Trong suốt buổi trò chuyện, KTS Võ Trọng Nghĩa luôn duy trì trạng thái tinh thần cân bằng, thư thái. Anh bảo, thiền giúp cho anh sống ở từng phút giây của hiện tại. Chất xám nhờ đó cũng trẻ hoá gấp bội và các ý tưởng “tới tấp” đến, khiến anh không mất quá nhiều thời gian cho việc này.
Nhắc tới kiến trúc xanh bền vững, KTS gốc Quảng Bình vô cùng tâm huyết. Nhiều năm nay, Võ Trọng Nghĩa luôn mang thiên nhiên vào trong mọi công trình kiến trúc, đem nó đến gần hơn, gắn kết mạnh mẽ với con người, mượn thiên nhiên để “chữa lành” tâm hồn.
Ý tưởng và hành trình tạo nên những công trình “cộp mác” Võ Trọng Nghĩa đó thường bắt nguồn từ đâu?
Khí hậu, văn hóa và con người Việt Nam đang chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, môi trường trái đất đang bị đe dọa. Vì thế, tôi lấy bối cảnh đó và tập trung giải quyết các vấn đề một cách tốt nhất. Từ căn nguyên ấy, tôi mang đến một kiến trúc hơi khác lạ nhưng phù hợp với khí hậu, phong thổ, văn hóa, con người Việt Nam. Khởi nguồn của mọi ý tưởng kiến trúc chính là bảo vệ trái đất, giúp cuộc sống của con người trở nên tốt hơn.
Kế đó là tình yêu đối với thiên nhiên, đối với con người. Tôi thấy mọi người ở TP.HCM hay Hà Nội sống quá vất vả vì ít tiếp xúc với thiên nhiên. Tôi mong muốn, mỗi ngôi nhà đều sẽ trở thành một công viên nhỏ cho thành phố. Những công trình như thế sẽ giúp trái đất bớt đi áp lực, giúp con người có môi trường sống tốt hơn, giảm bớt áp lực tinh thần. Những sinh vật như chim chóc, muông thú cũng có môi trường sống tốt hơn.
Gần gũi với thiên nhiên có phải là yếu tố giúp anh và các công sự được hội đồng chuyên môn quốc tế ghi nhận và trao các giải thưởng về kiến trúc?
Tôi nghĩ ngoài ý nghĩa của kiến trúc, phải nói tới việc công trình đó có đẹp hay không. Tiếp theo, chất lượng không gian kiến trúc và chi tiết kiến trúc tốt cũng là điều quan trọng. 3 yếu tố này giúp công trình có ý nghĩa lâu dài, nếu thiếu đi 1 thứ thì sẽ chỉ là công trình tạm thời, đi theo trend rồi mất hút.
Nhóm của chúng tôi quy tụ nhiều người dũng cảm, xuất sắc, cùng tôi “chiến đấu”, làm nên từng chi tiết một để tạo nên công trình bền vững theo đúng nghĩa đen và ý nghĩa bảo vệ môi trường theo nghĩa rộng hơn.
Cái quan trọng là trong công ty tôi là mỗi ngày mọi người đều tìm tới thiền 1 tiếng. Vì thế nên não bộ họ có 1 lượng chất xám ấn tượng. Tất cả có một sức sáng tạo, sức khỏe tâm lý tốt hơn bình thường.
Sự khác biệt của chúng tôi tới từ việc, trong khi số đông dành rất nhiều thời gian để nghĩ ý tưởng, thì chúng tôi dành thời gian để hành thiền. Và khi có sự tập trung cao độ, các ý tưởng tới rất nhanh và trơn tru.
Điểm khác biệt trong kiến trúc xanh của Võ Trọng Nghĩa là gì?
Cái khác lớn nhất của công ty nằm ở chất lượng không gian, chi tiết, tạo hình để đảm bảo chất lượng bền vững về lâu về dài. Thành ra, càng lâu các công trình của công ty càng phát huy chất lượng.
Thường anh sẽ gặp những khó khăn và giải quyết thế nào khi thực hiện những công trình kiến trúc xanh bền vững như vậy?
Khi thực hiện các ý tưởng gần như chúng tôi đều gặp thuận lợi. Chỉ là tôi có những đòi hỏi về mặt chất lượng công trình bền bỉ đến hàng trăm năm. Điều đó hơi khác lạ so với cách nghĩ của người Việt Nam. Tuy nhiên, sau này người ta cũng dễ chấp nhận vì kiến trúc bền vững đầu tiên phải bền vững theo nghĩa đen nên sau này mọi người cũng chấp nhận.
Mọi người thường nói tới văn hóa, truyền thống nhưng nếu không làm được những công trình bền lâu thì không thể tạo nên những lớp lang kiến trúc và nói tới truyền thống, văn hóa được.
