Kiếm tiền là một chuyện, giữ tiền là một chuyện, đầu tư để "tiền đẻ ra tiền" lại là một chuyện rất khác nữa.
Nhiều người thường đánh đồng rằng người giỏi kiếm tiền sẽ giỏi giữ tiền, đồng thời, gỏi đầu tư để tiền sinh lời. Tuy nhiên, đó là suy nghĩ có phần phiến diện, vì trên thực tế, không ít những trường hợp thu nhập tốt nhưng vẫn không tiết kiệm nổi vì chẳng biết quản lý chi tiêu. Và cũng chẳng thiếu những người đang sẵn tiền tỷ, nhưng cũng chẳng biết làm gì để "tiền đẻ ra tiền".
Cặp vợ chồng hiện đang sinh sống ở Hải Phòng này là một trường hợp như vậy.
"Em 30 tuổi, chồng em 34 tuổi. 1 tháng chồng em kiếm được 20 triệu, em kinh doanh nên trung bình mỗi tháng kiếm được 100 triệu. Vợ chồng em đang sống ở trung tâm thành phố Hải Phòng.
Hiện tại, bọn em có khoảng hơn 2 tỷ tiền mặt, đã có ô tô phục vụ việc đi lại, nhưng chưa có nhà, vẫn phải đi thuê nhà hết 10 triệu/tháng. Khoản 2 tỷ, em chỉ biết gửi ngân hàng. Các anh chị tư vấn giúp em xem nên làm sao để tiền nhân tiền cho hợp lý, an toàn ạ? Chứ thực sự em không biết thật.
Vợ chồng em chưa tính mua nhà vì muốn mua chung cư 6 tỷ, bây giờ thì chưa đủ tiền mà đi vay số thiếu sợ cũng hơi áp lực" - Cô vợ viết.
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người khuyên vợ chồng cô nên mang 2 tỷ tiền nhàn rỗi đi mua đất, hoặc mua nhà, nên ưu tiên mua nhà hơn vì dù sao vợ chồng cũng chưa có nhà. Thu nhập của 2 vợ chồng khá tốt, nên có phải vay tiền mua nhà, cũng không quá áp lực trong việc trả nợ.
"Mua chung cư trả góp đi chị ơi, thiếu tiền thì vay ngân hàng, đằng nào cũng đang tốn 10 triệu đi thuê nhà rồi. Thu nhập tốt vậy thì đi vay, cố 2-3 năm có khi trả được hết nợ mà lại có tài sản, chứ gửi tiết kiệm thì lãi suất chẳng đáng bao nhiêu nếu so với tốc độ tăng giá BĐS bây giờ".
"Nên vay ngân hàng để mua nhà luôn, chứ chờ đủ tiền mới mua nhà thì có khi lúc đó giá BĐS lại vọt lên gấp mấy lần số tiền mình có rồi".
"Ở Hải Phòng thì mình nghĩ bạn nên mua đất, hoặc mua căn chung cư nhỏ vừa tiền để cho thuê lại, vừa có nguồn thu nhập thêm, mà sau này được giá thì lại bán đi mua căn to hơn đúng ý mình".
Nếu bạn cũng đang có dự định tiết kiệm 1 số tiền nhất định mỗi tháng, và quyết tâm duy trì việc tiết kiệm này trong thời gian dài, dù vì bất kỳ mục đích nào, bạn có thể cân nhắc phân bổ tiền tiết kiệm theo phương án dưới đây, để vừa giúp tiền sinh lời, vừa hạn chế tối đa rủi ro mất tiền do không có kiến thức đầu tư: Một phần tiền dùng để mua vàng, một phần tiền dùng để gửi tiết kiệm.
Với những người chưa có kiến thức đầu tư, gửi tiết kiệm, mua vàng và giữ vàng trong dài hạn chính là 2 phương án gần như an toàn nhất.
"Khi nền kinh tế gặp bất ổn, khủng hoảng, nhiều người sẽ mua vàng để bảo toàn giá trị tài sản của mình. Nếu bạn có một khoản tiền và đang không biết làm gì với nó, bạn có thể mua vàng và quên nó đi, nghĩa là bạn giữ vàng qua nhiều đợt biến động thì tài sản của bạn vẫn còn nguyên, bảo toàn được giá trị.
Nhưng nếu bạn mua vàng với tư duy đợi giá vàng lên rồi đem bán, tôi cho rằng đây là suy nghĩ rất tai hại, vì không có thị trường nào bền vững đi lên mà không đi xuống, đặc biệt là giá vàng đã tăng quá cao dạo gần đây càng làm cho thị trường này rủi ro hơn với các khoản đầu cơ ngắn hạn" - Chuyên gia đầu tư Gerard Do từng nhận định và đưa ra lời khuyên với việc mua vàng tích sản.
Còn với việc gửi tiết kiệm, nếu duy trì việc gửi đều đặn hàng tháng và tái tục khoản tiết kiệm, kỳ quan lãi kép có thể giúp số tiền của bạn sinh lời đáng để, mà rủi ro mất tiền lại không quá lớn.
Nếu bạn chưa biết: Lãi kép ngân hàng, hay còn gọi là lãi suất kép, phát sinh khi khách hàng tái tục toàn bộ số tiền gốc và lãi nhận được sau một kỳ tiết kiệm.
Sau một kỳ hạn gửi tiết kiệm, khách hàng sẽ nhận được một khoản tiền lãi ngoài khoản tiền gốc. Nếu cộng số tiền lãi này vào số tiền gốc ban đầu để tiếp tục gửi tiết kiệm, tiền lãi của kỳ hạn tiếp theo được gọi là lãi kép. Chu kỳ này lặp lại càng nhiều thì số tiền lãi càng cao.
Ví dụ: Bạn gửi tiết kiệm 100 triệu đồng với lãi suất 6%/năm trong vòng 10 năm.
Theo công thức tính lãi kép, số tiền bạn nhận được sau 10 năm là: 100.000.000 x (1 + 6%)^10 = 179.084.770 (VND)
Trong khi đó, nếu tính theo phương pháp lãi đơn thì sau 10 năm tổng số tiền bạn nhận được là: (100.000.000 × 6% × 10) + 100.000.000 = 160.000.000 (VND)
Qua đó, có thể thấy, khi áp dụng lãi kép ngân hàng, khách hàng sẽ nhận được nhiều tiền lời hơn so với lãi đơn thông thường. Đặc biệt, thời gian gửi càng dài (chu kỳ gửi tiết kiệm càng lớn) thì tiền lợi nhuận mà bạn nhận được từ lãi kép sẽ càng cao.