Hơn 88,3 triệu người mắc COVID-19 trên toàn cầu, WHO kêu gọi tăng cường ngăn chặn biến thể mới

Quỳnh Chi, Theo VTV News 09:59 08/01/2021

Đến sáng 8/1, thế giới đã có trên 88,3 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 1,9 triệu người đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 22 triệu ca mắc và hơn 372.400 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ đã ghi nhận thêm hơn 171.100 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, trên 10,4 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 150.600 ca thiệt mạng. Ngày 7/1, Ấn Độ đã báo cáo hơn 18.100 trường hợp nhiễm COVID-19 mới.

Trong 24 giờ qua, Brazil đã ghi nhận hơn 87.100 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên trên 7,9 triệu trường hợp. Đến nay, gần 200.500 bệnh nhân COVID-10 đã không qua khỏi tại quốc gia này.

Trước tình hình lây lan đáng báo động của biến thể SARS-CoV-2 mới, WHO kêu gọi châu Âu cần hành động quyết liệt hơn. WHO cảnh báo, nếu không tăng cường kiểm soát, các cơ sở y tế ở nhiều quốc gia sẽ bị quá tải, ở rất nhiều nơi hiện tình hình căng thẳng, trong khi người dân lại chủ quan. WHO khuyến cáo các biện pháp hết sức quen thuộc nhưng vẫn luôn hiệu quả, đó là đeo khẩu trang, hạn chế tập trung đông người, duy trì khoảng cách và rửa tay. Dù vaccine đã bắt đầu được tiêm ở khá nhiều quốc gia nhưng ý thức cộng đồng chống dịch lại là vấn đề không lúc nào được lơ là.

Hơn 88,3 triệu người mắc COVID-19 trên toàn cầu, WHO kêu gọi tăng cường ngăn chặn biến thể mới - Ảnh 1.

Châu Âu cần hành động quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn biến thể mới (Ảnh: AP)

Tại châu Âu, Anh tiếp tục ghi nhận thêm 1.162 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 7/1. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 4/2019, số ca tử vong theo ngày tại Anh vượt mốc 1.000 ca/ngày. Như vậy, hiện số ca tử vong do COVID-19 ở xứ sở sương mù là hơn 79.000 trường hợp, đưa nước này trở thành nước có số ca tử vong cao thứ 4 thế giới sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil.

Cùng ngày, Anh ghi nhận trên 52.600 ca mắc mới, nâng tổng bệnh nhân COVID-19 tại nước này lên hơn 2,8 triệu trường hợp. Hiện Anh đang để ngỏ khả năng sẽ tiến hành phong tỏa cấp 5, trong đó toàn bộ trường học nghỉ, nhiều cửa hàng sẽ bị đóng cửa hơn, người dân không được gặp gỡ, tụ tập với bất cứ ai ngoài thành viên gia đình…

Cộng hòa Czech sẽ kéo dài hạn chế trên cả nước tới ít nhất là ngày 22/1, thay vì ngày 10/1. Theo Chính phủ nước này, các biện pháp được áp dụng vào cuối tháng 12/2020 ngay lập tức đã kéo giảm số ca nhiễm mới. Do đó, Czech thậm chí đang cân nhắc sẽ siết chặt hơn kiểm soát, không chỉ kéo dài lệnh hạn chế hiện tại. Cộng hòa Czech là quốc gia có tỷ lệ số ca mắc mới cao nhất toàn thế giới hiện nay nếu so sánh dựa trên quy mô dân số. Hiện Czech ghi nhận trên 794.700 người nhiễm bệnh, hơn 12.600 trường hợp tử vong vì COVID-19.

Chính phủ Cộng hòa Ireland công bố một số biện pháp bổ sung nhằm khống chế số ca mắc bệnh COVID-19 đang gia tăng mạnh tại nước này. Cụ thể, tất cả hành khách từng đến Anh và Nam Phi muốn nhập cảnh vào Ireland phải cung cấp giấy tờ xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi đến nước này. Quy định này sẽ có hiệu lực ngay sau nửa đêm 8/1 khi lệnh cấm nhập cảnh đối với những người đến từ hai nước nói trên hết hạn.

Hơn 88,3 triệu người mắc COVID-19 trên toàn cầu, WHO kêu gọi tăng cường ngăn chặn biến thể mới - Ảnh 2.

Czech sẽ kéo dài hạn chế trên cả nước tới ít nhất là ngày 22/1 (Ảnh: AP)

Bên cạnh đó, Ireland cũng tiếp tục đóng cửa tất cả các trường học tại nước này đến ngày 1/2 tới, trừ các lớp giáo dục đặc biệt và các lớp cuối cấp của trường trung học. Tất cả công trường của những dự án không thiết yếu sẽ đóng cửa từ 18h ngày 8/1, ngoại trừ những công trình liên quan đến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, các lĩnh vực xuất khẩu, y tế, nhà ở xã hội và các nhu cầu thiết yếu khác. Hơn 127.600 người ở Ireland đã mắc COVID-19, trong đó trên 2.300 bệnh nhân đã không qua khỏi.

Chính phủ Nhật Bản đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19 ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận (gồm Chiba, Kanagawa và Saitama) trong thời gian từ ngày 8/1 - 7/2. Cùng với quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua văn bản hướng dẫn mới về phòng chống dịch COVID-19. Văn bản trên nêu rõ các biện pháp sẽ được áp dụng tại các tỉnh, thành nằm trong phạm vi hiệu lực của tình trạng khẩn cấp. Đến nay, Nhật Bản ghi nhận gần 258.400 người mắc COVID-19, trên 3.700 trường hợp thiệt mạng.

Khu hành chính đặc biệt Macao (Trung Quốc) thông báo, từ ngày 13/1 tới, những hành khách nước ngoài muốn đáp chuyến bay đến Macao sẽ cần có giấy xác nhận kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính với virus SARS-CoV-2 còn hiệu lực trong 3 ngày trước thời gian khởi hành. Trước đó, các hành khách được yêu cầu phải có giấy tờ nói trên còn hiệu lực trong 7 ngày kể từ ngày lấy mẫu bệnh phẩm đến ngày khởi hành. Đối với những hành khách quá cảnh tại Macao, giấy trả kết quả xét nghiệm này có hiệu lực trong 3 ngày trước ngày khởi hành đầu tiên. Chính quyền Macao triển khai biện pháp mới này nhằm đối phó với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nước ngoài. Macao cũng siết chặt các quy định cách ly những người có lịch sử di chuyển đến những quốc gia và vùng lãnh thổ ở ngoài Trung Quốc.