Cách đây một thời gian, tôi từng đọc được câu chuyện của một blogger: Anh ấy 38 tuổi, tốt nghiệp trường Đại học top đầu và làm giám đốc ở công ty game số 1 thế giới.
Khi đến tuổi trung niên, đột nhiên anh bị công ty sa thải. Công việc kinh doanh của anh cũng thất bại, nợ nần chồng chất, tương lai mịt mù.
Anh đã suy sụp suốt một thời gian dài và nhận ra khi còn ở đỉnh cao của sự nghiệp, anh đã ngủ quên trên chiến thắng. Phải mất rất lâu, anh mới lấy lại được tinh thần và quyết định trở thành shipper.
Lúc đầu, anh đã nghe mọi người bàn tán rất nhiều về công việc shipper, chẳng hạn thời gian làm việc dài, ngồi lâu đến mức đau thắt lưng.
Tuy nhiên anh không quan tâm điều đó. Bởi anh nghĩ suy cho cùng, công việc văn phòng trước đó của anh thường xuyên yêu cầu ngồi một chỗ và làm thêm ngoài giờ.
Nhưng khi thực sự bước chân đi làm shipper, anh mới phát hiện nghề này khó hơn nhiều so với tưởng tượng.
Vào ngày đầu tiên nhận đơn, chiếc điện thoại cũ bị lag khiến anh, một người không quen với đường sá đã nhiều lần đi sai đường và bị lãng phí thời gian.
Sau này, dù anh đã thay điện thoại mới thì mọi việc không trơn tru hơn.
Có một ngày, sau khi làm việc hơn 10 tiếng, anh đến trạm xăng với ý định vừa bơm xăng, vừa đi vệ sinh và nghỉ ngơi đôi chút. Tuy nhiên nhân viên ở đây không thân thiện và lập tức đuổi anh đi.
Một buổi khác, anh di chuyển hàng tiếng đồng hồ giữa các làn đường vào giờ cao điểm nhưng số lượng đơn hàng nhận được rất hạn chế. Nhiều khi anh phải đi rất xa nhưng chỉ nhận được 1 đơn hàng,...
Trải qua một thời gian dài làm nghề giao hàng, anh ngồi xuống bên lề đường và thở dài, hiện thực kiếm tiền ngày nay quá khó khăn.
Từ góc nhìn của người ngoài về nghề shipper, việc lái một chiếc xe ngoài đường, ngày kiếm được tiền triệu dường như là nhẹ nhàng và không có rào cản gia nhập ngành. Nhưng trên thực tế, không có công việc nào dễ dàng. Đằng sau là biết bao cay đắng và cố chấp của những con người đang miệt mài lao động mà không phải ai cũng biết.
Cách đây một thời gian, tôi từng nghe câu nói: “Người trung niên có 3 nghề chính là lái xe trực tuyến, giao hàng và chuyển phát nhanh”.
Câu nói này nghe cay đắng, nhưng đó là hiện thực của thị trường lao động bây giờ. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, người trung niên thất nghiệp sẽ phải rời xa công việc văn phòng và đi làm việc tay chân.
Lưu Nhuận là một nhà tư vấn kinh doanh. Vì muốn trải nghiệm tin đồn làm nghề giao đồ ăn nhanh kiếm được nhiều tiền nên anh đã thử làm công việc này. Sau đó, anh rút ra được kết luận bằng 6 từ: “Kiếm tiền không hề đơn giản”.
Ngay cả một công việc tưởng chừng như dễ dàng như giao đồ ăn nhanh hàng ngày cũng là 1 bài kiểm tra về thể lực, sức bền và khả năng phán đoán của người giao hàng. Có những ngày, anh đi miệt mài dưới trời nắng nhưng số tiền thu về ít ỏi biết bao.
Một người khác làm công việc chuyển phát nhanh từng chia sẻ câu chuyện của mình: Đối với công việc này, tưởng chừng như bạn chỉ cần chọn và phân loại hàng, sau đó chuyển đi theo danh sách là được.
Nhưng thực tế, anh phải đối mặt với hàng núi công việc chuyển phát nhanh mỗi ngày, không ngừng di chuyển những kiện hàng nặng hàng chục cân lên băng chuyền,...
Kể cả khi đã làm việc chăm chỉ cả ngày, bạn có thể không được ngủ ngon vào ban đêm. Vì khi xe tải vào nhà máy lúc nửa đêm, cấp trên sẽ bố trí người phân loại để dỡ hàng xuống xe tải trong vòng một giờ.
Mỗi lần dỡ hàng xong, chân và tay anh bất giác run lên, quần áo ướt đẫm mồ hôi...
