Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính cá nhân, tâm sự của người dùng H.M.C đã thu hút được nhiều lời khen ngợi, ngưỡng mộ của cộng đồng mạng.
H.M.C mở đầu bài đăng của mình bằng một câu tự sự: "Phải đến lúc bố nằm viện, mình mới nhận ra tầm quan trọng của việc tiết kiệm".
Cách đây chưa lâu, bố của H.M.C phải nhập viện và thực hiện 1 cuộc phẫu thuật. Bác may mắn đã bình phục xuất viện.
Ảnh minh họa
Sự việc này đã khiến H.M.C phải nghiêm túc xem lại cách chi tiêu của bản thân vì mới mức lương 10 triệu đồng/tháng, cô hoàn toàn không tiết kiệm được đồng nào. Ngày bố nhập viện, H.M.C chỉ có 3 triệu trong tài khoản, đủ để tạm ứng viện phí. Phần viện phí còn lại, cô phải xin ứng lương và đi vay bạn bè mới đủ đóng.
Nguyên văn bài chia sẻ của H.M.C như sau:
"Ngày trước mình vô tư lắm, cứ nghĩ là mình còn trẻ, dễ kiếm tiền, đi làm ngày 8 tiếng là tháng có 10 triệu xài rồi. Tuổi trẻ thì ít gặp biến cố, nên lúc đó mình tiêu xài vô tội vạ, thích gì mua đó. Nhưng khi ba phải nhập viện đúng lúc gia đình cũng khó khăn, nên mình nói dối là "Ba mẹ yên tâm, viện phí con lo được".
Nhưng thực ra lúc đó mình chỉ có vỏn vẹn 3 triệu trong người, cũng xin ứng lương với mượn bạn bè mới đủ chi phí để lo cho ba 1 tuần trong bệnh viện.
Từ đó, mình quyết tâm phải tiết kiệm nhiều nhất có thể. 1 phần là để trả nợ, 1 phần để bản thân có khoản dự phòng cho những việc quan trọng. Mình làm theo cách chia nhỏ các khoản thành từng hũ chi tiêu, và đặt giới hạn cho từng hũ.
Cách này giúp mình chi tiêu không bị lố tay... Nhờ vậy mà chỉ sau 3 tháng, mình đã trả hết nợ, còn để dành được 1 khoản tiền kha khá để mua vàng nữa. Tuy nhiên mình biết nhiêu đây vẫn chưa đủ, vì thời buổi ngày càng khó khăn mà, sẽ có nhiều thứ để chi nhưng lương của mình thì vẫn vậy".
H.M.C có lẽ không phải bạn trẻ duy nhất có thói quen chi tiêu "vô tội vạ" vì tự tin mình còn trẻ khỏe, chẳng lo chuyện ốm đau bệnh tật. Chỉ đến khi bản thân hoặc người thân không may ốm đau, gặp biến cố trong cuộc sống, họ mới bừng tỉnh. Nhưng muộn vẫn còn hơn không.
Nếu bạn vẫn đang nghĩ rằng tiết kiệm là việc làm được thì tốt, không làm được cũng chẳng sao, hy vọng bạn sẽ dành chút thời gian suy ngẫm về chia sẻ của H.M.C, để nhận ra 3 bài học tiết kiệm dưới đây, từ đó, cải thiện cách chi tiêu của chính mình.
1 - Có quỹ dự phòng bằng tiền mặt là điều quan trọng nhất
Cứ phải vào viện mới thấy được tầm quan trọng của tiền. Sự thật này, chúng ta chẳng còn lạ gì nữa. Dù hiện tại, bạn đã có thói quen tiết kiệm, tích sản hay chưa, cũng đừng xem nhẹ việc xây dựng quỹ dự phòng bằng tiền mặt, chứ không phải là vàng hay cổ phiếu, chứng khoán.
Lúc cấp bách, mang vàng đi bán để lấy tiền chữa bệnh, nộp viện phí thì quá mất công; còn đợi đến giờ giao dịch để bán cổ phiếu lấy tiền, có khi đã là quá muộn. Quỹ dự phòng tiền mặt quan trọng và cần thiết vì lẽ đó.
Ảnh minh họa
Mỗi tháng, bạn có thể trích khoảng 10-20% thu nhập, để vào một tài khoản riêng; hoặc chia thành nhiều sổ tiết kiệm online kỳ hạn ngắn, khoảng 1 hoặc 2 tháng. Đến khi có việc là yên tâm đã có một khoản nho nhỏ để trang trải.
2 - Nợ nần không phải lúc nào cũng xấu
Giống như câu chuyện của H.M.C, vì áp lực trả nợ nên cô mới có động lực để cắt giảm chi tiêu. Từ đó, hình thành thói quen tiết kiệm.
Với người có thói quen tiêu xài bạt mạng và đang không mắc nợ, 1-2 triệu có thể chỉ là một cái quần, một bữa ăn, chẳng đáng là bao nhiêu. Cũng vì không có nợ nên họ chẳng có động lực gì để bớt sắm cái quần cái áo, hay hạn chế những bữa ăn sang, để tiết kiệm. Nhưng đến khi đã mang nợ rồi, câu chuyện lại rất khác.
Gom góp vài trăm rồi mới thành tiền triệu hoặc chục triệu để trả nợ, chứ đào đâu ra được "cả cục" một lúc. Nợ nần dạy người ta cách tích tiểu thành đại vì lẽ đó.
3 - Nếu tự mình không thể cho mình động lực tiết kiệm, hãy nghĩ tới người thân
Đương nhiên, chúng ta chẳng ai muốn bản thân hoặc người thân của mình sẽ ốm đau, gặp nạn.
Ảnh minh họa
Tiết kiệm cho tương lai của mình, ai cũng biết là tốt nhưng không phải ai cũng làm được. Vì cám dỗ của việc tiêu tiền mua vui quá lớn. Nó mang lại cảm giác sung sướng, thỏa mãn hơn hẳn việc siết chặt hầu bao, để dự phòng cho thì tương lai xa hoắc. Có lẽ bởi thế, nên nhiều người mãi vẫn chẳng tiết kiệm được đồng nào.
Nếu bạn là một trong số đó, đừng nghĩ đến tương lai của mình để lấy động lực tiết kiệm vì rõ ràng, nó không hiệu quả. Thay vào đó hãy tự hỏi mình một điều rất thực tế: Nếu lúc về già, bố mẹ không may ốm đau, liệu mình có khả năng lo được cho họ hay không?
Tự khắc, bạn sẽ có động lực tiết kiệm.