Không quá tâng bốc khi nói Hoàng Thuỳ Linh là một trong những nữ ca sĩ thành công nhất Vpop trong năm 2019. Cô đã tỏa sáng với album Hoàng, sở hữu loạt Music Video giữ Top 1 Trending YouTube và nhận được nhiều giải thưởng âm nhạc danh giá. Nhưng có lẽ trên cả những con số khổng lồ về lượt xem, lượt nghe, giá trị mà Hoàng Thuỳ Linh tạo ra chính là chinh phục được trái tim khán giả và khiến họ hào hứng thưởng thức từng ca khúc trong album của mình - điều mà ít ai làm được ở một thị trường còn ưa chuộng phát hành single nhỏ lẻ như Việt Nam.
“Tôi luôn mơ mộng đến những đề tài khó và những tình huống khó khăn. Ngay cả cuộc đời tôi cũng là một bài toán khó giải nhưng nếu giải được thì nó rất thú vị. Tôi đã sống như vậy suốt bao nhiêu năm nay, để tìm ra lời giải đáp cho những tình huống thú vị trong cuộc đời và âm nhạc của mình” - Hoàng Thuỳ Linh chia sẻ với đôi mắt sáng ngời. Vậy hãy cùng ngồi xuống với Hoàng Thuỳ Linh để “tìm lời giải đáp" cho thị trường nhạc Việt từ chính những trải nghiệm và cột mốc mà nữ ca sĩ đã đi qua.
Hoàng Thuỳ Linh chia sẻ về thị trường nhạc Việt.
2019 là một năm quá viên mãn với Hoàng Thuỳ Linh. Sau album Hoàng và loạt Music Video triệu views, chị sẽ làm gì tiếp theo?
Tôi ít khi đặt kỳ vọng trước khi mình làm một việc gì đó bởi vì nó sẽ trở thành rào cản khiến bản thân không thể thoát ra và hướng tới những điều mới mẻ. Tất cả những nỗi sợ không lên được Top 1 Trending, liệu có vượt qua được những gì mình đã làm, đại chúng đánh giá về mình như thế nào… đều là rào cản vô cùng lớn với một người nghệ sĩ. Thời gian dịch bệnh này, tôi cho phép mình nghỉ ngơi và dành thời gian quan sát thế giới ngoài kia, sau đó quay trở về lắng nghe chính nội tâm của mình.
Tôi luôn cố gắng để mình tốt hơn mỗi ngày. Khi tham gia vào cuộc đua này, khán giả sẽ nhìn nhận và so sánh bạn ở từng thời điểm chứ không phải so sánh bạn với bất kì ai khác. Giá trị của một người nghệ sĩ nằm ở chỗ họ dám thoát xác khỏi chính mình, dám vươn lên và tạo ra điều mới mẻ mặc dù họ đã đạt được thành công ở những bước đi trước.
Nếu chị nói âm nhạc là một cuộc đua, thì phải chăng nghệ sĩ càng đi lâu năm càng có trách nhiệm tạo ra những điều mới mẻ cho thị trường?
Đó là một bài toán, một thách thức cho mỗi nghệ sĩ. Tôi từng có rất nhiều lý thuyết trong âm nhạc nhưng cuối cùng, mọi thứ liên quan đến nghệ thuật vẫn thuộc về trạng thái cảm xúc hơn. Nghệ sĩ luôn có tâm hồn mong manh và những tác phẩm giá trị sẽ được tạo ra từ sự nhạy cảm của họ. Tôi không muốn đánh mất sự nhạy cảm ấy chỉ để chạy theo những con số, mặc dù tôi buộc phải tỉnh táo trở lại và tìm cách tiếp nhận với đại chúng sau những lần thả trôi cảm xúc để tạo ra điều mới mẻ.
Trên thế giới, những thị trường âm nhạc lớn sẽ có bộ máy rạch ròi để nghệ sĩ chỉ cần toàn tâm toàn ý sáng tạo, còn sự tính toán hay sản xuất như thế nào thì do nhiều bộ phận khác. Việt Nam thiếu điều đó nên nghệ sĩ phải tự làm rất nhiều thứ. Thị trường âm nhạc Việt Nam không phát triển chậm, nhưng cần một điều gì đó nghiêm túc, quy củ hơn.
