Sân khấu Super Bowl Halftime Show 2025 của Kendrick Lamar
Kendrick Lamar đã giữ lời hứa với khán giả của mình khi mang đến cho sân khấu Halftime Show những câu chuyện.
Chỉ với 13 phút, Kendrick đã để lại một màn trình diễn đi vào lịch sử khi chơi đùa với những giới hạn của sự nhạy cảm trong một chương trình giải trí dành cho đại chúng, thách thức trí óc của khán giả khi khiến họ liên tục phải tìm tòi những ẩn ý được cài cắm khắp các khung hình, và sử dụng nghệ thuật của mình để không chỉ tạo nên sự phấn khích, mà còn để đưa ra những thông điệp mang tính xã hội cho khán giả nghiền ngẫm đến rất nhiều ngày sau.
Màn trình diễn ở Super Bowl - đúng như câu rap mà Kendrick thêm vào trong Not Like Us - “Điều này lớn hơn cả âm nhạc”. Kendrick đã không dùng màn trình diễn đó để phô diễn catalog dày đặc những siêu hit của mình như những siêu sao khác đã đặt chân lên sân khấu này. Cũng không dùng nó chỉ để đâm cho kẻ thù Drake một nhát chí mạng cuối cùng, thắt nơ và đặt lên chiếc bánh thành tích của Not Like Us một trái cherry. Càng không dùng nó chỉ để tập trung quảng bá cho GNX - album mới nhất đi cùng với một tour diễn đã được thông báo vào năm nay. Anh dành 13 phút đó để châm biếm nước Mỹ ngay giữa chương trình thể thao lớn nhất của nước Mỹ, kể câu chuyện đầy phức tạp về cuộc sống của người da đen, về sự xây dựng, kháng cự và đấu tranh của họ trong suốt chiều dài lịch sử. Đó là tầm vóc màn trình diễn của chủ nhân giải Putlizer đã mang đến cho hơn 133 triệu khán giả khắp thế giới đang dõi theo 13 phút của mình.
Kendrick đã không làm nó cho bản thân, mà làm nó cho cả nền văn hóa.
Trong suốt nhiều năm kể từ khi nổi tiếng, Kendrick luôn đảm bảo rằng mọi sân khấu anh có mặt đều là sự bùng nổ cả về thị giác, cảm xúc lẫn chiều sâu ý nghĩa của nghệ thuật trình diễn. Năm 2015 tại lễ trao giải Grammy, để trình diễn 2 bản hit The Blacker the Berry và Alright, Kendrick đã đưa lên sân khấu một… nhà lao, khi cùng các dancer mặc những bộ quần áo của tù nhân, lê từng bước với xiềng xích cuốn chặt chân lẫn cổ tay, và đẩy lên cao trào với một đám lửa cháy phừng phừng phía sau lưng.
Năm 2022, cũng tại Super Bowl - nhưng là màn trình diễn với các huyền thoại hiphop khác, chỉ với hơn 1 phút, Kendrick xuất hiện trong bộ suit đen cùng các dancer và mang đến một màn trình diễn đầy sức mạnh với m.A.A.d City/ Alright. Trong khuôn khổ tour diễn Mr.Morale & The Big Stepper, Kendrick đặt cạnh mình một con rối và để nó đại diện mỗi lúc nhân cách Mr.Morale (quý ngài đạo đức - nội tâm của lẽ phải trong anh) cần lên tiếng. Ở tour diễn này, anh thậm chí còn mang lên sân khấu một cái hộp mờ khổng lồ với các diễn viên mặc đồ bảo hộ đứng ở các góc - tái hiện lại một buồng test Covid và đặt những câu hỏi đầy hiện sinh về cuộc sống thời hậu đại dịch.
Đó chỉ là vài ví dụ trong gia tài giàu có của những màn trình diễn tiệm cận với các tác phẩm nghệ thuật mà Kendrick đã tạo ra, và đó cũng là lý do khiến khán giả đặt một kỳ vọng rất lớn vào sân khấu Super Bowl của Kendrick. Khán giả trung lập sẽ ngờ vực bởi sự hàn lâm và quan điểm sâu sắc của Kendrick sẽ xa rời tính giải trí đại chúng vốn là cốt lõi của Halftime Show. Cộng đồng fan lại ôm mối lo rằng để vừa vặn với những yêu cầu của chương trình mang tính quốc gia, Kendrick sẽ phải thỏa hiệp với nghệ thuật và tiếng nói của mình, hạ cái tôi xuống và tìm cách để vừa vặn. Dù sự ngờ vực đến từ hai thái cực khác nhau, nhưng tất cả đều đi đến một giao điểm là sự kỳ vọng về một màn trình diễn - nôm na là đầy khói lửa, hiệu ứng, biểu tượng và cả những cảm xúc được đẩy đến tận cùng.