Nhiều người nói, Võ Trọng Nghĩa tiên phong về Kiến trúc xanh. Còn anh, anh nghĩ kiến trúc xanh của mình mang tính “tạo trend” hay “bền vững”?
Thật ra, kiến trúc xanh của Võ Trọng Nghĩa mang cả tính tạo trend và bền vững. Trend đó là cần thiết cho thế kỷ XXI. Khi thế giới đối mặt với biến đổi khí hậu, ngay cả các đất nước châu Âu cũng gặp nắng nóng thì kiến trúc xanh ra đời là điều đương nhiên, tất yếu. Đó là điều các kiến trúc sư cần phải làm để bảo vệ môi trường.
Tôi từng đọc 1 bài báo có tới 40.000 người tự tử vì trầm cảm mỗi năm ở Việt Nam. Theo tôi, con người thường tập trung làm việc, phát triển bản thân và thiếu đi tương tác với thiên nhiên, thiếu cây xanh trong thành phố nên vấn đề trầm cảm ngày càng nghiêm trọng hơn. Kiến trúc của tôi để giúp con người kết nối nhiều hơn với thiên nhiên.
So với trước đây, khách hàng của anh đã cởi mở và đầu tư nhiều hơn cho kiến trúc xanh chưa?
Khi người ta đã có niềm tin vào các công trình kiến trúc xanh bền vững thì chúng tôi thuyết phục khách hàng tốt hơn. Tên tuổi của tôi cũng được đông đảo mọi người biết đến, thương hiệu được tạo dựng. Điều này đương nhiên cũng tạo nên nhiều thuận lợi. Thêm vào đó, giá thành cũng không có nhiều thay đổi.
Thời gian này là thời gian khủng hoảng của kiến trúc sư nhưng bên tôi vẫn làm ra rất nhiều công trình. Đó là bằng chứng cho sự tiếp nhận của mọi người.
Thông thường, những vật liệu như tre, nứa, lá, đá sẽ được xử lý thế nào để tạo nên những công trình hàng chục, hàng trăm năm?
Hiện tại, Việt Nam chính là vùng có điều kiện, chi phí nhân công ở Việt Nam phù hợp nhất rồi nên chúng tôi tạm thời có nhiều thuận lợi trong vấn đề xử lý vật liệu. Có thể nói, đây đều là những vật liệu bền bỉ tới hàng chục năm. Chúng tôi áp dụng cách làm truyền thống để tăng độ bền vật liệu. Ví dụ như tre ngâm dưới nước 6 tháng hoặc 1 năm rồi mang lên sử dụng sẽ bền hơn nhiều.
Ngoài vật liệu tự nhiên, công ty còn đưa cả năng lượng tự nhiên vào các thiết kế, như pin mặt trời. Nhìn chung việc này cũng không gặp nhiều khó khăn vì pin mặt trời càng ngày càng phong phú, giá thành rẻ nên được ưa chuộng.
Anh từng chia sẻ, cây xanh có ý nghĩa cần thiết trong kiến trúc. Sự cần thiết đó được hiểu thế nào?
Cây xanh chính là sự sống còn của công trình, chứ không phải để trang trí. Ví dụ như trong nắng nóng hơn 40 độ của Hà Nội, cây xanh cần ở đó để điều hòa không khí, lọc không khí, tạo ra gió mát cho công trình.
Thời gian đầu mới thành lập, công ty Võ Trọng Nghĩa Arch tuyển dụng rất nhiều người nước ngoài, hiện tại thì sao?
Trước đây khoảng 1/3 nhân sự trong công ty là người nước ngoài. Tuy nhiên, sau này tôi nhận thấy thực chất người Việt Nam nếu được tu tập tốt thì còn làm tốt hơn. Người nước ngoài họ bị “dị ứng” với việc phải giữ 5 giới (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu bia).
Nhiều người nước ngoài cho rằng uống bia là giải khát thì đối với anh em trong công ty đó lại là phạm giới. Về sau, những người này rời công ty và chúng tôi tìm được những người cộng sự trong nước ưu tú và phù hợp hơn. Sau đó, chúng tôi cùng nhau giữ giới, hành thiền.
Việc giữ giới, hành thiền giúp mình có nhiều chất xám hơn, có nhiều hóc-môn hạnh phúc hơn trong não. Mình cũng chú tâm hơn nên mọi công việc được giải quyết nhẹ nhàng hơn. Thiền mang lại cho mình trạng thái thư giãn nên làm việc hiệu quả, tập trung và chú ý tới từng chi tiết.
Anh có phải là một người chi tiết không?