Vậy Hoàng Thuỳ Linh đã “tính toán” những gì cho sự nghiệp âm nhạc của mình?
Bản thân tôi luôn rạch ròi giữa việc làm sao để có nhạc hay và làm sao để đưa nó ra thị trường. Âm nhạc hay phải toát lên cảm xúc, tư duy, sự sáng tạo và khiến cho người nghệ sĩ này không bị nhầm lẫn với người nghệ sĩ khác. Sau đó, tôi mới bắt đầu tính toán bằng cách nào để đưa một ca khúc hay đến với nhiều người nhất. Không thể nào để sự tính toán ảnh hưởng đến âm nhạc, nhưng cũng không thể cứ đem sự ngẫu hứng và bản năng nghệ sĩ ra thị trường.
Từ Bánh Trôi Nước, Để Mị Nói Cho Mà Nghe đến Tứ Phủ và cả album Hoàng nhiều người nói Hoàng Thuỳ Linh đang ở vị trí của một người tiên phong. Và không có người tiên phong nào đạt được thành công mà lại chẳng tính toán nhiều…
Bây giờ mọi thứ thành công rồi thì mình mới nói về nó bằng một tâm thế nhẹ nhàng chứ đương nhiên ở thời điểm đó, tất cả đều là thử thách với tôi. Tôi luôn chọn những ý tưởng không ai dám làm, bởi vì một ý tưởng có quá nhiều người làm thì còn gì thú vị nữa?
Nếu tôi không làm, chắc sau này ý tưởng đó sẽ có người khác làm, nhưng tôi nghĩ mình làm điều đó thì sẽ tốt. Album Hoàng được tạo nên từ những khát khao bấy lâu trong tôi - đó là điều tôi muốn. Đồng thời, trên thị trường chưa có ai dám làm - đó là điều ngoài kia thiếu. Thành công của Hoàng đến từ cả ba điều: điều tôi muốn làm, điều tôi có khả năng làm và điều thị trường đang cần.
Thị trường Việt Nam đang thiếu album, nhưng làm album giữa thời điểm tất cả đều chọn ra mắt single và đầu tư cho Music Video cũng là một điều mạo hiểm. Hoàng Thuỳ Linh không chỉ tiên phong mà còn liều lĩnh?
Yếu tố tiên quyết của sự thành công là phải đoán trước nữa đấy! Nếu cứ nương theo xu hướng hiện tại thì bạn sẽ chỉ dừng ở đó và luôn bị động. Không phải hôm nay mọi người đổ dồn nghe nhạc trực tuyến free thì bạn sẽ đăng free để được danh tiếng, rồi ngày mai YouTube lớn mạnh thì bạn cũng đổ dồn mọi nguồn lực để giành Top Trending.
Tôi sẽ không nằm ngoài những gì đang thịnh hành, nhưng những cái thịnh hành đó có thịnh hành mãi được không? Hay nó sẽ chuyển sang một cái thịnh hành khác. Nghệ sĩ vẫn luôn sống trong trận chiến Top Trending, hay đổ dồn vào iTunes để giành lượt nghe nhiều nhất Việt Nam. Ai cũng cần một mục tiêu để theo đuổi nhưng buộc phải tỉnh táo để không bị cuốn vào vòng xoáy và đánh mất mình.
Vậy chuyện nghệ sĩ đổ dồn vào những trận chiến Top Trending trên YouTube có phải là điều không công bằng cho một bài hát hay?
Rất khó để có một thước đo giá trị cảm xúc của con người. Nếu dùng thước đo là số lượng view, vậy ai có nhiều fan thì sẽ nhiều view, fan càng trẻ càng nhiều thời gian rảnh để “cày". Những người không nghe nhạc trên YouTube thì sẽ dùng thước đo khác cho âm nhạc của mình. Một bài hát không chỉ là một giai điệu đẹp, một lời ca hay mà còn phải cho người ta thấy tư duy, sức sáng tạo và tương lai cùng sự phát triển của người nghệ sĩ trong đó. Đây là cái mà YouTube, Top Trending rất khó đo lường được.
