"Johnny English 3": Không phải điệp viên, mà là Mr. Bean tái xuất

Ngọc King, Theo Trí Thức Trẻ 13:40 19/09/2018

Phần 3 của loạt phim về điệp viên Không Không Thấy Johnny English khiến người ta tưởng mình xem nhầm phim Mr. Bean vì các tình tiết gây cười quá lố và có phần ngớ ngẩn.

Nếu có câu gì tóm tắt được Johnny English Strikes Again (Johhny English Tái Xuất) thì đó là "Khi Mr. Bean làm điệp viên". Nếu như hai phần phim trước về Johnny English của Rowan Atkinson còn giới hạn những trò hề của điệp viên này ở mức chấp nhận được thì phần 3 đã đẩy chúng lên một tiêu chuẩn ngớ ngẩn mới. Tóm lại thì bạn có thể thích nó đấy, nếu như bạn hâm mộ Mr. Bean.

Trailer "Johnny English Strikes Again"s

Một tập phim Mr. Bean trá hình

Johnny English 3: Không phải điệp viên, mà là Mr. Bean tái xuất - Ảnh 2.

Johnny English trở lại và ăn hại hơn.

Trong phần 3 này, điệp viên tài năng Không Không Thấy của Anh quốc được Thủ tướng Anh gọi về vì một cuộc tấn công mạng nhắm vào tổ quốc. Chẳng ngờ là phong cách hành động cổ lỗ sĩ và dựa vào tay chân của Johnny lại là "khắc tinh" của đối thủ vốn phụ thuộc vào công nghệ. Giúp sức cho Johnny là trợ lý Angus Bough (Ben Miller) người thực hiện tới 90% công việc. Cùng với số kỹ năng ít ỏi của mình, Johnny English đã xoay xở để đối đầu với người phụ nữ bí ẩn Ophelia (Olga Kurylenko). Tóm lại, đây là một phim khuyến khích các bạn dừng mua điện thoại thông minh, bỏ internet và quay về những giá trị thủ công dù bạn là điệp viên tài ba đi chăng nữa.

Johnny English 3: Không phải điệp viên, mà là Mr. Bean tái xuất - Ảnh 3.

Châm ngôn hành động: Luôn bất cẩn trong mọi tình huống.

Thành thật mà nói, nếu bạn từng là fan cứng của Mr. Bean thì có lẽ bạn cũng sẽ thích Johhny English 3. Ở đó là tập hợp những trò mèo vừa ngây ngô lại vô lý, khiến nhân vật của Rowman Atkinson đúng như phản diện của phim nói "là một thằng ngu người Anh" vậy. Ông ta bất tài, mù quáng, cố chấp, yếu ớt và lạc hậu, thế nhưng thần may mắn luôn ở cạnh trong những tình huống nguy cấp. Rowan Atkinson dường như đang mắc kẹt với việc lặp lại chính mình trên màn ảnh, đến phần Johnny English thứ 3 này thì khán giả lại càng thấy rõ hơn.

Johnny English 3: Không phải điệp viên, mà là Mr. Bean tái xuất - Ảnh 4.

Siêu năng lực: May mắn trong những tình huống nguy cấp.

Johnny English 3: Không phải điệp viên, mà là Mr. Bean tái xuất - Ảnh 5.

Còn những dịp khác thì...

Những chi tiết như đánh người trên phố, đốt cả nhà hàng, "chơi thuốc" bay lắc tới nguyên đêm hoặc cấp phép phóng đầu đạn hạt nhân đã vượt qua giới hạn hài hước tới mức "sai sai". Chúng hài hước không? Có, nhất là đoạn thử thực tế ảo VR để làm loạn đường phố London. Thế nhưng ở Johnny English Strikes Again, sự buồn cười hầu hết đến từ những hành động có phần ngớ ngẩn đến đáng thương của Rowan Atkinson. Khán giả có cảm giác như đang xem một tập Mr. Bean chơi trò điệp viên vậy.

Johnny English 3: Không phải điệp viên, mà là Mr. Bean tái xuất - Ảnh 6.

Uồng nhầm một viên thuốc, cơn say theo cả đêm.

Dàn nhân vật phụ mờ nhạt

Johnny English 3: Không phải điệp viên, mà là Mr. Bean tái xuất - Ảnh 7.

Diễn tốt trong phim không phải là kép chính, mà là trợ tá tội nghiệp do Ben Miller thủ vai.

Ngoại trừ Ben Miller - người ngoài đời là một danh hài thì các nhân vật phụ của Johnny English 3 đều khá nhạt nhòa trong vai trò giúp đỡ Rowan Atkinson cho bớt "đờ đẫn đần đụt" hơn. Nhân vật Bough của Ben Miller trong suốt phim đã khiến người xem phải cười bò với gương mặt đơ và số phận tội nghiệp làm trợ tá cho Johnny English. Trong khi đó, người đẹp Olga Kurylenko làm tốt vai trò bình hoa di động chỉ biết ăn mặc đẹp và chĩa súng vào người khác.

Johnny English 3: Không phải điệp viên, mà là Mr. Bean tái xuất - Ảnh 8.

Chị rất đẹp và chỉ thế thôi.

Phản diện của phim thì không còn gì để nói. Nhân vật Thủ tướng của Emma Thompson đóng thì ngốc ngang ngửa với bà giám đốc hàng xóm MI6 do Gillian Anderson thủ vai trong The Spy Who Dumped Me. Người ta không chỉ phí phạm tài năng của Emma Thompson, người ta thậm chí còn mời Charles Dance và Michael Gambon cho những vai khách mời không thể nhạt hơn.

Johnny English 3: Không phải điệp viên, mà là Mr. Bean tái xuất - Ảnh 9.

Chủ nghĩa bảo thủ từ trước tới nay luôn là đề tài điện ảnh Anh quốc khai thác để tự châm chọc. Ở đó họ cười nhạo vào sự hồ hởi cởi mở của người Mỹ và mô tả những tín đồ công nghệ phía bên kia đại dương là lũ phản diện thích thống trị thế giới. Ngay cả những điệp viên của Anh quốc dù có trong tay những đồ chơi công nghệ hiện đại nhưng vẫn giữ lấy sự cổ điển trong trang phục hoặc cách chiến đấu (Kingsman, The Man From U.N.C.L.E...). Những chi tiết khác như phụ nữ làm việc trong quân đội thì phải già cỗi và nghiêm túc, điệp viên Nga thì là người tốt... phản ánh cái nhìn cũ kỹ của ekip làm phim đối với màn ảnh hiện đại. Có vẻ như biên kịch William Davies cần phải cẩn thận hơn với chủ nghĩa bảo thủ (conservatism) mà mình đưa lên màn ảnh. Vui thôi đừng vui quá, bởi nếu cứ với cái đà này thì hy vọng chú English chỉ nên tái xuất nốt lần này nữa thôi.

Johnny English Strikes Again (Johnny English Tái Xuất) được chiếu tại các rạp trên toàn quốc kể từ ngày 21/9/2018.