Chủ đề xác sống hẳn không hề mới với khán giả đại chúng khi năm nào cũng ra mắt vài phim. Bên cạnh những tác phẩm bom tấn tới từ Hollywood, các quốc gia khác thường chọn cách tiếp cận mới lạ hay thậm chí là hài hước như Train to Busan (2016) của Hàn Quốc, One Cut of the Dead (2018) của Nhật hay The Night Eats the World (2018) của Pháp. Năm nay, người Đức đã tham gia cuộc đua với Endzeit - Ever After (Đại Dịch Thây Ma) để nói lên những ý nghĩa về nhân sinh trong cuộc sống.
Trailer "Đại Dịch Thây Ma"
Nội dung của Đại Dịch Thây Ma khá đơn giản khi lấy bối cảnh 2 năm sau khi dịch bệnh xác sống bùng phát. Lúc này, tại nước Đức chỉ còn hai thành phố trụ vững là Weimar và Jena. Tuy nhiên, cuộc sống tại Weimar lại khắc nghiệt và khốn khổ đến mức 2 cô gái Eva (Maja Lehrer) và Vivi (Gro Swantje Kohlhof) quyết định bỏ đi đến Jena.
Trên suốt chuyến hành trình, họ băng qua những vùng đất hoang vu nay bị thống trị bởi những con xác sống khát máu. Không chỉ luôn phải tìm cách sinh tồn, cả hai còn phải đối diện với những ám ảnh trong quá khứ cũng như câu hỏi về tương lai.
Ám ảnh đến từ mặc cảm tội lỗi
Hành trình của Eva và Vivi không hẳn chỉ để sinh tồn.
Có thể nói, Đại Dịch Thây Ma không phải là một bộ phim về xác sống đúng nghĩa mà chỉ mượn bối cảnh hậu tận thế để nói lên các ý nghĩa khác. Do đó mà xuyên suốt bộ phim, khán giả sẽ ít được chứng kiến những màn rượt đuổi kịch tính hay cắn xé đẫm máu. Hành trình sinh tồn của Eva và Vivi cũng không quá khó khăn khi vùng đất họ đi qua gần như vắng bóng các sinh vật khát máu kia.
Thay vào đó, thứ gây ám ảnh chính là những cơn ác mộng của họ sau thời gian dài trốn chạy cái chết kinh hoàng hay những mặc cảm trong quá khứ. Như một câu thoại rất hay của Vivi rằng: "Chỉ những kẻ khốn nạn mới sống sót", cả hai người đều từng làm những chuyện tồi tệ chỉ để tiếp tục được thở.
Cô nữ sinh trẻ tuổi Vivi đã từng bỏ lại đứa em gái bé nhỏ chỉ để tự cứu lấy bản thân mình. Trong khi đó, Eva là người từng đóng sập cánh cửa thay vì cố gắng cứu được nhiều người hơn chỉ vì sợ hãi. Nghe có vẻ "khốn nạn" thật nhưng bỏ rơi người khác chính là lí do giúp họ sinh tồn.
Bối cảnh hoang vu là một điểm cộng cho phim.
Những ai từng xem qua các bộ phim hậu tận thế hay xác sống tương tự đều nhận ngay ra rằng việc có lòng tốt cứu người thường chỉ dẫn đến hậu quả thê thảm. Có lẽ, bất kì ai cũng một lần buộc miệng la mắng nhân vật trong phim quá ngu ngốc khi không tự cứu lấy mình. Nhưng liệu khi vào trường hợp tương tự, mấy người trong số chúng ta dám làm hành động máu lạnh trên? Và bao nhiêu người sẽ không bị nó ám ảnh suốt một khoảng thời gian dài?
Những hình ảnh nửa thực nửa mê, đan xen giữa kí ức như ta đang sống và hiện tại của hai cô gái trẻ cho khán giả cái nhìn chân thật về sự nghiệt ngã của tận thế. Nó không đơn thuần là cuộc chiến tranh giành lãnh thổ như The Walking Dead. Khi đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, khi mọi luật lệ đều bị phá vỡ, con người thật đáng sợ biết bao!
Xác sống tuy ít xuất hiện nhưng khá ghê rợn và có ý nghĩa nhất định.
Sự ghê rợn của Đại Dịch Thây Ma ít nhiều còn đến từ bối cảnh rừng núi hoang vu không một tiếng động. Giữa bốn bề thiên nhiên rộng lớn, những bầy xác sống có thể xuất hiện bất kì lúc nào. Giấc ngủ an yên trở thành nỗi sợ lớn nhất khi biết đâu sớm mai thức dậy, ta thấy mình lạc giữa những hàm răng sắc nhọn?
Giống với A Quiet Place cách đây ít lâu, sự yên lặng và tĩnh mịch trở thành nỗi sợ lớn nhất trong phim. Xác sống xuất hiện tuy không nhiều nhưng cũng đủ sức hù dọa bởi tạo hình gớm ghiếc cùng tốc độ kinh hoàng của chúng.
Ý nghĩa về môi trường và cuộc sống
Phim là bài học cảnh tỉnh về môi trường và ý nghĩa cuộc sống.
Nếu chỉ xem Đại Dịch Thây Ma là một bộ phim xác sống bình thường, hẳn các khán giả sẽ không ít lần tự hỏi chuyện quái gì đang xảy ra trên màn ảnh rộng. Vốn dĩ hành trình của họ ban đầu là để sống sót nhưng tới cuối cùng, mỗi người lại có một mục đích riêng. Mỗi hành động của họ, mỗi nhân vật xuất hiện trên đường đi đều nhằm nói lên một ý nghĩa nhất định.
Thậm chí, mỗi lần cả hai đối mặt với xác sống đều đánh dấu sự thay đổi trong nét tính cách của họ. Bộ phim không theo các mô típ hay quy tắc sống sót thông thường mà Zombieland (2009) đã liệt kê rất chi tiết. Thay vào đó, nó là những hình ảnh ẩn dụ về thiên nhiên và sự tồn tại của con người. Rốt cuộc thì, chúng ta sống vì cái gì nếu như không có gia đình cũng chẳng còn tương lai? Kéo dài sự tồn tại để làm gì khi ngày tận thế đến?
Mỗi nhân vật xuất hiện đều mang một hàm ý nào đó.
Là một trong số ít phim nói lên nguồn gốc của xác sống, Đại Dịch Thây Ma cho rằng chính con người mới là loại virus gây hại lên trái đất này. Chúng ta tàn phá Trái đất bằng sự tham lam, cuồng nộ, hờn ghét của bản thân mà không nghĩ đến hậu quả. Căn bệnh xác sống chỉ là một tờ giấy đòi lại nhà của "Đất Mẹ" mà thôi.
Cho đến cuối cùng, chính những cây cỏ vô tri vô giác kia mới là chủ nhân thật sự của tinh cầu xanh. Và liệu những sinh vật khác máu có phải là một bước tiến hóa mới để sinh ra một chủng tộc không còn chiến tranh hay những tính xấu mà ta thường thấy hàng ngày? Câu trả lời chẳng ai biết được nhưng bộ phim cũng đã gióng lên hồi chuông rằng nếu cứ tiếp tục tàn phá môi trường, con người sớm muộn gì cũng sẽ biến mất, bằng cách này hay cách khác mà thôi.
Nhìn chung, Đại Dịch Thây Ma có thể không phù hợp với những khán giả yêu thích dòng phim xác sống kinh dị, kịch tính và đẫm máu. Tuy nhiên, phim là một làn gió mới đến từ nước Đức với nhiều ý nghĩa đặc biệt cho những ai muốn suy ngẫm về giá trị của sự sống.