Dù vậy, những gì Kendrick mang đến cho Super Bowl có thể khiến cho một lượng lớn fan của chính anh… chưng hửng ngay từ lần xem đầu tiên, chưa nói đến những khán giả trung lập. Đặc biệt là với những người ở ngoài nước Mỹ và không hiểu nhiều về bối cảnh xã hội của họ. 13 phút trôi qua với những bài hát được sắp xếp tưởng như khá rời rạc, chắp nối với nhau đơn giản và thậm chí có phần hơi off khi anh cùng với SZA trình diễn hai bản Rn’B là luther và All The Stars, đi cùng đó là phần dẫn truyện của Samuel L.Jackson. Là một "quạt cứng" của Kendrick trong suốt hơn 10 năm nay, tôi đã lải nhải về buổi diễn này trước đó cả tháng và kỳ vọng ở nó tất cả những thứ khói lửa và điên rồ nhất mà một sân khấu có thể tải được. Dù vẫn thỏa mãn phần nào vì đây là một màn trình diễn hay, nhưng cảm giác hụt hẫng ở lần xem đầu tiên là không thể tránh khỏi, bởi tôi biết rằng mọi thứ còn có thể cháy hơn nữa.
Nhưng chúng ta đang nói về Kendrick Lamar, người vừa nhận 5 giải Grammy cho một bản diss track, nghệ sĩ hip-hop duy nhất nhận được giải Pulitzer, và một trong những rapper có lượt người nghe lớn nhất thế giới. Với hàng loạt bản hit cán mốc tỉ views trải dài khắp sự nghiệp, kỹ thuật điêu luyện và năng lượng trình diễn luôn sôi sục là thứ mà Kendrick chỉ cần lên sân khấu và diễn ngẫu nhiên 5 hits cũng đủ khiến khán giả phát cuồng. Hãy nhớ, trong lần xuất hiện trình diễn gần đây nhất tại buổi The Pop Out ở sân nhà LA, Kendrick diễn live liền tù tì một tiếng trên sân khấu trống trơn nhưng vẫn khiến cả thế giới phát điên khi “giã” Not Like Us đến 5 lần như một khúc khải hoàn vẻ vang sau trận đại chiến với Drake.
Điều này có nghĩa là, Kendrick thừa sức là được điều mà khán giả kỳ vọng ở mình, thậm chí hơn thế. Nhưng anh lựa chọn làm việc này cho tất cả cộng đồng người da đen và nền văn hoá hip-hop. Đây là một màn trình diễn không phải chỉ để gây choáng ngợp trong lần xem đầu tiên và cảm thấy hài lòng vì những gì được bày sẵn. Mọi thứ diễn ra trên sân khấu là vì Kendrick cùng ekip của mình muốn thế và có nhiều hơn thế đang chờ khán giả phải đào sâu vào nó, nghiền ngẫm thật kỹ nó. Sân khấu mô phỏng các nút bấm trong PlayStation đại diện cho trò chơi của Kendrick, và trong khi Uncle Sam gào thét yêu cầu Kendrick phải chơi trò chơi vĩ đại của người Mỹ để làm hài lòng số đông khán giả, đòi hỏi âm nhạc phải dịu lại, phải mềm mại hơn vì khán giả thích thế, thì anh chỉ đơn giản là phớt lờ và tiếp tục chơi trò chơi của mình. Anh có thể đẩy nhịp độ nhanh, chậm, căng thẳng, nhẹ nhàng, trêu đùa với cảm xúc của khán giả đến 3-4 lần về sự xuất hiện của Not Like Us trong màn trình diễn. Thậm chí đến cuối set diễn, Kendrick chọn bản TV off như một lời nhắn gửi khán giả hãy tắt TV và ngừng tiêu thụ thụ động các sản phẩm truyền thông như những con rối. Kendrick không thỏa hiệp để làm hài lòng số đông. Anh kể câu chuyện mình muốn, theo cách mình muốn, ở chính giữa sân khấu đòi hỏi anh phải trở nên an toàn và hòa nhập, và khiến hàng trăm triệu khán giả vò đầu bứt tóc để suy luận từng chi tiết anh rải trong phần trình diễn đó.
Sự xuất hiện của Not Like Us trong set diễn lần này cũng là một sự bất ngờ với nhiều khán giả. Not Like Us đã trở thành siêu hit của Kendrick trong năm 2025, một bản hùng ca mới của thế hệ này, một diss track nhưng đã vượt ra khỏi ranh giới của việc hạ bệ một cá nhân, mà còn trở thành một biểu tượng mới về tinh thần hip-hop. Dù vậy, việc đưa một bài diss với những câu từ gọi thẳng tên Drake, đi kèm với đó là những cáo buộc nhạy cảm và rất nhiều từ ngữ không phù hợp với tính chất sự kiện của Super Bowl - là điều khiến khán giả e ngại. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng sẽ là nhỏ nhen nếu Kendrick tiếp tục chọn Not Like Us cho buổi trình diễn này. Đó là chưa kể, không phải ai cũng biết tường tận những câu chuyện dẫn đến bản hit này. Nhưng không một bài hát nào được lựa chọn nếu nó không mang một ý nghĩa nhất định cho nội dung câu chuyện mà Kendrick muốn truyền đạt.
Trong một phần trình diễn mà Kendrick muốn đề cao tinh thần phản kháng, sự tự do biểu đạt của người nghệ sĩ và hơn hết là làm sống lại tính nguyên bản của hip-hop, thì việc trình diễn Not Like Us là một lựa chọn không thể bàn cãi. Not Like Us là bài hát đã đoàn kết toàn bộ cộng đồng trong năm 2024, bài hát vạch mặt kẻ ngoài lề vay mượn văn hóa hip-hop và nhân danh nó để làm những chuyện xấu xa, bài hát bị cho rằng không nên được trình diễn trên một sân khấu mang tính đại chúng. Một bài hát đại diện cho nền văn hóa hip-hop hiện đại, và nó xứng đáng phải được xuất hiện để cùng Kendrick định nghĩa lại hình ảnh của hip-hop trong mắt toàn thế giới.
Kendrick đã phá vỡ luật chơi của Super Bowl, tạo nên một tiêu chuẩn mới cho phần trình diễn Halftime này và khiến tất cả những nghệ sĩ trong tương lai sẽ phải xem lại cách mình có thể làm gì với 15 phút ngắn ngủi đó. Trong suốt phần trình diễn, khán giả có thể thấy không ít những khoảnh khắc mà Kendrick và ekip đã tính toán kỹ lưỡng sẽ khiến chúng viral ngay khi chương trình lên sóng. Từ nụ cười đắc chí như của một đàn anh hất hàm hỏi đứa em: “Say Drake, I’ve heard you like ‘em young”, cho đến sự xuất hiện của nữ hoàng quần vợt Serena Williams tái hiện lại điệu nhảy C-Walk đã từng khiến cô suýt mất đi sự nghiệp sau khi thể hiện nó tại Olympic. (C-Walk là điệu nhảy đặc trưng của các thành viên băng đảng lớn nhất nhì nước Mỹ - Crip), hay lá cờ Mỹ được tạo thành từ những vũ công da đen mặc đồ trắng, xanh và đỏ.
Kendrick pha trộn tài tình những yếu tố giải trí với góc nhìn chính luận, đưa ra quan điểm bằng âm nhạc nhưng không cần phải thốt lên một từ phản kháng, tất cả tạo thành những chi tiết đắt giá cho cả màn trình diễn để người xem phải nhắc mãi về sau.
Sẽ có rất nhiều video giải mã chi tiết từng quả trứng Phục sinh mà Kendrick kỳ công đặt vào trong suốt hơn 13 phút của set diễn, bạn có thể tìm được rất nhiều video như vậy ở bất cứ đâu trên Internet. Thậm chí, đến tận hôm nay, người ta vẫn phải thừa nhận rằng cứ mỗi lần xem lại set diễn đó, họ lại có những cảm xúc mới hay nhận ra những tầng lớp ý nghĩa mới được đan cài khéo léo từ đầu đến cuối. Đó chính là Kendrick, người có thể cất tiếng nói để kể về những nỗi đau của cả một cộng đồng, người có chiều sâu về nội tâm để ý thức về gánh nặng của kẻ được chọn mà mình mang trên vai, đồng thời luôn giữ bản thân mình không xa rời hiện thực và con người cốt lõi.
Một thiên tài âm nhạc, một nhà xã luận bằng ngôn ngữ nhạc rap, nhưng cũng đủ thức thời để chủ động tạo ra những khoảnh khắc sẽ còn sống mãi nhờ vào sự hài hước của Internet. Đây cũng là điều mà Kendrick đã và vẫn luôn làm. Sáng tạo với nghệ thuật của mình và thôi thúc khán giả phải suy nghĩ nhiều hơn về những gì anh muốn nói. Một nghệ sĩ với các tác phẩm để tranh luận và mở ra những góc nhìn rộng hơn, sâu xa hơn và nhân văn hơn về con người và xã hội.
Có lẽ, đó sẽ là điều khiến Kendrick - đúng như những gì anh đã rap trong Man at the garden - “xứng đáng với tất cả mọi thứ”.