Khi “ông nói gà, bà nói vịt”
Đã sang Nhật hai năm nhưng Thủy Tiên (ĐH Sangyo) vẫn không ít lần gặp phải những tình huống ngượng “không đỡ được” mà nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc hiểu sai ý đối phương. Cô bạn chia sẻ, hồi mới sang do khả năng nghe còn kém, lúc đi làm ở quán ăn không biết cách gọi tên đồ ăn, hay làm nhầm đồ và lấy nhầm đồ cho khách nên thường bị ông chủ mắng.
“May mà ông chủ cũng không ‘dữ’ lắm, không là mình xác định rồi!” - Tiên hài hước nói. Tuy nhiên theo Tiên, đó vẫn chưa thấm vào đâu so với những gì cô bạn trải qua về sau.
Tiên kể: “Có lần, ông chủ nói với mình rằng ông ấy đang giận. Chẳng hiểu lúc ấy mình nghe thế nào lại hiểu thành ông ta đang hỏi mình có giận không. Mình trả lời không. Thế là ông chủ quát ầm cả lên, ‘Tôi không nói cô, tôi nói tôi!’ Đã giận lại càng giận hơn!”
Trường hợp của Trang (du học sinh Úc) cũng không kém phần thê thảm. Khi mới đến Úc, vì muốn làm quen với các bạn mới nên Trang đã mời họ đến nhà mở tiệc: “Lúc những vị khách đầu tiên đến nhà, mình ra mở cửa mời họ vào, không quên mời ngồi theo phép lịch sự. Thế mà khi vừa nói ‘Have a seat’, cả mấy đứa quay ra nhìn mình đầy ngạc nhiên. Chẳng hiểu chuyện gì xảy ra, mình đâm bối rối.”
Hóa ra do Trang phát âm sai từ “seat” (thành một từ-khác-mà-ai-cũng-hiểu-là-từ-gì) nên đã tạo ra tình huống trớ trêu như vậy: “May mà mình sống cùng một chị người Việt, chị ấy hiểu ý nên giải thích giùm mọi người. Nghe xong, cả bọn được trận cười no còn mình lúc đó chỉ muốn độn thổ” - Trang nhớ lại.
Còn Vinh (du học sinh Singapore) thì một lần “trót” lơ đễnh trong giờ học, bị giáo viên “tóm” lên trả lời câu hỏi: “Lúc ấy không tập trung nên nào có nghe được thầy giáo nói. Đến nghe giảng bằng tiếng Việt nếu không tập trung còn chưa chắc hiểu, nói gì đến tiếng Anh!”
Khắc phục để hiểu nhau hơn
Đa số các du học sinh đều thừa nhận, những tình huống hiểu nhầm do bất đồng ngôn ngữ gây ra là điều đương nhiên. Nhung (du học sinh Canada) chia sẻ: “Mình học ở đây được vài năm rồi, thế mà cũng có khi chẳng hiểu người bản xứ nói gì. Ai cũng có những lúc hơi ‘ngớ ngẩn’ mà, không tránh được!”
Thủy Tiên thì thừa nhận: “Hầu hết lúc mới sang du học, các bạn du học sinh chưa quen nghe giọng bản địa, hay nghe nhầm nên không hiểu ý người nói. Chưa kể những bạn ngoại ngữ chưa vững thì chuyện ‘ù ù cạc cạc’ lại càng như cơm bữa.”
Để khắc phục tình trạng này, theo Tiên, có thể mạnh dạn nhờ người bản xứ nhắc lại câu nói: “Vì khi biết mình chưa hiểu rõ, họ sẽ nói chậm lại, thậm chí còn dùng cả body language cho mình dễ hình dung hơn.”
Còn theo quan điểm của Trang, việc luyện phát âm vô cùng quan trọng đối với du học sinh: “Sau vụ nhầm lẫn đáng xấu hổ kia, mình bắt đầu học lại phát âm. Trong tiếng Anh có rất nhiều từ phát âm gần giống nhau, chỉ cần bạn không để ý chút thôi là có thể lạc sang một từ mới nghĩa hoàn toàn khác. Mình luyện tập từng chữ một, tranh thủ nhờ cả các bạn nước ngoài sửa lỗi khi nói chuyện.”
“Hồi còn ở Việt Nam, mình học tương đối khá tiếng Anh, phát âm cũng vào loại ‘không phải dạng vừa’ ở lớp. Thế mà sang đây, trải qua ‘thực tiễn đau thương’ mới thấy mình còn phải học thêm rất nhiều” - Trang tâm sự.
Các bạn sắp đi du học nhớ nhé, hãy chuẩn bị thật tốt vốn ngoại ngữ của mình, đồng thời cũng chuẩn bị sẵn tinh thần rằng bạn sẽ gặp kha khá các tình huống “trời ơi” như thế đấy! Tuy nhiên, chắc chắn bạn sẽ có được nhiều khoảnh khắc vui cũng như những kỷ niệm đáng nhớ mãi về sau.