Học cách từ chối những cuộc chơi
Mai Anh (du học
sinh năm cuối tại Mỹ) chia sẻ: "Năm cuối
đại học thực sự là khoảng thời gian rất căng thẳng và mình cũng thường xuyên bị
stress do bài vở trên lớp quá nhiều. Mấy tuần chuẩn bị thi cuối kỳ, mình phải
cancel hết tất cả các cuộc chơi. Bạn bè chúng nó cũng giận mình ghê lắm mà mình
chẳng biết phải làm sao. Chỉ cần lơ là một chút là phải học lại như chơi. Vừa mất
tiền lại vừa tốn thời gian."
Vì thế, không thể
phủ nhận là sinh viên năm cuối, bạn phải lo nghĩ nhiều hơn cho việc học của
mình, suy tính nhiều hơn cho những dự định tương lai so với những tân binh năm
nhất còn mải mê làm quen, kết bạn và tận hưởng hết mình những cuộc chơi.
Mong muốn chỗ ở thuận
tiện hơn
Sau nhiều năm du học,
bạn sẽ tích lũy được kha khá vốn kinh nghiệm trong việc tìm kiếm và yêu cầu
cũng cao hơn trong vấn đề chỗ ở. Cùng một khoản tiền chi tiêu cho vấn đề chỗ ở
như hồi năm thứ nhất, bây giờ bạn có thể tìm được một vài căn hộ khác ở khu vực
tốt hơn, thuận tiện hơn trong sinh hoạt hằng ngày của mình.
Khác với Tuấn, Minh
Thủy (du học sinh ngành Thiết kế Thời trang) quyết định chuyển từ khu ký túc xá
trong trường ra ngoài với mong muốn tìm được một căn hộ có diện tích lớn hơn: "Mỗi khi làm bài tập, mình phải bày bừa rất
nhiều đồ ở trong phòng. Diện tích phòng trong ký túc xá rất hạn chế, ngoảnh đi
ngoảnh lại đã bày hết cả chỗ để ngủ. Do đó, mình quyết định chuyển tới một căn
hộ khác to hơn. Tuy sẽ tốn thêm một khoản tiền kha khá nhưng mình thấy rất thoải
mái, học tập cũng hiệu quả hơn hẳn."
Tăng tốc trong việc "chạy deadline"
Năm cuối là thời điểm nước rút vô cùng quan trọng và bạn không
chỉ có duy nhất một bài luận với số lượng vài trăm chữ cần viết mỗi tháng. Giờ
là lúc bạn phải "vắt chân lên cổ" vừa làm bài luận, vừa ôn thi cuối kỳ, vừa chuẩn
bị hồ sơ xin thực tập năm cuối hay thậm chí là còn bắt đầu lo âu cho vấn đề xin
việc làm.
Qua những năm tháng đại học, chắc chắc kĩ năng chạy đua với
deadline của bạn đã được nâng cấp lên nhiều. Ở năm cuối, khối lượng công việc
và bài vở cũng sẽ tăng lên theo cấp số nhân. Vậy nên dù có muốn hay không thì tự
bản thân bạn cũng sẽ phải nhanh nhẹn hơn, chủ động hơn trong việc sắp xếp thời
gian biểu của chính mình.
"Ngay từ những ngày đầu tiên của kỳ học, mình đã dành hẳn
một tuần để lên thời gian biểu cho tất cả mọi việc: sáng đi học, chiều tranh thủ
làm thêm ở một tiệm bánh, tối về dành thời gian làm bài tập về nhà. Có những
lúc bài tập trên lớp quá nhiều, đi làm về mệt mỏi đến mấy cũng phải cố ‘lết’
vào bàn ngồi học" - Huy Nam, du học sinh Anh, chia sẻ về quãng thời gian năm cuối
đầy áp lực của mình.
Nam kể lại: "Hồi đó, mình bị stress ghê lắm. Cảm giác
bài vở công việc cứ chất đống, làm mãi mà chẳng hết. Nhiều khi muốn buông xuôi,
rồi lại động viên bản thân mình phải cố lên. Trải qua khoảng thời gian khó khăn
đó, mình thấy bản thân trưởng thành hơn nhiều và đặc biệt, kỹ năng 'chạy
deadline' và sắp xếp công việc được cải thiện hơn rất nhiều. Giờ thì mình chẳng
sợ deadline nữa đâu."
Những năm tháng du học là khoảng thời gian thật đẹp để bạn trải nghiệm và học hỏi những điều thú vị, mới mẻ từ thế giới bên ngoài rộng lớn. Bên cạnh những kỷ niệm vui vẻ, đầy tiếng cười cũng sẽ có đôi lúc bạn cảm thấy buồn và nản lòng vì nhiều thứ: khó khăn tài chính, cảm giác nhớ nhà, chương trình học khó nhằn kéo dài lê thê... Vì vậy, cảm giác vui sướng khi được cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học trên tay, kết quả của những năm tháng học tập đầy cố gắng, luôn tồn tại đâu đó trong tâm trí của mỗi du học sinh năm cuối. Và suy nghĩ "sắp được trở về nhà" chính là động lực rất lớn giúp bạn bước tiếp mỗi khi chùng lòng trước những khó khăn của cuộc sống.