Thông điệp "nguy hiểm" của Kí Sinh Trùng: Nghèo thật sự là lý do tất yếu dẫn tới bi kịch xã hội?

Hà Phương, Theo Helino 10:54 25/06/2019
Chia sẻ

Chẳng cần định mệnh phải “ra tay", hãy ra rạp xem ngay Kí Sinh Trùng để nếm trải sự cực khổ của cái nghèo được lột tả chân thực, đến trần trụi sẽ khiến cho bạn ghi lòng tạc dạ mãi không quên đâu.

BÀI VIẾT CÓ CHỨA NỘI DUNG PHIM, XIN ĐỘC GIẢ CÂN NHẮC.

Đừng nghe cô Mị, cái tên vàng trong làng văn học Việt Nam xúi dại "sống trong cái khổ, Mị quen khổ rồi" mà chấp nhận nghịch cảnh nhé, đời nhiều khổ đau nhưng chỉ cần biết cố gắng là tương lai sẽ tươi sáng ngay thôi. Chớ để rơi vào tình cảnh như các nhân vật trong Kí Sinh Trùng (Parasite), bị nỗi đau tột cùng của sự nghèo khổ đeo bám dai dẳng từ đầu đến cuối mãi chẳng thoát ra được rồi cuối cùng bế tắc cứ hoàn bế tắc mãi thôi.

Một gia đình đầy đủ những yếu tố để trở thành biểu tượng của sự thất bại

Mở đầu bộ phim, khán giả dễ thấy hình ảnh của một gia đình nghèo khó điển hình với nơi ở là một căn nhà trọ nhỏ nằm dưới tầng hầm ẩm thấp, cửa sổ chỉ hơn mặt đường vài gang tay. Chủ nhà - Ông Kim Ki Taek và vợ, đã ngoài tuổi tứ tuần nhưng thất nghiệp, cùng con trai Ki Woo và con gái Ki Jeong cũng chẳng khá khẩm hơn, học hành không đến nơi đến chốn lại vô công rỗi nghề.

Thông điệp nguy hiểm của Kí Sinh Trùng: Nghèo thật sự là lý do tất yếu dẫn tới bi kịch xã hội? - Ảnh 1.

Một gia đình nghèo điển hình trong xã hội Hàn Quốc.

Cả bốn người phải làm hết công việc này đến công việc khác để kiếm sống qua ngày, thậm chí wifi còn phải "bắt chùa" từ tầng trên rồi khi mất sóng phải chui vào... toilet chật chội để tìm chỗ có sóng một cách hết sức vất vả.

Thông điệp nguy hiểm của Kí Sinh Trùng: Nghèo thật sự là lý do tất yếu dẫn tới bi kịch xã hội? - Ảnh 2.

Anh em nhà họ Kim phải chui rúc trong toilet chật chội, cáu bẩn để...bắt sóng Wifi.

Trong căn nhà nhỏ ấy, bầu không khí ngột ngạt và chật chội như nuốt chửng dần dần những khát vọng cao đẹp của cả nhà, để lại trên vai họ gánh nặng cơm áo gạo tiền cùng những toan tính mưu sinh.

Đặt cạnh họ là đại diện cho tầng lớp thượng lưu của xã hội Hàn Quốc

Nhà ông Kim đã nghèo, đặt cạnh bên một gia đình hoàn toàn đối lập là nhà ông Park mới thấy rõ sự mỉa mai và ê chề làm sao! Giám đốc Park cái gì cũng có, tiền tài, danh tiếng, nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn.

Thông điệp nguy hiểm của Kí Sinh Trùng: Nghèo thật sự là lý do tất yếu dẫn tới bi kịch xã hội? - Ảnh 3.

Nhìn nhà ông Park rồi lại nhìn nhà ông Kim mới thấy châm biếm làm sao!

Có lẽ nếu như nhà ông Park cứ an phận thủ thường còn nhà ông Kim đừng tìm kiếm người đến làm công thì mọi chuyện cũng chẳng đến nỗi nào vì hai tầng lớp trái ngược nhau thì mấy khi mà chạm mặt. Nhưng không, định mệnh trớ trêu lại khiến cho họ gặp nhau và rồi bi kịch bắt đầu từ đó.

Khi những nỗ lực vươn lên của người nghèo không được đặt đúng chỗ

Ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn không có gì là sai trái, nhưng nếu nó được lên kế hoạch để thực hiện theo một cách lệch lạc thì nghèo vẫn mãi hoàn nghèo, có chăng thêm chữ "khổ" mà thôi!

Thông điệp nguy hiểm của Kí Sinh Trùng: Nghèo thật sự là lý do tất yếu dẫn tới bi kịch xã hội? - Ảnh 4.

Thà cứ làm một anh gia sư cần mẫn có khi lại hay hơn đấy Ki-woo à!

Ngay từ đầu, có lẽ Ki Woo nên biết điểm dừng của mình và làm tốt công việc của một người gia sư hơn là một nhà chiến lược gia, vì rõ ràng anh chàng không hề sinh ra để làm Gia Cát Lượng hoặc Tôn Tử. Điều này chứng minh ở dòng suy nghĩ nhất thời của Ki Woo khi tạm biệt bà chủ nhà sau ngày dạy đầu tiên, anh đã lập tức toan tính "kéo một chân" của cô em gái vào căn biệt thự.

Thông điệp nguy hiểm của Kí Sinh Trùng: Nghèo thật sự là lý do tất yếu dẫn tới bi kịch xã hội? - Ảnh 5.

Chưa dạy được quá một ngày, anh chàng đã vẽ đường cho em gái đi theo mình.

Tuy nhiên, đây không chỉ là một nước cờ kém thông minh của chàng trai sáng dạ mà còn là một quyết định sai lầm. Đành rằng nghèo mà thật thà thì có chăng số phận sẽ mỉm cười với anh?

Nhưng không, không hề! Ki Woo giới thiệu Ki Jeong trong một vỏ bọc hoàn toàn khác, kế đến hai anh em lại tiếp tục bày mưu tính kế để sa thải tài xế và quản gia của nhà ông Park hòng đưa bố mẹ của mình vào thế chân.

Thông điệp nguy hiểm của Kí Sinh Trùng: Nghèo thật sự là lý do tất yếu dẫn tới bi kịch xã hội? - Ảnh 6.

Hai con đã sai, bố mẹ cũng dung túng "phóng lao thì phải theo lao"!

Quần áo chỉnh chu, vốn hiểu biết sâu rộng và sự cố gắng tỏ ra lịch thiệp chẳng thể che đậy "mùi hương bần hàn" bốc ra từ thói quen cho tới tư duy sai lệch

Khỏi phải nói, bà Kim cũng như ông Kim đã sung sướng như thế nào khi bước vào ngôi biệt thự với hình tượng là những người làm công thạo việc và chuyên nghiệp qua bàn tay phù phép của những đứa con.

Thông điệp nguy hiểm của Kí Sinh Trùng: Nghèo thật sự là lý do tất yếu dẫn tới bi kịch xã hội? - Ảnh 7.

Cơ hội đổi đời trong tầm tay, nhưng đổi theo nghĩa tốt hay xấu lại là chuyện khác.

Tuy nhiên, "cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra", tất cả đã thể hiện rõ trong lối sinh hoạt thường ngày. Gia đình ông Kim khoác lên mình lớp vỏ bọc mới, ra dáng là người có tiền bằng quần là áo lượt, bằng phong cách ứng xử, cử chỉ, hành vi mà họ học đòi của những người "có tiền". Song, những gì họ cố gắng phủ lên vẻ bề ngoài không thể che đậy nổi cái mùi hương đặc trưng của sự nghèo khó.

Thông điệp nguy hiểm của Kí Sinh Trùng: Nghèo thật sự là lý do tất yếu dẫn tới bi kịch xã hội? - Ảnh 8.

Cái nghèo đã ăn sâu từ vẻ bề ngoài cho tới tận sâu trong tiềm thức!

Chi tiết cậu bé Da Song chạy lại ngửi lấy ngửi để ông bà Kim rồi phán: "Họ có mùi giống nhau! Cô Jessica cũng có mùi giống họ!" có thể khiến người xem bật cười nhưng rồi lại bật khóc ngay lập tức vì đồng cảm với sự tủi hổ của nhân vật.

Thông điệp nguy hiểm của Kí Sinh Trùng: Nghèo thật sự là lý do tất yếu dẫn tới bi kịch xã hội? - Ảnh 9.

Cậu bé Da-song làm người xem mới bật cười ngay đó, rồi lại khóc liền ngay lập tức!

Dần dà, mùi của ông Kim, bà Kim đã được "tái định nghĩa" một cách sâu cay bằng những ví dụ không thể nào chân thực hơn: Mùi củ cải thối, mùi giẻ lau đun, mùi của người đi tàu điện ngầm,... nhưng quy lại một mối thì vẫn là mùi của cái nghèo!

Lúc bấy giờ, khán giả chỉ biết tặc lưỡi vì nhà ông Kim đã đi quá xa, sự bốc mùi đó không chỉ đại diện cho điều hiện hữu rõ ràng trong phim là mùi hương từ người họ mà còn là "mùi của những suy nghĩ tệ hại". Giá như họ đừng có dấn thân vào thì đâu có chuốc lấy sự khinh miệt của gia chủ?

Thông điệp nguy hiểm của Kí Sinh Trùng: Nghèo thật sự là lý do tất yếu dẫn tới bi kịch xã hội? - Ảnh 10.

Lửa thì làm sao gói được khói, đặc biệt là người tinh vi như ông Park?

Có thể dễ dàng nhận thấy, dù tỏ vẻ tử tế và nhã nhặn nhưng giới hạn mà ông Park phân định rạch ròi giữa chủ và người làm công, sự bực bội với cái "mùi" không cùng tầng lớp của hai vợ chồng ông đã nói lên một sự thật không thể chối cãi: Người giàu sẽ luôn kì thị và khinh rẻ những tầng lớp ở dưới họ!

Ranh giới giàu - nghèo đã vạch sẵn, quyết định vượt khó bằng cách dẫm đạp lên người khác?

Xã hội Hàn Quốc hay bất cứ nơi đâu trên toàn thế giới nói chung, sự phân biệt giàu nghèo là quy luật bất thành văn luôn tồn tại và bền vững. Có thể thấy điều này thông qua những cặp hình ảnh đối lập sau:

Mưa to: Khi nhà bạn có điều kiện, cơn mưa là một điều gì đó rất hay ho, bạn sẽ tận hưởng sự ấm áp trong căn nhà của mình và nhìn ngắm những hạt nước rơi xuống mặt đất đầy thi vị. Nếu nhà của bạn không đủ vững chãi và kín kẽ, một cơn mưa có thể cuốn phăng đi tất cả những gì mà bạn có, bao gồm những dòng suy nghĩ lạc quan về một bầu trời quang đãng của ngày hôm sau.

Thông điệp nguy hiểm của Kí Sinh Trùng: Nghèo thật sự là lý do tất yếu dẫn tới bi kịch xã hội? - Ảnh 11.

Nhà ông Park có khuôn viên rộng rãi, mái hiên che nắng không tới mặt, mưa không tới đầu!

Hai khung cửa sổ: Nhà ông Park và nhà ông Ki đều có "view" nhìn ra cảnh bên ngoài thông qua cửa sổ nhưng ở căn biệt thự là cả một bầu trời xanh thăm thẳm cùng bãi cỏ mướt mát và không gian tươi sáng; còn ở căn nhà hầm thì chỉ có ánh sáng ít ỏi vào ban ngày, một màu tối đen như mực pha vài tia sáng đèn đường le lói vào ban đêm cùng những người tè bậy.

Thông điệp nguy hiểm của Kí Sinh Trùng: Nghèo thật sự là lý do tất yếu dẫn tới bi kịch xã hội? - Ảnh 12.

Trong khi đó, "view" từ nhà ông Kim lại tăm tối như cái tiền đồ của cả 4 thành viên!

Song song đó, tất cả cộng hưởng với tần suất xét nét, đa nghi, khó chịu của hai vợ chồng ông Park như ngọn lửa âm ỉ ngày một lớn dần thành chất xúc tác đẩy mọi thứ đi đến đỉnh điểm!

Nghèo không xấu đâu, nhưng phấn đấu bằng "cách nguy hiểm" để thoát nghèo thật sự đáng lên án!

Sự chênh lệch về mức sống khiến người nghèo tìm đủ thủ đoạn, thậm chí vượt chuẩn đạo đức, sống ký sinh người giàu để sinh tồn. Ki-woo từ một người lương thiện nay trào dâng tham vọng và sự độc ác, quyết tâm mang đá xuống hầm để "xử đẹp" vợ chồng quản gia cũ.

Thông điệp nguy hiểm của Kí Sinh Trùng: Nghèo thật sự là lý do tất yếu dẫn tới bi kịch xã hội? - Ảnh 13.

Bản chất của Ki Woo không xấu nhưng trong một khoảnh khắc cậu đã không thể cản trở nổi những toan tính thấp hèn.

Tên chồng của bà quản gia thì muốn triệt tiêu gia đình ông Kim để giành quyền "ký sinh" gia chủ. Thái độ của ông Park bịt mũi trước mùi hôi thối của gã chồng bà quản gia cũ đã khiến phần "con" của ông Kim lấn át phần người khiến ông Kim cầm giao đâm ông Park không chút do dự cho dù ông Park chẳng làm gì xấu đến ông. Tất cả cũng chỉ xuất phát từ sự bất mãn và tuyệt vọng mà có lẽ sự nghèo nàn từ vật chất cho tới tinh thần đã dẫn lối cho những người đang lâm vào cảnh cơ hàn tiếp tục rơi không phanh xuống vực thẳm của sự lầm lạc.

Thông điệp nguy hiểm của Kí Sinh Trùng: Nghèo thật sự là lý do tất yếu dẫn tới bi kịch xã hội? - Ảnh 14.

Họ từng là gia đình nhỏ tuy nghèo mà đầy ắp tiếng cười cùng những hoài bão cao đẹp, và rồi cuối cùng họ đã tự tay huỷ hoại niềm hạnh phúc quý giá và giản dị ấy.

Bạn thấy không, sau tất cả, chúng ta nhận ra rằng, sự phân biệt giữa hai giai cấp giàu nghèo luôn ở đó, vấn đề ở đây là chúng ta sẽ dậm chân tại chỗ và tìm những con đường ngắn nhất nhưng cũng phải đánh đổi cả lòng tự trọng để rồi mất đi tất cả, hay nỗ lực để đường đường chính chính nhận lấy những thứ xứng đáng với công sức mình đã bỏ ra? Đó là quyền lựa chọn của mỗi người, song, nếu lỡ một mai bị số phận trêu đùa đẩy vào cảnh lầm than, đừng khiến cho mình trở nên nghèo thêm bằng những toan tính rẻ tiền. Nghèo là một chuyện, song, rơi vào cái khổ trong cảnh nghèo sẽ khiến bạn bị ám ảnh và tự tạo ra bi kịch không có hồi kết đấy.

Kí Sinh Trùng hiện đang công chiếu tại tất cả các rạp chiếu phim trên toàn quốc.

Thăm dò ý kiến

Bạn có thấy gia đình ông Kim đã lựa chọn sai lầm dẫn đến cảnh "nghèo đến vô cực"?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày