết trước tuyển Nhật Bản.

Với việc VFF đề nghị nhận được hỗ trợ từ AFC, không loại trừ khả năng Hawk-Eye Innovations sẽ là nhà cung cấp cho hệ thống tại sân Mỹ Đình. Tuy nhiên, bất kỳ doanh nghiệp nào đáp ứng đủ công nghệ cũng có thể đề xuất với FIFA để trở thành nhà cung cấp hệ thống VAR.

Sau khi lắp đặt đầy đủ hệ thống từ camera cho đến phòng VOR, và trải qua quá trình đánh giá của AFC với các tiêu chí như sự đồng bộ, độ trễ tín hiệu và chất lượng hình ảnh, hệ thống VAR tại một SVĐ mới được phép đi vào hoạt động. Đây cũng là một vấn đề khiến dư luận bàn tán trong thời gian qua, với việc liệu cơ sở hạ tầng tại sân Mỹ Đình có thể đáp ứng được tiêu chuẩn VAR của AFC hay không?

Có ý kiến cho rằng sân Mỹ Đình không có phòng chuyên dụng và sẽ không thể đáp ứng tiêu chí của AFC. Điều này là không đúng, việc linh động sử dụng các phòng chức năng khác có thể giải quyết được vấn đề không gian cho VAR. Hoặc, VFF hoàn toàn có thể tính tới việc đặt phòng VOR tại một địa điểm tách biệt với sân Mỹ Đình. Tại World Cup 2018, toàn bộ các trận đấu ở 12 SVĐ của 11 thành phố khác nhau đều được hỗ trợ từ phòng VOR duy nhất đặt tại trung tâm phát sóng quốc tế Moscow. Nhìn chung, việc đáp ứng cơ sở vật chất để triển khai VAR không phải là vấn đề quá lớn với VFF.

Lắp đặt VAR tại sân Mỹ Đình cho vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và những điều cần biết - Ảnh 3.

Sân Mỹ Đình hoàn toàn có thể đáp ứng được việc lắp đặt hệ thống VAR (Ảnh: Sơn Tùng)

Một câu hỏi khác được đặt ra là liệu các trọng tài Việt Nam có được phép tham gia vào tổ VAR hay không. Điều này rất khó xảy ra, bởi chỉ có các trọng tài hàng đầu của FIFA mới được chỉ định và trước khi có thể tác nghiệp, họ phải trải qua khóa huấn luyện khắt khe của IFAB - cơ quan quản lý luật bóng đá quốc tế. Tại Asian Cup 2019, 19 trọng tài chỉ định còn được yêu cầu phải có kinh nghiệm tác nghiệp tại World Cup 2018.

Hiện tại, sau khi được sự cho phép tổ chức các trận đấu sân nhà ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 tại Mỹ Đình, VFF đang làm việc khẩn trương để có thể đưa được hệ thống VAR về Việt Nam kịp thời trước khi trận đấu đầu tiên của đội tuyển Việt Nam diễn ra vào ngày 2/9. Trước đó, AFC sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá các SVĐ do Liên đoàn thành viên đề xuất (trong đó có SVĐ Mỹ Đình).

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày