Không chỉ phân chồn hay voi nổi danh trong làng cà phê, phế thải từ dơi cũng là một trong những loại hạt "cực phẩm" đắt tiền nhất thế giới

Nhật Thành, Theo Trí Thức Trẻ 12:13 05/02/2020

Đứng chung với cà phê chồn Kopi Luwak ở Đông Nam Á, cà phê phân voi ở Thái Lan trong danh sách các loại hạt cà phê hảo hạng còn có cái tên: cà phê phân dơi đến từ Madagascar.

Trên vùng đất màu mỡ ở tỉnh Itasy thuộc miền trung Madagascar đang trồng một loại cà phê có mùi thơm hảo hạng được cả loài dơi lẫn con người khao khát. Và thêm một cú twist nữa là con người càng muốn hạt cà phê này hơn sau khi lũ dơi nhấm nháp nó.

Không nổi danh như Việt Nam với sản lượng cà phê nhất nhì thế giới, đảo quốc Madagascar lại đang trở thành một hiện tượng gần đây khi sở hữu cho mình loại hạt cà phê đặc biệt được thu hoạch từ phế phẩm của những con dơi. Câu chuyện bắt đầu từ khi nông dân ở đây thay đổi loại hạt được gieo trồng. Theo xu thế chung, nông dân - những người trồng cà phê ở khắp thế giới gần đây đang chuyển sang sản xuất các loại hạt cao cấp, thứ được nhiều loài động vật yêu thích để giúp họ cải thiện thu nhập giữa thời buổi giá cà phê trên toàn thế giới sụt giảm mạnh.

Không chỉ phân chồn hay voi nổi danh trong làng cà phê, phế thải từ dơi cũng là một trong những loại hạt cực phẩm đắt tiền nhất thế giới - Ảnh 1.

Và ở Madagascar trước đây, người ta chỉ trồng loại hạt robusta chất lượng thấp thường được dùng trong các loại cà phê hòa tan nhưng mọi chuyện đã khác khi nông dân ở đây chuyển sang sản xuất hạt bourbon pointu, một loại hạt arabica có giá thành cao.

Giá của loại hạt này khi bán rơi vào khoảng 100 đô la Mỹ cho mỗi pound, tức gần bằng 0,5 kg, tuy nhiên khi được qua sự “chế biến” của dơi, giá tăng lên 10%. Theo những người thu mua, hạt cà phê sau khi qua miệng con dơi cho ra một hương vị rất êm và độc nhất.

Vậy cà phê "phân" dơi là như thế nào?

Chính xác thì loại hạt cà phê này không hẳn là được con dơi thải ra bằng phân như chồn hay voi. Vì miệng của dơi quá nhỏ để có thể xơi tái được hạt cà phê. Con vật sẽ kiên nhẫn cắn phần ngoài của hạt cà phê để tách vỏ khi nó còn ở trên cây, rồi sau đó liếm lớp bột bên trong để lấy chút đường có chứa trong đó.

Đó chính là sự khởi đầu cho việc sản xuất ra loại hạt trứ danh này. Khi quả cà phê bị dơi ăn dở còn ở trên cây, nó sẽ không còn nguyên vẹn và còn dính chất acid tiêu hóa của dơi ở trên đó. Quả cà phê này sẽ được để khô tự nhiên trên cây càng lâu càng tốt trước khi thu hoạch.

Không chỉ phân chồn hay voi nổi danh trong làng cà phê, phế thải từ dơi cũng là một trong những loại hạt cực phẩm đắt tiền nhất thế giới - Ảnh 2.

Cuối cùng, người trồng sẽ chọn ra những quả tốt nhất để thu hoạch. Trải qua một quá trình sấy khô kỹ lưỡng nữa, nó chuyển từ đồ ăn thừa của dơi sang một trong những loại hạt cà phê đắt tiền nhất thế giới.

Rồi điều gì làm nên danh tiếng của loài cà phê đặc biệt này?

Đầu tiên chắc chắn là cách nó được tạo ra như trên nhưng đi kèm theo đó còn là hương vị của nó. Theo mô tả, hạt cà phê được sản xuất theo cách này tạo ra một tách cà phê độc nhất với hương trái cây và hoa cùng một chút độ acid nhẹ tạo nên sự tinh tế trong hương vị của loại cà phê hảo hạng này. Một tách cà phê dơi có chút ngọt, êm dịu và để lại hậu vị dễ chịu rất lâu ở trong miệng.

Không chỉ phân chồn hay voi nổi danh trong làng cà phê, phế thải từ dơi cũng là một trong những loại hạt cực phẩm đắt tiền nhất thế giới - Ảnh 3.

Trả lời tờ Reuters, ông Ronald Van der Vaeken, một chủ khách sạn ở địa phương cho biết: "Nó rất đặc biệt. Với những loại cà phê thông thường, chỉ sau 2 phút bạn sẽ quên ngay vị của nó. Nhưng đối với loại cà phê dơi này, vị còn lưu rất lâu trong miệng của bạn... thật tuyệt hảo."

Và hành trình để trở thành nơi sản xuất loạt hạt cà phê trứ danh của Madagascar

Như đã nói ở trên, ban đầu người dân ở đây không sản xuất loại hạt cà phê đắt tiền như vậy. Thực chất, cà phê "phân" dơi có nguồn gốc từ loài Artibeus jamaicensis, một giống dơi ăn hoa quả sống trong hệ sinh thái ở vườn cà phê Coffea Diversa, phía nam khu vực Brunca, Costa Rica.

Không chỉ phân chồn hay voi nổi danh trong làng cà phê, phế thải từ dơi cũng là một trong những loại hạt cực phẩm đắt tiền nhất thế giới - Ảnh 4.

Doanh nhân Jacques Ramarlah

Mọi chuyện bắt đầu từ 2 năm trước, khi doanh nhân Jacques Ramarlah nảy ra sáng kiến giới thiệu loại hạt cà phê bourbon pointu với nông dân ở Madagascar. Ông cũng cho họ biết rằng nếu để dơi ăn thì đây sẽ trở thành loại hạt cà phê hảo hạng. Chính nhờ ý tưởng đó mà ông Ramarlah đã thay đổi cả vùng đất này. Hiện tại, ông đang làm việc với khoảng 90 nông dân để thu mua hạt cà phê về chế biến và bán ra thị trường. Khách hàng của ông hầu hết đến từ các nhà hàng và khách sạn cao cấp.

"Trước khi có loại hạt này, người dân ở Itasy không có chút hào hứng nào trong việc trồng cà phê. Bây giờ, nó đã trở thành kế sinh nhai của chúng tôi." - Ông Ravaonasolo, chủ tịch của hội cà phê địa phương chia sẻ.

(Tham khảo: Reuters, Homegrounds, TRT World)