Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính cá nhân, tâm sự của một cô vợ về kế hoạch tiêu Tết đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Tất cả các khoản tiền lương, tiền thưởng Tết và thu nhập từ công việc phụ của gia đình này là 190 triệu đồng. Đây là số tiền thực nhận sau khi đã trừ thuế thu nhập cá nhân. Với ngân sách như vậy, cô vợ dự định chi 90 triệu cho Tết sắp tới, cũng như để trang trải cuộc sống từ sau Tết cho đến khi nhận lương.
Với 100 triệu còn dư ra, cô băn khoăn về việc nên mua vàng tích sản, hay nên dùng để trả bớt phần tiền gốc của khoản nợ 300 triệu.
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ với mức thu nhập của vợ chồng cô, không chỉ có lương thưởng từ công việc chính, mà còn có cả thu nhập bên ngoài. Còn về việc nên dùng 100 triệu để mua vàng hay để trả nợ, cộng đồng mạng lại có những quan điểm khác nhau.
Việc gì cũng có ưu - nhược điểm, và chuyện thanh toán trước hạn khoản vay có lãi suất cũng không phải ngoại lệ.
Xét về mặt ưu điểm, việc thanh toán trước này có 1 lợi ích không nhỏ là thoát khỏi áp lực, gánh nặng tâm lý về việc nợ nần. Trả được hết khoản vay đồng nghĩa với việc không còn phải lo lắng về số tiền trả nợ mỗi tháng, hay việc lãi suất thả nổi sẽ tăng cao. Chất lượng tinh thần được cải thiện và từ đó, chất lượng cuộc sống cũng khá hơn nhiều, so với khi khoản nợ còn "treo trên đầu".
Tuy nhiên việc trả hết khoản nợ trước hạn cũng không hẳn là "bữa trưa miễn phí". Nếu bạn "vét sạch tiền" để mang đi trả nợ ngân hàng, điều này đồng nghĩa với việc bạn và gia đình hoàn toàn không có đồng nào trong quỹ dự phòng. Vậy lúc ốm đau hoặc thu nhập giảm, tệ hơn nữa là mất hoàn toàn nguồn thu, bạn sẽ xoay sở ra sao?
Bên cạnh đó, để trả nợ trước hạn, bạn sẽ phải mất một khoản phí phạt. Tùy vào quy định của từng ngân hàng, hoặc từng khoản vay, mà việc tất toán nợ trước hạn sẽ có mức phạt khác nhau, thường là 3-5% dư nợ tại thời điểm bạn tất toán khoản vay.
Chưa kể, mang hết tiền đi trả nợ cũng đồng nghĩa với việc bạn đang bỏ qua những cơ hội đầu tư để "tiền đẻ ra tiền". Nếu lãi suất vay thấp hơn tỷ suất sinh lời khi đầu tư, thì chẳng phải việc gom hết tiền trả nợ, cũng kèm theo một khoản lỗ hay sao?
Nếu thu nhập của bạn đang ổn định, chi phí sinh hoạt và ngân sách chi tiêu giữa các tháng không có sự chênh lệch quá lớn, đồng thời, bạn cũng đã có một khoản tiền dự phòng đủ để trang trải và duy trì cuộc sống trong 6-12 tháng, quyết định tất toán khoản vay lúc này có thể xem là hợp lý. Vì chi phí sống nói chung đã được kiểm soát (nên mới không có sự chênh lệch quá lớn giữa các tháng) và nếu không may gặp biến cố tài chính, bạn cũng đã có khoản dự phòng để trang trải.
Mặt khác, nếu thu nhập của bạn không ổn định, tiền tiêu tháng này có thể thấp nhưng tới tháng sau lại tăng gấp 3, và cũng chẳng có khoản dự phòng nào, quyết định tất toán khoản vay trước hạn lại trở nên rất phi lý. Trong hoàn cảnh này, việc cần ưu tiên không phải là trả hết nợ mà chính là kiểm soát chi tiêu, đồng thời xây dựng quỹ dự phòng.
Nền tảng - mục tiêu tài chính và khẩu vị rủi ro của mỗi người là khác nhau, vì vậy việc đưa ra quyết định có nên tất toán khoản vay trước hạn hay không cần dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, như thu nhập, chi phí sống, quỹ tiết kiệm, quỹ khẩn cấp, lãi suất thế chấp, các cơ hội đầu tư khác,...