Kiếm 80-90 triệu đồng/tháng nhưng chẳng tiết kiệm được đồng nào, còn phải vay thêm mấy chục triệu mới đủ: Cách chi tiêu khiến dân mạng ngao ngán

Ngọc Linh, Theo Đời sống pháp luật 10:30 17/02/2025
Chia sẻ

Không biết kiểm soát chi tiêu nên cũng chẳng có gì lạ khi không tiết kiệm được tiền, dù thu nhập rõ cao.

Không mắc nợ, thu nhập cũng không phải thấp, mà vẫn không tiết kiệm nổi, vậy thì lý do chắc chắn không thể là gì khác ngoài việc không biết quản lý chi tiêu. “Miệng ăn núi lở”, thu nhập cao đến đâu mà cứ vung tay quá trán, có dư được mới lạ.

Mỗi tháng kiếm 80-90 triệu đồng nhưng đều tiêu hết, thậm chí còn phải vay thêm mới đủ

Một cô gái 28 tuổi, còn độc thân từng tâm sự trong một cộng đồng quản lý tài chính: “Thu nhập hàng tháng ít nhất 80 triệu nhưng em vẫn không để được đồng nào”.

Kiếm 80-90 triệu đồng/tháng nhưng chẳng tiết kiệm được đồng nào, còn phải vay thêm mấy chục triệu mới đủ: Cách chi tiêu khiến dân mạng ngao ngán- Ảnh 1.

Nguyên văn chia sẻ của cô gái 28 tuổi kiếm ít nhất 80 triệu/tháng

Nhìn vào những gì cô chia sẻ, không có để nhận ra cô khá “mạnh tay” cho việc chăm sóc sắc đẹp, ngoại hình nói chung; đồng thời, cô cũng biếu ông bà, bố mẹ 10 triệu/tháng.

Các khoản chi của cô trong 1 tháng có thể tóm tắt như sau:

- Tiền ăn: 30.000.000đ/tháng

- Chăm sóc sắc đẹp, đầu tư cho ngoại hình (mua mỹ phẩm, tiêm meso, đi gội đầu và làm nail, mua quần áo/giày dép): 18.150.000đ/tháng

- Nuôi thú cưng: 3.000.000đ/tháng

- Điện, nước: 3.900.000đ/tháng (do nhà có nhiều thiết bị thông minh)

- Phí dịch vụ: 2.600.000đ/tháng (do ở khu đắt đỏ)

- Biếu ông bà, bố mẹ: 10.000.000 - 15.000.000đ/tháng

- Hiếu hỷ, tiệc tùng, quà cáp: 10.000.000đ/tháng

Nhiều người đồng tình việc cô chi tiêu và sống hưởng thụ thế này, không tiết kiệm được cũng không có gì khó hiểu. Giờ hoặc là chấp nhận không có tiền phòng thân, không có tài sản; hoặc là chấp nhận cắt giảm bớt tiền chi tiêu để tích lũy dần, chứ chẳng có cách nào khác. Vừa muốn sống hưởng thụ tối đa, vừa muốn dư dả là việc gần như không thể.

Điều đó cũng đúng với tâm sự của một cô gái khác. Dù đã kết hôn, thu nhập của 2 vợ chồng là 90 triệu/tháng, nhưng không những không tiết kiệm được, mà gia đình này còn phải vay thêm ít nhất 30 triệu từ thẻ tín dụng, mới đủ tiêu.

Kiếm 80-90 triệu đồng/tháng nhưng chẳng tiết kiệm được đồng nào, còn phải vay thêm mấy chục triệu mới đủ: Cách chi tiêu khiến dân mạng ngao ngán- Ảnh 2.

Nguyên văn chia sẻ của cô vợ

Tình hình tài chính, chi tiêu của gia đình 5 người (2 vợ chồng, 3 con nhỏ) này có thể tóm tắt như sau:

- Tài sản sau 9 năm lập gia đình: 1 chiếc xe máy SH (ô tô đi thuê)

- Các khoản chi cố định hàng tháng:

+ Thuê nhà: 15 triệu

+ Ăn uống: 15 triệu

+ Tiền học của 3 con: 42 triệu

+ Tiền thuê giúp việc: 7 triệu

+ Tiền đi lại: 4 triệu

+ Tiền biếu ông bà (mua thuốc cho bà, biếu tiền cho ông): 7 triệu

+ Tiền tiêu của 2 vợ chồng (mua mỹ phẩm, vitamin, tiêu vặt,...): 6 triệu

+ Cỗ bàn, hiếu hỷ: 5 triệu

Tựu trung lại, chúng ta có thể khẳng định chắc chắn một điều: Kiếm tiền vốn đã là điều không đơn giản trong bối cảnh này, nhưng giữ được tiền còn là thách thức lớn hơn nữa.

