Chuyện vượt qua kỳ thi của du học sinh

Trace, Hải Quỳnh, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 02/07/2015
Chia sẻ

Thi cử được coi là khoảng thời gian "vật vã" và "ám ảnh" đối với rất nhiều học sinh, sinh viên tại Việt Nam. Còn đối với các bạn du học sinh thì sao nhỉ? Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ từ các bạn ấy qua mỗi kỳ thi nhé.

Tại Việt Nam, khi bước vào cánh cổng đại học cũng là lúc bản thân mỗi người chính thức đến tuổi trưởng thành, đối mặt với sự độc lập và trách nhiệm của một người công dân. Phương pháp giáo dục cũng theo đó mà có rất nhiều sự thay đổi, khác biệt rõ ràng nhất chính là yêu cầu tính tự giác và độc lập trong học tập và nghiên cứu của người học. Điều này gây bỡ ngỡ rất nhiều cho các tân sinh viên bởi hệ thống giáo dục ở những cấp dưới không có sự “tự do mà tự giác” như vậy. Ngay cả đối với những du học sinh, những người đã được chuẩn bị để học tập tại các nền giáo dục tiên tiến, nơi mà sự tự giác được rèn luyện từ tấm bé, họ cũng có những trải nghiệm đáng nhớ với mỗi kỳ thi tại nước bản xứ.

Phần Lan - “Nền giáo dục thiên đường” không có “thi cuối kỳ”

Tại Phần Lan, nhà trường không áp đặt thành tích điểm số, xếp loại hay thi đua khen thưởng lên người dạy và người học. Mục tiêu cuối cùng của họ là làm cho người học cảm thấy vui, hạnh phúc và tự tin khi thành công cũng như khi thất bại. Khác với Việt Nam và khá nhiều quốc gia có hệ thống giáo dục dựa vào “việc đánh giá kết quả bằng cách kiểm tra”, những nơi mà “thi cuối kỳ” trở thành ác mộng, Phần Lan sử dụng hình thức thi “cuốn chiếu”. Chương trình học của quốc gia này rất dễ chịu khi sinh viên sẽ học hết môn nào là thi môn đó, các bạn thi rải rác trong suốt kỳ học nên không quá áp lực vào thời điểm cuối kỳ.

Một bạn du học sinh tại Phần Lan có nickname là Misa Corn chia sẻ: “Các môn được sắp xếp thời gian biểu nối tiếp nhau, môn học nào kết thúc trước thì sẽ làm bài thi trước và chuyển tiếp sang môn học mới. Tuy nhiên cũng có trường hợp một vài môn học kết thúc cùng lúc và các bài kiểm tra diễn ra sát nhau. Nhưng điều này học sinh hoàn toàn có thể bàn bạc vói thầy cô giáo về việc dời thời gian kiểm tra tránh gây áp lực, và giáo viên sẽ đồng ý nếu gợi ý đó phù hợp cho cả giáo viên và học sinh. Chưa kể mỗi kỳ trường sẽ tổ chức 02 đợt thi lại cho tất cả học sinh, tạo điều kiện hết mức có thể cho những ai không thể tham gia bài kiểm tra hoặc bị đánh trượt.”

Không chỉ không đặt nặng vấn đề “thi cử” lên vai người học, cường quốc giáo dục này đặt niềm tin rất lớn lên tính tự giác của người học. Họ không hề có những biện pháp giám sát hay kiểm tra mang tính ép buộc khi thi. Ngọc Trâm, một du học sinh tại Phần Lan, hồi tưởng lại lần đầu đi thi của mình và rất thích thú kể lại: “Lần đầu tiên thi cuối kỳ của mình là môn tiếng Phần. Vì mình khá có năng khiếu trong việc học ngoại ngữ nên việc thi không quá khó và áp lực với mình. Chỉ là trước khi vào phòng thi, mình thấy vui vui và rất lạ, học sinh không bị ép buộc bỏ tập sách và các vật dụng khác ở ngoài. Người nước ngoài đánh giá rất cao tinh thần tự giác của người học.”

Lớp học tại Helsinky, Phần Lan.

“Chăm chỉ” là từ khóa số một

Khi được hỏi về những bí quyết để vượt qua kỳ thi cuối kỳ, Đức Anh, du học sinh tại Mỹ chia sẻ: “Mình không có bí quyết nào cả. Mình luôn tin rằng cách duy nhất để vượt qua mọi thứ là luyện tập chăm chỉ mà thôi.” Điều này không chỉ đúng với các bạn du học sinh mà đối với các sinh viên tại các trường đại học trong nước cũng không ngoại lệ. Khác với các cấp học dưới, các môn học được học nhiều lần trong tuần và được các thầy cô trang bị kiến thức đến “tận răng”, ở đại học, thời lượng của mỗi môn học trong một tuần rất ít và thầy cô thực sự chỉ giảng những ý trọng điểm, chủ yếu là hướng dẫn. Trong khi đó, khối lượng kiến thức cho môn học là quá khổng lồ, bạn không thể chờ “nước đến chân mới nhảy” mà phải học ngay từ đầu và học thường xuyên mới có thể đạt được kết quả tốt.

