Trước khi đại dịch covid-19 xảy ra, Alana Tsui, một nghệ sĩ có ảnh hưởng trên mạng xã hội có lẽ chưa từng nghĩ đến việc gia nhập, dùng thử ứng dụng TikTok. Tsui, 31 tuổi, cũng như nhiều người khác từ chối TikTok và cho rằng đây là ứng dụng chỉ dành cho thanh thiếu niên.
Nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi sự lây lan của virus corona buộc Tsui và những người khác ở thành phố New York phải ở nhà. Lúc này, Tsui cảm thấy mình có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn và có thể bắt đầu thử một điều gì đó mới lạ.
Cô chia sẻ: “Thành phố bị phong tỏa, mọi người ở nhà và tôi không có gì để làm, chính lúc này tôi cảm thấy Tik Tok cũng khá là thú vị …”. Bây giờ, một ngày Tsui có thể đăng đến bốn video trên nền tảng ứng dụng này.
Câu chuyện của Tsui là ví dụ điển hình của mọi người thời gian qua. Chỉ trong vài tháng, hàng trăm triệu người trên khắp thế giới đã tải xuống ứng dụng video dạng ngắn khi Hoa Kỳ, Châu Âu và các nơi khác áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt để hạn chế sự lây lan của virus corona. Đối với nhiều người, ứng dụng TikTok dường như đã trở thành một nơi thú vị để giải tỏa khi đã quá mệt mỏi với các tin tức về virus hay thiệt hại kinh tế mà nó gây ra.
TikTok cũng đã nắm bắt được tâm lý này, ngay lập tức đưa ra một số hashtag như "#HappyAtHome" để thúc đẩy một số người dùng cùng cha mẹ của họ làm video. TikTok cũng tìm cách quảng bá nền tảng live stream của mình bằng những nội dung nhẹ nhàng, dễ tiếp cận người xem.
Hashtag quảng bá của TikTok ở Việt Nam mang tên "#Ở nhà vẫn vui"
Theo Senor Tower, ứng dụng TikTok đã được tải xuống 315 triệu lần tính từ tháng 1 đến tháng 3, công ty phân tích cũng nhận định chưa từng có ứng dụng nào ghi nhận lượt tải xuống cao đến như vậy trong một quý. TikTok hiện có tổng cộng 2 tỷ lượt tải xuống, tăng gấp đôi so với tổng số lượt tải 15 tháng trước.
Công ty cũng thành công trong việc chiêu mộ các influencers (những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) gia nhập như nhà sáng tạo nội dung ở Hồng Kông - Taylor Richard. Cô cho biết TikTok đã tìm cách tiếp cận từ năm ngoái và ngỏ ý mời mình tham gia xây dựng nội dung trên nền tảng này. Richard hiện có hơn 300.000 người theo dõi trên Instagram (thuộc sở hữu của Facebook) và hơn 1,1 triệu người đăng ký trên YouTube (thuộc sở hữu của Google).
Thời điểm ban đầu, Richard nghĩ rằng ứng dụng này không phù hợp với tuổi của cô. Sau đó, với sự bùng phát của virus corona và Richard cũng bị cuốn vào các video 15 giây của TikTok.
Cô ấy cho biết "kể cả những người lớn tuổi hơn, thuộc thế hệ khác tôi cũng đang dần tham gia vào TikTok. Rất nhiều bài hát thuộc thế hệ của tôi cũng được sử dụng trên nền tảng này." Richard đã tham gia TikTok vào đầu tháng 4 và có khoảng 15.000 người theo dõi. Hiện tại, TikTok gửi email hàng tuần cho Richard giúp cô nhận diện những hashtag nào đang hoạt động tốt và từ đó có thể nắm bắt xu hướng hiện tại.
Việc phá kỷ lục số lượng người dùng mới được xem như là chiến thắng lớn cho công ty chủ quản của TikTok, ByteDance
Việc phá kỷ lục số lượng người dùng mới được xem như là chiến thắng lớn cho công ty chủ quản của TikTok, ByteDance. Trước đó, ứng dụng này là nền tảng truyền thông xã hội duy nhất của một công ty Trung Quốc được phép hoạt động bên ngoài lãnh thổ.
Kỷ lục liên tục bị xô đổ
Các ứng dụng di động của ByteDance đã thu về 157 triệu USD từ tháng 1 đến tháng 3, theo Sensor Tower. Gần 90% số tiền đó đến từ Trung Quốc và gần như hoàn toàn đến từ Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok. Đó là một con số kỷ lục đối với một quý của ByteDance, tăng 423% so với cùng kỳ năm trước và tăng 50% so với quý trước.