Tôi là một người rất chi tiết. Với mỗi chia sẻ của mình, tôi sẵn sàng sửa tới sửa lui bài viết để đúng chi tiết, đúng từng câu để giảm khả năng phạm giới.
Cũng giống như chi tiết trong các máy móc, trong kiến trúc cũng thế. Trên thế giới gọi chi tiết là thượng đế, nhưng để những chi tiết này đúng với ý tưởng của mình thì cần nỗ lực rất lớn.
Như vậy, khi dồn hết tâm huyết sức lực vào một công trình, chú ý tới những chi tiết nhỏ, anh có bị căng thẳng trở lại không?
Thỉnh thoảng ở công trường có 1 số người làm sai thiết kế của mình thì cũng mang lại những căng thẳng nhất định. Mỗi lúc đó, tôi ngồi thiền khoảng 10 phút sau thì mọi thứ cân bằng lại.
Gần đây, anh bất ngờ sử dụng Facebook. Lý do gì khiến một người nhiều năm “nói không” với MXH lại có quyết định như vậy?
Tôi muốn dùng kiến thức và sự hiểu biết của mình để chữa trị cho những người bị chứng trầm cảm, rối loạn lo âu, cùng họ làm giảm các triệu chứng và có thể vượt qua bệnh tật nhờ hành thiền. Như tôi đã nhiều lần chia sẻ, thiền giúp kết nối trong não rất tốt. Khi mình có sự kết nối trong não thì sẽ kết nối với thiên nhiên, con người.
Tôi từng đọc rất nhiều tài liệu nước ngoài nói về tác dụng của thực hành thiền, chánh niệm đối với trầm cảm và các chứng rối loạn lo âu. Thế nhưng, phải khi trải qua cùng họ, tôi mới thực sự cảm nhận được việc rèn luyện sự tập trung, chánh niệm giúp làm giảm những triệu chứng của trầm cảm, lo âu, sợ hãi. Thậm chí, có thể chữa khỏi được hoàn toàn nếu bệnh nhân kiên trì mỗi ngày.
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Sara Lazar của Đại Học Harvard, việc tu tập thiền định và chánh niệm sẽ làm cho vùng hạch hạnh nhân (Amygdala) nhỏ lại, giảm hệ thống lo âu của bộ não và do đó người tu tập thiền và chánh niệm sẽ bớt bất an và lo lắng.
Vùng hạch hạnh nhân (amygdala) nơi lưu giữ hầu hết các dấu ấn của sang chấn này liên hệ trực tiếp với vùng não ở giữa trán trước (Medical prefrontal Cortex), trung tâm của sự nhận thức, do đó: cách duy nhất chúng ta có thể tiếp cận phần não cảm xúc một cách có chủ ý là thông qua sự tự nhận thức, nghĩa là bằng cách kích hoạt vùng Medial Prefrontal Cortex (vùng não ở giữa trán) phần não này sẽ liên hệ trực tiếp với vùng hạch hạnh nhân (Amygdala).
Tiến sĩ Sara Lazar của Đại học Harvard cũng chỉ ra rằng, người tu tập thiền và chánh niệm phát triển được vùng não giữa trán (Medial Prefrontal Cortex) rất tốt so với người không thực hành thiền. Và do đó thiền tác dụng trực tiếp cho phần não trước trán to ra giúp chúng ta thông minh hơn trong xử lý các cảm xúc vì nó liên hệ trực tiếp với phần hạch hạnh nhân (Amygdala). Trong khi đó phần não lưu giữ lo âu và sang chấn là hạch hạnh nhân lại nhỏ lại đối với người thực hành thiền. Do đó, hành thiền giúp chữa lành các triệu chứng của lo âu và trầm cảm rõ rệt. Dữ liệu trên được đánh giá đối với người hành thiền khoảng 30-40 phút/ngày trong vòng 3 tháng.
Những người mắc chứng trầm cảm và lo âu muốn được chia sẻ qua facebook cá nhân. Vì thế, tôi quyết định sử dụng mạng xã hội để hỗ trợ họ, dù thú thật, tôi vẫn rất không thích việc này. Thời gian tới, tôi cũng dự định tổ chức workshop để giúp đỡ những người trầm cảm hoặc rối loạn lo âu bằng thiền.
Hiện tại, tôi cân bằng được bằng cách quy định rõ ràng thời gian sử dụng Facebook, chỉ làm việc trên đó chứ không sử dụng quá nhiều và vẫn dành thời gian để giữ giới, hành thiền.
Quote: Hiện tại, tôi cân bằng được bằng cách quy định rõ ràng thời gian sử dụng Facebook, chỉ làm việc trên đó chứ không sử dụng quá nhiều và vẫn dành thời gian để giữ giới, hành thiền.
Cảm ơn những chia sẻ của anh.