Trung Quốc vốn nổi tiếng là một quốc gia có nền ẩm thực cực kỳ đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, trong số này có những món ăn thực sự là một thử thách đối với khách du lịch, điển hình là món "đậu phụ thối".
Đúng như tên gọi, "đậu phụ thối" rất... thối, có mùi giống bắp cải hoặc phân bón thối rữa. Nhưng tại sao đậu phụ "thối" rồi mà vẫn ăn được? Liệu rằng bên trong đó có độc gì không? Hãy cùng thử tìm hiểu xem.
Đậu phụ đã "thối" như thế nào?
Nguồn gốc của món đậu phụ thối có khá nhiều dị bản. Tuy nhiên, câu chuyện phổ biến nhất là món ăn này do một chàng thư sinh nghèo tên Vương Trí Hòa từ thời vua Khang Hy tìm ra.
Do thi trượt khoa cử, Vương Trí Hòa phải ở lại kinh thành bán đậu phụ kiếm sống qua ngày. Do đậu phụ ế nhiều, anh đành cắt nhỏ và bỏ vào một cái chum ướp muối.
Đậu phụ thối là đậu phụ thường lên men rất nặng mùi
Tuy nhiên vài ngày sau, chỗ đậu phụ đó đã chuyển thành màu xanh lục và có mùi vô cùng "khó ngửi". Nhưng khi ăn thử, món ăn đó ngon kinh ngạc, và kể từ đó món đậu phụ thối lan truyền rộng rãi. Thậm chí đến vua Khang Hy cũng phải mê mẩn, hạ lệnh đưa vào thực đơn của cung đình.
Qua tiểu sử, chúng ta có thể thấy được thực chất đậu phụ thối là gì? Đó chính là đậu phụ thông thường được lên men rất mạnh trong thời gian dài.
Đậu phụ thối có độc không?
Câu trả lời là không. Dù có một thứ mùi đầy thách thức, nhưng đậu phụ thối không những không độc mà còn có giá trị dinh dưỡng rất cao.
Món ăn rất được ưa chuộng tại Trung Quốc
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, món ăn này có hàm lượng vitamin B2 và B12 rất cao, giúp phòng tránh bệnh mất trí nhớ ở người già.
Ngoài ra, hàm lượng protein trong đậu phụ thối khá cao, chiếm khoảng 15-20%, tương đương với nhiều loại thịt.
Thực phẩm này còn chứa lượng canxi phong phú. Chưa kể, các chất protein trong đậu phụ thối sau khi lên men chuyển hóa thành các loại axit amin, có tác dụng tăng cảm giác thèm ăn, hỗ trợ tiêu hóa.
Ngoài ra, đậu phụ thối còn có tác dụng chữa bệnh. Theo sách Đông Y cổ, đậu phụ thối mang tính hàn nhưng ích khí, có tác dụng điều hòa tỳ vị, giảm chướng bụng đầy hơi, thanh nhiệt tán huyết, giúp thải độc cho đại tràng.
Tuy nhiên, cái gì ăn nhiều cũng không tốt. Trong quá trình lên men, đậu phụ thối sẽ sản sinh ra các amin như methylamine, putrescine, serotonin. Các chất này giúp cho món ăn có mùi rất đặc biệt nhưng không hoàn toàn có lợi cho sức khỏe.
Thêm nữa, do tính chất lên men nặng nên quá trình chế biến đậu phụ thối dễ bị vi khuẩn xâm nhập, dễ gây ngộ độc thực phẩm.
Nguồn: Tổng hợp, Reuters