Đầu xuân năm mới, công ty tôi tổ chức cho nhân viên đi lễ chùa, vừa là để cầu kinh doanh buôn bán phát đạt, vừa gia tăng tinh thần đoàn kết, cả công ty là một gia đình lớn, mọi người có thêm thời gian gắn kết với nhau.
Giám đốc muốn nhân viên đăng ký tự nguyện nhưng thực chất là trên tinh thần bắt buộc. Những năm trước, người nào không đi sau đó bị sếp bóng gió mắng nhiều lần, công việc cũng bị soi lên soi xuống, một lỗi nhỏ cũng bị phạt nặng. Vì thế rất nhiều người dù đi nhưng lòng không muốn, trong đó có tôi.
Công ty tôi luôn làm ăn tốt dù kinh tế khó khăn, lương thưởng ổn nhưng phạt cũng nghiêm khắc. KPI áp rất cao, tháng nào mọi người cũng phải căng mình, giành giật từng chút thời gian để về đích phút cuối, nên chẳng ai dám lơ là, vì mức trừ thu nhập nếu không đạt KPI rất nặng. Điểm trừ này còn liên quan chặt chẽ đến mức thưởng cuối năm, thưởng quý và thưởng thành lập công ty, con số rất đáng kể nên sống chết gì chúng tôi cũng phải cố.
Nếu như phần lớn công ty khác khá rảnh rỗi dịp đầu năm thì ở công ty tôi, hết thời gian nghỉ Tết là mọi người đã lao vào chiến đấu. Tết xong cũng đã gần nửa quý 1, quý khó đạt KPI nhất nên không ai không sốt ruột. Trong khi đó, các chuyến du xuân, đi lễ của công ty vừa mất thời gian vừa mất sức, đi xong về mệt đến vài ngày.
Đi lễ ở xa, lại phải qua mấy điểm nên từ 6h, mọi người đã phải có mặt để bắt đầu hành trình. Nhà tôi xa công ty, năm mới gọi xe khó nên tôi phải dậy lúc 4h30, dù đêm hôm trước vẫn thức khuya cố "cày" thêm công việc. Sau 3 tiếng trên ô tô, cả đoàn hơn 100 người cũng đến điểm đi lễ đầu tiên, một ngôi đền nổi tiếng.
Đền rất đông, mọi người nhốn nháo mãi mới chọn được một vị trí tập kết như ý, sau đó đi bộ khoảng 500m từ bãi đỗ xe đến cổng. Mất 20 phút chen chúc, tôi mới đến được sân đền. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt là một biển người. Ai cũng khệ nệ mang theo nhiều đồ lễ được sắp sẵn, nhiều người phải đội cả mâm đồ lễ lên đầu để tránh bị xô đẩy. Trong dòng người chen lấn, đi lại hỗn loạn, đoàn chúng tôi phải đi gần lại, bám vào nhau để không bị lạc.
Năm nào ra Tết, công ty tôi cũng tổ chức đi lễ kết hợp du xuân. (Ảnh minh họa: Viên Minh)
Không khí trong sân vô cùng bí bách vì người đông và khói hương thì mù mịt. Dù nhà đền có biển khuyến cáo là chỉ thắp một nén hương, nhiều người vẫn cầm trên tay cả bó hương chen lên cắm vào lư hương ở giữa, thậm chí có bó hương còn chưa tắt ngọn lửa.
Trong lúc chờ bộ phận hành chính đi sắp lễ, cả đoàn hơn 90 người đứng chờ, chịu cảnh "tắc thở" suốt 30 phút thì cũng đợi được lúc tiến vào chính điện khấn vái. Len lỏi mãi mới chọn được một chỗ đứng, tôi chỉ có thể chấp tay mà không thể cúi đầu vì sẽ chạm vào những người xung quanh. Trong cảnh đó, thật khó mà tĩnh tâm gửi lời khấn nguyện đến bề trên.
Lễ xong ra khỏi chính điện, chúng tôi có thêm 30 phút để tự do vãn cảnh và chụp ảnh kỷ niệm, xong xuôi thì cũng đến 12h, mọi người lên xe đến nhà hàng đặt sẵn ăn trưa. Gần 14h, tất cả lại lên xe đi đến ngôi chùa cách đó 50km, cũng là một điểm du xuân cực kỳ đông khách thập phương. Rất may là điểm đến cuối cùng - một ngôi đền nhỏ không nổi tiếng lắm nhưng có duyên với giám đốc - không xa nơi này.
Khi hoàn tất việc lễ lạt thì trời đã tối; mọi người mệt và đói, muốn kiếm chỗ nào ăn qua quýt cho xong còn về, nhưng sếp vẫn còn sung sức lắm. Anh ấy muốn đến một nhà hàng có đặc sản lợn mán rất ngon, dù phải đi gần 20 cây số mới tới chỗ đó. Bữa tiệc thịnh soạn nên không thể nhanh gọn; vì thế khi ô tô về tới công ty ở Hà Nội thì đã gần nửa đêm, tôi về nhà lúc đã qua ngày mới.
Lên giường lúc hơn 1 giờ sáng với cơ thể rã rời, tôi vẫn phải đặt chuông để hôm sau dậy đến công ty chấm công đúng giờ. Phải mất 2 ngày sau, tôi mới lấy lại sức khỏe. Nghe bạn bè, người quen nói đến chuyện đi lễ đầu năm với sự hào hứng, tôi chỉ thấy hết hồn, vì họ du xuân với thời gian thong thả và tâm thái thoải mái chứ không hành xác, gây kiệt sức như công ty tôi.
Thực ra, tôi vẫn rất thích hoạt động du xuân, lễ đền chùa đầu năm. Đó là một tập quán đẹp, là giá trị văn hóa của cha ông, đồng thời cũng đem lại sự thư giãn, giúp con người có những giờ thảnh thơi, bình an. Nhưng hoạt động du xuân kiểu bắt buộc của nhiều công ty, nhồi nhét nhiều hoạt động và hành trình dài chỉ trong một ngày khiến mọi người chẳng những không được thư thái chút nào mà còn quá tải, sau đó đi làm với tình trạng kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần.
Đặc biệt, các sếp muốn nhân viên đi du xuân đầy đủ như đi làm nhưng KPI tuần và tháng không giảm, deadline chẳng lùi cho ngày nào thì đúng là làm khó người lao động. Nhiều người sẽ đi theo kiểu gượng ép chứ không vui, ý nghĩa kết nối của chuyến đi cũng sẽ giảm đi rất nhiều.