Kí Sinh Trùng (Parasite) chọn đề tài muôn thưở trong xã hội hiện đại nhưng ngôn ngữ điện ảnh lại có tính giải trí cao, nhà làm phim Hàn Quốc gợi cho người xem một câu hỏi: "Phải chăng tất cả chúng ta đều là kí sinh trùng?".
"Anh có hợp với khung cảnh này không?", câu thoại của nhân vật Ki Woo vang lên ở một trong những trường đoạn quan trọng nhất phim: bữa tiệc sinh nhật của những người giàu.
Trong cuộc sống đời thực, đã bao nhiêu lần bạn tự hỏi bản thân mình câu ấy?
Đó có thể là khi một em bé tham gia cuộc gặp mặt chỉ toàn người lớn. Một đứa trẻ nhà nghèo khi tham gia bữa tiệc cùng các bạn đồng trang lứa nhà giàu. Câu hỏi ấy cũng sẽ xuất hiện trong tâm trí một cô diễn viên mới, khi bước chân vào khán phòng tràn ngập những ngôi sao màn bạc hàng đầu. Hay chàng trai mới khởi nghiệp tới hội chợ doanh nghiệp với những "ông trùm" doanh nhân khét tiếng… Đó không phải cảm giác lạc lõng mà là sự choáng ngợp, thèm muốn. Nó giống như bức tranh tuyệt đẹp mà ta, bằng bất kỳ giá nào, cũng muốn trở thành một phần của tác phẩm ấy, dù chỉ là một dấu chấm đơn sơ.
1. Sự phân hóa giàu – nghèo không bao giờ kết thúc
"Kí Sinh Trùng" chạm tới những vấn đề cốt lõi của xã hội Hàn Quốc hiện đại, đồng thời cũng là vấn đề của toàn cầu. Từ xưa đến nay, có kẻ mạnh thì sẽ có người yếu, có sự giàu sang thì ắt sẽ tồn tại nghèo hèn. Những thứ trái ngược nhau sẽ luôn tồn tại song song, có một khoảng cách không thể xóa nhòa.
Từ những bộ phim câm thời kỳ hoàng kim của Hollywood do ông hoàng phim hài Charlie Chaplin thực hiện như "The Kid", "City Lights", "Modern Times" cho tới "Titanic" của James Cameron, "The Great Gatsby" của Baz Luhrmann hay trước "Kí Sinh Trùng" là "Crazy Rich Asians", đề tài về giàu – nghèo chưa bao giờ bị coi là cũ.
"The Great Gatsby": Khi bạn muốn đặt chân vào thế giới giàu có, xa hoa.
"Titanic": Mối tình ngang trái giữa cô tiểu thư giàu có và anh chàng không cùng đẳng cấp.
Khung cảnh sang trọng, xa hoa của người giàu là thứ hình ảnh ấn tượng đầu tiên đối với bất kỳ ai khi bước chân vào thế giới của những kẻ lắm tiền, những kẻ được coi như "vật chủ" với bao đặc quyền.
Ngôi biệt thự trên đồi của gia đình họ Park vô cùng rộng lớn, có khu vườn xanh mướt dưới ánh mặt trời cùng tầm nhìn tuyệt vời. Đó chính là lý do vì sao người giàu lại hay ở nhà rộng. Vì đơn giản, cái họ cần là một khung cảnh, khuôn hình để chiêm ngưỡng, để thấy mình là một phần nhỏ bé trong đó. Còn với người nghèo, sự chật chội tạo nên những thứ mùi tích tụ lâu dài. Dần dần, nó trở thành thứ để nhận biết thân phận, địa vị của mỗi con người trong xã hội.
Mùi hôi thối, nồng nặc là thứ dẫn lối trực tiếp chứ không phải khung cảnh. Trong phim, ngôi nhà của gia đình Ki Taek sinh sống nằm cuối phố, dưới tầng hầm và nồng nặc mùi củ cải, mùi thịt nướng rẻ tiền còn ám lại, mùi hóa chất từ thuốc hóa học, mùi nước tiểu của những kẻ say xỉn… Tất cả tạo nên một thứ mùi ô hợp mà bất kỳ ai sống trong đó, dù có thay đổi đến mấy về ngoại hình, có khoác lên người hàng hiệu hay mỹ phẩm xịn thì cũng không thể nào tẩy được thứ mùi "nghèo" ấy.
2. Phim nghệ thuật "bom tấn"
Dù cho "Kí Sinh Trùng" có sự tham gia của những gương mặt đình đám, từ gạo cội như Song Kang Ho, Lee Sun Kyun tới các diễn viên trẻ như Park So Dam, Choi Woo Sik, "ngôi sao" đình đám nhất vẫn là đạo diễn Bong Joon Ho. Ra mắt phim đầu tay là "Barking Dogs Never Bite" từ năm 2000, đến nay vị đạo diễn sắp tròn 50 tuổi được coi là niềm tự hào của điện ảnh Hàn Quốc, một trong những nhà làm phim xứ kim chi có sức ảnh hưởng bậc nhất trên thế giới hai thập niên qua.
Bong Joon Ho tạo nên những tác phẩm mà lịch sử điện ảnh Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung vẫn còn phải nhắc đến mãi, như "Memories of Murder" hay "Mother". Anh cũng có hai bộ phim từng nắm giữ kỷ lục phòng vé Hàn Quốc như "The Host" hay "Snowpiercer". "Kí sinh trùng" là phim thứ bảy trong sự nghiệp của Bong Joon Ho và lần này, nó giúp điện ảnh Hàn Quốc chinh phục được Liên hoan phim Quốc tế hàng đầu – Cannes – với danh hiệu "Cành Cọ Vàng".
"Memories of Murder"
"Mother"
"Kí Sinh Trùng" không phải phim hay nhất trong sự nghiệp của Bong Joon Ho. Nó không tạo được nhiều bất ngờ về mặt không khí hay ngôn ngữ điện ảnh như "Memories of Murder". Kịch bản cũng không gây choáng ngợp, ám ảnh như "Mother". Hiệu ứng hình ảnh cũng không thể như "The Host" hay "Snowpiercer". Nhưng đây là bộ phim tiếp cận được đến khán giả đại chúng, nói cách khác là biến tác phẩm tưởng như phim nghệ thuật (arthouse) trở nên thu hút khán giả không kém các phim bom tấn thông thường. Với kinh phí khoảng 11 triệu USD, phim thu về 65 triệu USD tại quê hương sau hai tuần. "Ký Sinh Trùng" cũng bán bản quyền đi 192 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam tuần qua, phim thu gần 15 tỷ đồng sau ba ngày khởi chiếu và trở thành phim Hàn có doanh thu mở màn cao nhất trong lịch sử của phòng vé Việt.
Với "Kí Sinh Trùng", Bong Joon Ho vẫn giữ vững phong cách hài châm biếm. Những cú twist gây sốc liên tục, tạo nên tính giải trí cao cho người thưởng thức. Ở tác phẩm lần này, vị đạo diễn kể câu chuyện bằng những kỹ thuật điện ảnh rất chắc chắn. Dù người xem có thể không bị bất ngờ như với "Memories of Murder" hay "Mother" nhưng vẫn bị lôi cuốn theo dõi từ đầu đến cuối, không ngừng trầm trồ trước lối kể chuyện vừa hài hước, vừa nghẹt thở của Bong Joon Ho.
Các nhân vật trong phim không hoàn toàn là người tốt, nhưng cũng không phải là người xấu mà được xây dựng bởi một góc nhìn rất trung dung. Mỗi người xem đều có cảm nhận riêng và tự lựa chọn phe của mình. Đó không phải là cuộc chiến của cái thiện với cái ác mà đơn giản là thế giới đa chiều của những ký sinh trùng.
3. "Kí sinh trùng" trong thế giới hiện đại
Trong sinh học và sinh thái học, ký sinh là một mối quan hệ cộng sinh không tương hỗ giữa các loài. Trong đó có một loài là ký sinh, sống bám vào loài kia là vật chủ hay ký chủ. Trong y học, ký sinh trùng hay động vật ký sinh là sinh vật chiếm sinh chất của các sinh vật khác đang sống để tồn tại và phát triển.
"Kí Sinh Trùng" sử dụng nhiều biểu tượng, trong đó có hình ảnh gia đình Ki Taek như những con gián sống ký sinh trong nhà của gia đình họ Park. Khi chủ đi vắng, họ tận hưởng cảm giác tự do nhưng khi chủ trở về, tất cả lại trốn chui trốn lủi trong những vùng tối để tránh bị phát hiện. Bản thân gia đình họ Park cũng bị phụ thuộc rất nhiều. Người vợ vụng về trong việc nấu nướng. Cô con gái lớn luôn cần gia sư tiếng Anh tốt, trong khi cậu con trai nhỏ gặp cú sốc từ nhỏ, cần phải trị liệu tâm lý bằng mỹ thuật. Không phân biệt giàu nghèo, mỗi nhân vật dường như lại ký sinh lên một vật chủ khác, dựa vào đó để tồn tại.
Trong cuộc đời thực, mỗi đứa trẻ ra đời đều phụ thuộc vào cha mẹ để tồn tại, phát triển. Để rồi đến khi trưởng thành, chúng lại trở thành "vật chủ" cho những thế hệ khác bám vào. Bản thân mỗi con người hiện đại ở thế kỷ 21, trong thời đại Công nghiệp 4.0, đôi khi chúng ta cũng không nhận ra rằng chính mỗi người cũng là một "kí sinh trùng", sống phụ thuộc vào công nghệ. Đã bao giờ bạn hình dung ra cuộc sống của mình chỉ một ngày hoàn toàn không có Internet, không có sự tác động của các tiện ích công nghệ? Đó là một điều không tưởng.
"Kí Sinh Trùng" là bộ phim gia đình đan xen bi hài kịch, giật gân. Đây là tác phẩm tạo nên cột mốc quan trọng cho các bộ phim arthouse, mang tới những thông điệp về giàu sang, nghèo hèn trong cuộc sống và để lại nhiều suy nghĩ về một thế giới hiện đại mà ở đó, phải chăng tất cả chúng ta đều là những "kí sinh trùng"?
Trailer "Parasite" (Ký Sinh Trùng)
Kí Sinh Trùng đang công chiếu trên các rạp toàn quốc.