Tuần đầu tiên của tháng 2 là tuần ghi nhận số giờ sử dụng lớn nhất từ trước đến nay của Douyin, 3 tỷ giờ là số thời gian người dùng dành cho ứng dụng này - tăng 130% so với mức trung bình hàng tuần vào năm 2019, theo công ty phân tích AppAnnie.
Ở Trung Quốc, live stream là hình thức rất phổ biến. Những người có sức ảnh hưởng (influencer) thường kiếm tiền bằng cách nhận tiền ảo trong khi live stream. Wiktoria Marszałek, người quản lý tài khoản của Tập đoàn tiếp thị Nam Kinh, công ty giúp phát triển thương hiệu và bán hàng tại Trung Quốc nhận định: "Nhìn chung trên các ứng dụng nền tảng của Trung Quốc, mọi người thường có thói quen tặng tiền ảo cho những người sáng tạo nội dung”.
Ví dụ, người dùng Douyin thường mua bánh rán hoặc trái tim ảo để có thể tặng cho những người sáng tạo nội dung hoặc người có ảnh hưởng trong khi live stream. Tất cả lượng tiền ảo này tạo nên doanh thu cho ByteDance.
Công ty tư vấn R3 ước tính ByteDance kiếm được khoảng 140 tỷ nhân dân tệ (19,8 tỷ USD) doanh thu quảng cáo trong năm 2019
Tuy nhiên công ty Trung Quốc này vẫn kiếm tiền phần lớn từ quảng cáo. Công ty tư vấn R3 ước tính ByteDance kiếm được khoảng 140 tỷ nhân dân tệ (19,8 tỷ USD) doanh thu quảng cáo trong năm 2019. "Trong nhiều danh mục, nó vượt xa cả Tencent (TCEHY) và Baidu (BIDU) để trở thành nền tảng quảng cáo số 1" tại Trung Quốc, Greg Paull, giám đốc của R3 cho biết.
Doanh thu của Douyin và TikTok "hiện đang tăng vọt", Randy Nelson, một nhà phân tích của Sensor Tower cho biết. Sensor Tower coi TikTok và Douyin về cơ bản là cùng một ứng dụng, dựa trên những điểm tương đồng trong thương hiệu, tiếp thị và trải nghiệm người dùng.
Khi nói đến các ứng dụng không phải game, TikTok xếp thứ ba vào tháng 3 về doanh thu trên toàn cầu, sau ứng dụng hẹn hò Tinder và YouTube. Cùng có mặt trong top 5 là ứng dụng phát trực tuyến mới của Disney (DIS) và Netflix (NFLX)
TikTok có thể trở thành một cách mới để quảng cáo và tiếp thị sản phẩm trong tương lai
Theo nhận định của nhân viên ByteDance, TikTok chưa thể có doanh thu nhiều như Douyin bởi vì nó mới chỉ bắt đầu áp dụng việc nhận tiền thông qua quảng cáo và live stream vào năm ngoái. Mặc dù vậy, với sự thành công của Douyin, mọi người vẫn hy vọng TikTok có thể dựa theo mô hình đó để phát triển.
Theo Didday, TikTok cũng đang bắt đầu thử nghiệm quảng cáo trên nền tảng ứng dụng của mình. Doanh thu quảng cáo sẽ được phân chia giữa TikTok và các influencer, tương tự như những gì đã được thực hiện ở Trung Quốc trên Douyin.
Giống như nhiều công ty truyền thông xã hội khác, TikTok dự đoán virus corona sẽ giáng một đòn mạnh vào doanh thu quảng cáo ở Hoa Kỳ, Châu Âu và các thị trường khác nơi nó hoạt động. Ngay lập tức, ứng dụng video ngắn này đã bắt đầu tìm cách “quyên góp” cho các tổ chức y tế để đổi lại việc cập nhật thông tin về đại dịch.
Theo Didday, TikTok cũng đang bắt đầu thử nghiệm quảng cáo trên nền tảng ứng dụng của mình
Trước khi chuyển đến New York, Tsui sống ở Hồng Kông nơi cô kiếm được khoảng 1.500 USD một tháng khi hợp tác với các thương hiệu và nhà quảng cáo để quảng bá sản phẩm của họ tới 74.000 người theo dõi trên Instagram.
Nhưng dường như các bài quảng cáo trên Instagram ở New York không còn đem lại hiệu quả cao. Bây giờ, mọi người hầu như nói về TikTok, các thương hiệu cũng vì thế nhắm mục tiêu đến các influencer và làm quảng cáo trên TikTok.
Tsui gia nhập TikTok vào đầu tháng Tư và hiện có khoảng 27.000 người theo dõi. "Tôi chắc chắn TikTok sẽ là một cách mới để quảng cáo và tiếp thị sản phẩm trong tương lai”, Tsui nói.