Tôi từng nghe nhiều người trẻ nói muốn nghỉ công việc văn phòng tù túng để làm lao động tay chân. Nhưng ngày nay, ngành nghề nào cũng có những nỗi khổ riêng. Tất cả sự rực rỡ và tự do mà bên ngoài nhìn thấy đều đánh đổi với những lần nghiến răng, âm thầm làm việc một cách tuyệt vọng.
Trong dịp Trung thu năm nay, dự án tôi phụ trách đã xảy ra vấn đề. Để dọn dẹp đống bừa bộn từ công việc, tôi liên tục phải làm thêm giờ ở công ty. Trong thời gian đó, tôi nhai bánh mì khô thay cơm và làm việc suốt đêm ngày.
Có một lần, tôi đang bận thì chợt nhận được điện thoại của mẹ. Mẹ trách: "Sao dạo này con bận thế? Khi nào con mới về nhà ăn cơm được? Bố nhớ con đấy..."
Sự mệt mỏi tích tụ sau bao ngày khiến tôi trở nên cáu kỉnh vô cớ. Tôi nói với mẹ: “Con cũng muốn về nhà. Nhưng con quá bận rộn với công việc tồi tệ này. Con thực sự không biết bao giờ mới có thể hoàn thành chúng…”.
Mẹ tôi không nói gì và im lặng lắng nghe những lời phàn nàn của tôi. Sau khi cúp điện thoại, tôi nhận được một đoạn video từ mẹ tôi, được lấy từ trên mạng.
Trong video, lúc đó là 11 giờ đêm, một cư dân mạng vừa kết thúc ca làm thêm buổi tối và cảm thấy kiệt sức.
Không ngờ vừa bước ra khỏi công ty cô đã nhìn thấy:
11 giờ đêm, tài xế vẫn đứng bên đường chờ khách.
12 giờ sáng, khi nhiều người đã ngủ say thì một ngày làm việc tấp nập của những người bán hàng rong mới bắt đầu.
1 giờ sáng, cậu bé giao hàng đi trong gió lạnh, giao bữa ăn cho những người làm thêm giờ suốt đêm.
5h30 sáng, nhiều người còn chưa kịp mở mắt thì cô lao công đã thu dọn dụng cụ và bắt đầu dọn rác tích tụ suốt đêm…
Lúc này, tôi chợt nhận ra: Hóa ra ai cũng vất vả để sống, và tôi không phải là người duy nhất thấy bất bình với thế giới này.
Sau khi nhìn những người không có nhiều quyền lựa chọn, chạy khắp nơi tìm việc, thậm chí liều mạng để kiếm tiền, tôi muộn màng nhận ra: Thật may mắn khi có được một công việc có thể nuôi sống gia đình mà không phải chịu gió mưa ở ngoài đường.
Một giáo sư nổi tiếng từng có buổi trò chuyện với chủ đề: “Nỗi đau trong công việc”.
Tại đây, ông lắng nghe được nhiều lời bất bình: Một số người phàn nàn rằng họ được giao quá nhiều việc. Một số khác nói mối quan hệ giữa các cá nhân trong công ty quá phức tạp. Có những người lại kể họ đã chăm chỉ làm việc hơn mười năm mà vẫn không đạt được thành tựu gì,...
Quả thực, những điều trên không hề dễ dàng với tất cả mọi người.
Trong công việc, ai cũng sẽ có sự bất mãn theo cách này hay cách khác. Và tất cả chúng ta đều có những lúc khao khát được thoát ra khỏi vị trí của mình.
Nhưng nhìn vào môi trường chung ngày nay, nơi sự cạnh tranh trong thị trường lao động ngày càng gay gắt, lúc này, có công việc đồng nghĩa với có thu nhập. Và chỉ khi có thu nhập thì bạn mới nuôi sống được gia đình.
Do đó, nếu vẫn còn công việc thì đừng phàn nàn quá nhiều và hãy làm việc chăm chỉ. Nỗ lực của bạn không chỉ vì bản thân mà còn vì gia đình và những người bạn yêu thương.
Là người trưởng thành, ai cũng có trách nhiệm. Không thể tránh khỏi những lúc bạn cảm thấy buồn phiền, mệt mỏi và kiệt sức.
Nhưng không phải cũng có thể vượt qua sóng gió và đối mặt với nghịch cảnh.
Khi bạn vượt qua mọi khó khăn, có đủ tự tin và sức mạnh để hỗ trợ gia đình, những khó khăn mà bạn chịu đựng cuối cùng cũng khiến bạn trở thành một con người tốt hơn.
Hãy tin rằng trước tiên bạn phải kiếm sống được, trước khi có đủ tư cách để nói về tình yêu và tự do,
Theo Toutiao