Làm sao để có động lực tiết kiệm tiền?

Nếu cũng đang trong tình cảnh tương tự như 2 cô gái trong câu chuyện phía trên: Thu nhập ổn, muốn tiết kiệm nhưng lại mơ hồ với mục đích tiết kiệm; hãy tự hỏi bản thân 2 điều dưới đây để tiếp thêm động lực cho chính mình, trên hành trình chắt chiu.

1 - Nếu mất thu nhập, ốm đau, người thân gặp biến cố, mình có tiền để tự lo cho bản thân hoặc giúp đỡ người thân không?

Thoạt nghe, những viễn cảnh này có vẻ đều tiêu cực quá, chúng ta chẳng ai mong muốn những điều ấy sẽ xảy ra. Tuy nhiên, nghĩ về những kịch bản tệ nhất để chuẩn bị tiền bạc, tài chính vẫn là việc cần thiết, đặc biệt là với những người đang ngấp nghé trước ngưỡng cửa 30.

Kiếm 80-90 triệu đồng/tháng nhưng chẳng tiết kiệm được đồng nào, còn phải vay thêm mấy chục triệu mới đủ: Cách chi tiêu khiến dân mạng ngao ngán- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Bố mẹ rồi sẽ già, chúng ta cũng có thể ốm đau, thất nghiệp, giảm thu nhập bất cứ lúc nào. Thế nên, dự phòng tiền bạc cho những lúc như vậy chưa bao giờ là việc thừa thãi vì tiền bạc có thể không giải quyết được tất cả mọi khó khăn, bế tắc trong đời; nhưng không có tiền, thì chắc chắn, những khó khăn, bế tắc ấy sẽ nhân lên bội phần.

2 - Cảm giác sẽ ra sao nếu trong tay có vàng, có sổ đỏ?

Chi tiền chăm sóc sắc đẹp, đầu tư cho ngoại hình hay nói chung là hưởng thụ cuộc sống, là mong muốn chính đáng của tất cả mọi người. Tuy nhiên, hãy thử tưởng tượng 2 kịch bản thế này.

- Có bao nhiêu tiền cũng dồn hết vào mỹ phẩm, son phấn, quần áo, dày dép, tủ đồ ở nhà không khác gì shop thời trang

- Tiết chế lại việc mua sắm các sản phẩm chăm sóc ngoại hình, dành một phần tiền đó để mua vàng hoặc gom lại mua đất. Sau khoảng vài năm, tủ đồ ở nhà có thể cũng bình thường thôi, nhưng đổi lại, mình sẽ có vài cây vàng, thậm chí vài cuốn sổ đỏ luôn.

Bạn muốn tương lai của mình sẽ giống kịch bản số 1, hay kịch bản số 2? Trả lời được câu hỏi này là sẽ tìm được động lực tiết kiệm thôi!

Đừng quên quản lý chi tiêu thật chặt chẽ

Có động lực tiết kiệm rồi, mà không quản lý chi tiêu, khả năng cao là bạn vẫn chưa thoát được lối mòn “kiếm bao nhiêu, tiêu chừng ấy”. Cách đơn giản nhất, cũng là việc cấp thiết nhất cần làm ngay lúc này chính là ghi chép lại từng khoản chi.

Bạn có thể tự tạo 1 file quản lý chi tiêu cá nhân, hoặc dùng các ứng dụng ghi chép chi tiêu. Trước mắt, hãy quản lý chi tiêu theo 5 nhu cầu cơ bản:

- Chi phí cố định (tiền thuê nhà, phí dịch vụ, phí gửi xe,...)

- Tiền mua thực phẩm

- Tiền ăn ngoài, cà phê,...

- Tiền xăng xe, đi lại

- Tiền mua sắm

- Các khoản phát sinh

Ghi chép và theo dõi chi tiêu theo 5 mục cơ bản như trên trong vòng khoảng 2 tháng, bạn sẽ nhận ra đâu là khoản chi khiến mình tốn tiền nhất, từ đó, mới có cơ sở để cắt giảm ngân sách cho phù hợp và bắt đầu hành trình tiết kiệm của riêng mình.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày