Mới đây, thông tin về việc chung cư PARC Spring ở TP.HCM bốc cháy khiến nhiều cư dân hoảng loạn bỏ chạy lại càng làm dấy lên nhiều lo ngại về an toàn nhà ở. Ngay sau đó, thông qua quá trình điều tra, nguyên nhân vụ cháy được xác nhận là do một cục sạc dự phòng cho điện thoại.
Cụ thể, nhiều ngày liên tục trôi qua mà cục sạc này bị bỏ quên, cắm điện liên tục dẫn đến quá nóng rồi phát hỏa. Ngọn lửa bùng phát rồi nhanh chóng bén lan vào chồng sách, máy tính và tấm nệm gây ra vụ cháy kinh hoàng khiến nhiều tài sản trong phòng bị thiêu rụi.
Cư dân đổ xô xuống đường lánh nạn và thoát thân.
Vậy làm sao để luôn đảm bảo bản thân mình và người thân không bị rơi vào tình huống nguy hiểm tương tự, nhất là liên quan đến những phụ kiện sạc dự phòng? Mau học thuộc lòng 5 điều cần nhớ sau để khắc phục dứt điểm những sai sót của mình.
Đây là yếu tố tiên quyết cần phải nhớ khi quyết định rước về một sản phẩm sạc dự phòng cho mình. Tiện nhất là bạn có thể mua smartphone kèm sạc dự phòng cùng hãng được khuyến nghị cùng. Còn nếu không thì ít nhất hãy tìm đến các cơ sở phụ kiện di động uy tín để tìm mua sản phẩm thực sự tốt, không lo dính phải hàng trôi nổi, kém chất lượng, bị làm giả, nhái với nhiều thành phần bị "rút lõi", chỉ là cát với bụi bên trong.
Chất lượng và diện mạo dây cáp nối cũng là một vấn đề đáng lưu tâm.
Không phải chỉ có những nguồn pin của sạc hay smartphone mới là yếu tố trực tiếp gây rủi ro, mà ngay cả dây cáp nối cũng vậy. Chỉ cần một vết hở nhỏ thôi, hoặc độ bền dây bị giảm đáng kể gây ra gãy gập cũng có thể dẫn đến tình trạng chập điện khi có xung đột không thể lường trước. Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu đáng ngờ nào, nhất là ở những điểm tiếp nối và hay bị gập, hãy tạm thời dán băng dính đen thật kín, nhưng vẫn phải đi tìm mua một phụ kiện thay thế ngay nhé.
Hầu hết các nguồn pin dự phòng, hay như pin của smartphone cũng thế, đều cấu tạo từ chất liệu Lithium-ion. Uu điểm của pin Lithium-ion là rất nhỏ gọn và chứa được nhiều điện tích, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng không khác gì một quả bom tí hon cả. Do vậy, không lý lẽ gì chúng ta lại gây ức chế, "chọc giận" quả bom này bằng những môi trường không phù hợp để càng khiến rước họa vào thân.
Những điều kiện như nhiệt độ quá nóng cũng có thể tăng rủi ro phản ứng phát nổ của pin, hoặc quá ẩm ướt sẽ khiến hơi ẩm len lỏi vào mạch điện bên trong gây chập mạch, hỏng hóc - và ai biết còn gì sẽ xảy ra tiếp theo nữa.
Môi trường văn phòng thoáng khí, mát mẻ sẽ là lý tưởng cho các thiết bị sạc pin.
Tại sao khía cạnh này lại không được xếp chung vào phần liên quan đến môi trường phía trên? Đơn giản thôi, vì đây là tác động nhân tạo đến từ con người là chính. Những va đập vật lý như rơi va xuống đất, hoặc chỉ cần trẻ con hiếu động nghịch ngợm quăng quật thôi cũng đã đủ để tăng tỷ lệ giảm sút và ảnh hưởng đến chất lượng pin sạc. Nguy hiểm nhất là khi có vật nặng, nhọn đập vào hoặc chọc thủng đến lớp vỏ pin trần, sẽ rất dễ gây ra một vụ cháy nổ vì phản ứng vật lý của pin lithium-ion với tác dụng lực trực tiếp như vậy.
Ai cũng biết smartphone và laptop nay đã có tính năng tự ngắt khi sạc đầy, nhưng những cục sạc dự phòng thì không hẳn là như vậy, kể cả khi chúng dùng chung cấu tạo pin Lithium-ion đi chăng nữa. Để sạc tiếp xúc với nguồn điện quá lâu dài sẽ khiến dòng điện truyền tải liên tục, nếu chưa tính đến tác hại về chất lượng pin thì ít nhất nó cũng sẽ khiến nhiệt năng tích lũy tăng dần. Và chính nhiệt độ - như đã đề cập - là một yếu tố "chí mạng" đối với các nguồn pin tích điện nói chung và sạc dự phòng nói riêng, đủ sức để gây nên những thảm họa như tòa chung cư vừa rồi.
(Tổng hợp)