Nhưng mấy ai đo lường được sự thông minh và tư duy của một người nghệ sĩ?
Đúng thế. Nhưng khi người ta xem mãi, nghe mãi mà không thấy chán anh này, cô này, tức là nghệ sĩ đó đủ thông minh và có sự đổi mới. Họ phải làm những điều khiến người khác tò mò, không đoán trước được, thậm chí tự đi vào những “địa hình" hiểm trở trong âm nhạc. Đã xa rồi thời sở hữu một bài hit là trở thành ngôi sao. Ở thời đại này, những ngôi sao vụt sáng như vậy rồi cũng sẽ tắt ngay. Nghệ sĩ phải tỉnh táo hơn trong việc đi đường dài.
Chẳng phải việc “one-hit wonder" (ca sĩ chỉ có một bản hit duy nhất) vẫn diễn ra khá thường xuyên ở làng nhạc Việt đấy thôi?
Trước đây, người người nhà nhà đi tìm hit. Phải, hit rất quan trọng đối với bất kỳ nghệ sĩ nào. Nhưng khi bạn đã trở thành một nghệ sĩ mà công chúng quen mặt thì bạn phải tạo ra sự mới mẻ trong âm nhạc. Không tạo sự mới mẻ bằng gương mặt hay hình ảnh mãi được đâu. Bạn xinh đẹp thì người ta cũng ngắm bạn rồi, có khi ngắm từ năm này qua năm khác đã được đến chục năm. Bạn buộc phải có trí tuệ và làm những điều hay ho thì khán giả mới theo bạn chứ? Cứ hát mãi một bài thì dù làm fan 10 năm, họ cũng bỏ bạn đi.
Con đường này vô cùng khó khăn và khốc liệt. Hôm nay bạn có thể thành công, ngày mai bạn hoàn toàn có thể thất bại. Hôm nay bạn đứng đầu bảng xếp hạng, ngày mai bạn chẳng là ai cả.
Chị có nghĩ sự khó khăn và cuộc cạnh tranh khốc liệt trên các bảng xếp hạng âm nhạc đã tạo ra động lực để người nghệ sĩ phải thay đổi?
Chính xác là như vậy. Cuộc đua của rất nhiều bảng xếp hạng trên thế giới là như vậy. Katy Perry từng đứng đầu rất nhiều bảng xếp hạng nhưng bây giờ, cô ấy đang rất khó khăn. Không ai biết chính xác thời kỳ đỉnh cao của Taylor Swift sẽ kéo dài được bao lâu? Hay trước đây Britney Spears từng đứng đầu rồi cũng có giai đoạn phải lùi về phía sau. Thời thế thay đổi, thế hệ khán giả thay đổi, tầm hiểu biết và nhận thức của con người cũng thay đổi. Cuối cùng, người nghệ sĩ cần thay đổi để thích nghi và thế là cả nền âm nhạc sẽ thay đổi theo.
Nhưng đôi khi, khái niệm một bản hit hay trở thành hiện tượng ở Việt Nam chỉ là… lọt Top 1 Trending YouTube?
Nhiều người nghĩ lên Top Trending là lớn lắm rồi, thật ra cũng đáng tự hào nhưng đừng ngộ nhận đó là hit. Cách vào Top Trending thì có nhiều, quan trọng là sản phẩm của bạn có thực sự chất lượng hay không? Chất lượng ấy không phải là điều bạn tự vẽ ra cho mình là được mà cần sự ghi nhận bởi khán giả.
Vậy đối với chị, một Music Video đạt nhiều view và giành Top 1 Trending có ý nghĩa như thế nào?
Đó là sự quan tâm của khán giả, nhưng chưa chắc đã là sự ghi nhận. Tôi nghĩ sự ghi nhận cao hơn sự quan tâm, bởi vì nó bao gồm cả sự quan tâm trong đó. Khi khán giả động viên và khích lệ, tôi sẽ có động lực để tiếp tục cống hiến cho âm nhạc. Nhưng làm nghệ thuật thì phải chú ý đến tác phẩm và sự sáng tạo, đừng nghĩ hôm nay bạn có thành tích là người ta nể trọng, có thể đó chỉ là vẻ bề ngoài.
Tôi chú ý đến cả âm nhạc và Music Video, bởi Music Video là giá trị thương hiệu, giá trị hình ảnh của mình. Nếu bạn coi trọng giá trị của bạn thì dù 10 năm nữa bạn nổi tiếng cũng được, nhưng khi công chúng nhìn lại thời điểm bạn bắt đầu, họ vẫn nhận ra sự chỉn chu trong đó. Không phải cứ chú trọng vào Music Video thì giá trị âm nhạc kém đi.
Sự ghi nhận mà chị vừa nhắc đến liệu có nên được thể hiện bởi một bảng xếp hạng âm nhạc, thay vì cuộc chạy đua trên nền tảng xem video với đủ mọi nội dung khác nhau như YouTube?
Được như thế sẽ rất thú vị. Tôi thường có bảng xếp hạng trong đầu mình rồi nên cũng không để ý nhiều đến bảng xếp hạng khác. Suy cho cùng, một bảng xếp hạng uy tín phải có đời sống với khán giả, hiểu được cảm xúc của số đông, dựa trên nhiều số liệu nghe và xem khác nhau. Làm được một bảng xếp hạng lột tả hết đời sống âm nhạc của người Việt Nam, tôi nghĩ cũng khó khăn đấy.
Tôi thấy có rất nhiều ca khúc chỉ đăng bản audio, không làm Music Video vẫn đạt triệu lượt nghe trên YouTube. Nếu một bài hát thực sự được khán giả yêu thích thì nó không cần gì cả, nó chỉ cần là một bài hát đúng nghĩa. Điều tạo nên giá trị cho một sản phẩm âm nhạc là bài hát. Nghệ sĩ có được những bài hát đi cùng năm tháng thì quá tuyệt vời.
Tức là một bảng xếp hạng âm nhạc sẽ tạo ra sân chơi mới cho những ca khúc chất lượng dù không được đầu tư làm Music Video hoành tráng, hoặc ngay cả những bản b-side (ca khúc phụ) trong một full album?
Đúng vậy. Tất cả những gì liên quan đến sự phát triển chung của nền âm nhạc đều là một tín hiệu đáng mừng. Nghệ sĩ sẽ có một nơi để tham khảo, còn khán giả cũng có thêm sự lựa chọn để nghe và được định hướng nhiều hơn.
Và khi ấy, thay vì phải trăn trở về hình ảnh, nghệ sĩ Việt sẽ toàn tâm toàn ý cho âm nhạc hơn?
Nghệ sĩ nào cũng mong muốn mình chỉ cần làm nhạc, còn khi sản phẩm đến với công chúng đã là bước cuối cùng. Bước đầu tiên là nhào nặn nên ý tưởng, đôi khi nhìn một cây hoa, ngọn cỏ hay nằm thư thái đọc sách cũng có cảm hứng rồi. Khi ấy, đầu óc của mình thực sự trống rỗng, tâm thế của mình thực sự thanh thản và không bị tác động bởi Top Trending hay bất kì ai. Nghĩa là mình phải thoát xác. Đúng là tôi đang rất cần những không gian như vậy trong thời điểm này.
Nhưng sau những ca khúc hay, chị có từng nghĩ về sự công nhận của khán giả qua một liveshow riêng?
Tất nhiên đích đến cuối cùng là nghệ sĩ được biểu diễn trên sân khấu với khán giả hát theo phía dưới. Có lẽ nhiều nghệ sĩ đã nói về cảm xúc ấy rồi. Nó như một chất gây nghiện. Người nghệ sĩ sẽ thăng hoa nhất khi họ hát những ca khúc của chính mình trong một liveshow riêng để tri ân khán giả, giống như mời bạn thân đến nhà chơi vậy.
Liveshow là điều tôi muốn làm, nhưng không phải làm để so kè, ganh đua với đồng nghiệp của mình. Họ cũng đang tạo ra một giá trị chung cho nền âm nhạc Việt Nam. Nếu tất cả cùng làm những điều tốt đẹp thì thị trường sẽ phát triển. Điều đó vô cùng tuyệt vời.
Cám ơn chị vì cuộc trò chuyện!