Bạn Marvin Long Đỗ, du học sinh đang học Dự bị tiếng tại Nga trước khi vào năm nhất của chuyên ngành Báo chí chia sẻ: “Trường mình khá nổi tiếng về chất lượng đào tạo tiếng Nga (cả về chuyên ngành lẫn kỹ năng). Cũng một phần vì thế mà chương trình học cũng như thi cử của mình hiện tại khá nặng, đặc biệt đối với các bạn muốn đạt kết quả cao. Năm nay cũng là kỳ thi cuối kỳ đầu tiên của mình ở nước Nga. Đối với mình để có thể tự tin bước vào phòng thi, chúng ta nên học và ôn bài thường xuyên, chịu khó ngồi dịch các tài liệu mà giảng viên gửi mỗi buổi (thường chỉ khoảng 01 trang A4/buổi học thôi). Khi ôn thường xuyên như vậy, các từ sẽ được lặp lại liên tục, từ đó ngôn ngữ của bạn sẽ tốt hơn cũng như khi ôn thi cuối kỳ sẽ không bị nặng nề khi bạn đã hiểu được nội dung bài học. Cũng phải nói rằng chương trình học của mình khá hệ thống và sắp xếp khoa học nên cảm giác cũng bớt căng thẳng hơn.”

Chăm chỉ học tập là yếu tố hàng đầu.


Thư viện - Nơi học tập và nghiên cứu tốt nhất.

Câu hỏi luôn bám sát với bài dạy của giảng viên, hãy chăm chú trong lớp học

Ở các trường đại học tại nước ngoài, người học cần chủ động học tập khi phải tự nghiên cứu và đặt ra những câu hỏi hay vấn đề với giảng viên của mình. Vì vậy, trong quá trình giải đáp các thắc mắc từ rất nhiều sinh viên, bài giảng trở nên thực tiễn và cuốn hút hơn nhiều so với việc đọc chép. “Nghe giảng chăm chỉ” dường như là một câu thần chú kỳ diệu của rất nhiều học sinh khi Ngọc Trâm, hiện đang học tại Phần Lan, bật mí đó là một trong những bí kíp để nhẹ nhàng vượt qua kỳ thi: “Bí quyết để vượt qua kỳ thi là đi học chăm chú nghe thầy cô giảng, vì mình để ý các thầy cô giảng bài rất sát với nội dung thi, nghe rồi là sẽ nhớ, đến lúc gần thi học nhóm với các bạn là thuộc hết luôn. Đề thi nước ngoài thì không có đánh đố gì hết, chỉ cần siêng chút là đạt điểm cao thôi.” Thay vì ngồi làm việc riêng hay không tập trung thì lắng nghe chủ động và tích cực sẽ mang lại rất nhiều kiến thức giúp cho kỳ thi cuối kỳ trở nên dễ chịu hơn thì tại sao lại không nhỉ?

Hãy lắng nghe và tích cực trong lớp học.

Đề thi “khó nhằn” nhất

Tại Việt Nam, hình thức thi cuối kỳ chủ yếu là các bài viết tự luận, nhưng ở nước ngoài, hình thức thi trở nên đa dạng hơn rất nhiều. Khi được hỏi về những kiểu đề thi “khó nhằn” nhất, các bạn du học sinh tại các quốc gia đưa ra những câu trả lời rất khác nhau.

Rào cản ngôn ngữ mang lại khá nhiều những bất lợi cho du học sinh, nhất là đối với những bạn học sinh năm nhất còn chưa có đủ thời gian để rèn luyện nhiều. Marvin Long Đỗ chia sẻ: “Hầu hết các trường và chương trình học tại Liên Bang Nga có hình thức thi thường là vấn đáp. Điều này rất “đáng sợ” và “khủng khiếp” với các bạn không học tiếng ở nhà.” Còn đối với Ngọc Trâm, những môn thi viết là nỗi ám ảnh với cô nàng: “Đề thi khó thường là đề thi viết, ví dụ như môn Luật hoặc những môn nhiều lý thuyết thì thi viết đau đầu muốn chết luôn. Tụi mình phải ráng đọc tài liệu mà đọc khó hiểu lắm, nhưng vẫn phải cố đọc cho hết.”

Hãy cố gắng không bao giờ phải “thi lại”

Dù là sinh viên đi theo diện học bổng hay tự túc, “thi lại” luôn là điều phải cố gắng để tránh gặp phải. Đối với một du học sinh mang theo niềm tin và vật chất của bố mẹ đi đến một đất nước có nền giáo dục tiên tiến để học tập, kết quả càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thi lại sẽ đồng nghĩa với việc phải đóng gấp đôi, gấp ba số tiền của một môn học đấy và lãng phí thời gian để ôn tiếp, học tiếp cho qua. Hơn nữa “Điểm số của lần thi thứ nhất sẽ không mất đi. Khi bạn qua môn ở lần thi tiếp theo, số điểm được ghi cuối cùng trong bảng điểm sẽ là điểm trung bình của 02 lần thi. Vì thế nên điểm của môn đó sẽ vẫn thấp, ảnh hưởng đến bảng điểm”- một du học sinh tại Mỹ chia sẻ. Đối với một số du học sinh theo diện học bổng, thi lại đôi khi còn nguy hiểm hơn khi trở thành nguy cơ của việc bị dừng cấp phát học bổng. Điều đó gây ảnh hưởng rất lớn về mặt tâm lý và tài chính của những sinh viên học tại nơi đất khách quê người với vốn rất nhiều những khó khăn và lo toan.

Đừng để phải “học lại” hoặc “thi lại”.

Dù là du học sinh hay sinh viên trong nước, việc thi cử luôn là một phần tất yếu. Hãy học tập thông minh để vừa có một kết quả học tập tốt và đồng thời sở hữu những trải nghiệm quý giá của tuổi trẻ bạn nhé!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày