Sáng thứ Ba ngày 04/04 vừa qua, một vụ tấn công bằng khí độc tại thị trấn Khan Sheikhoun thuộc tỉnh Idlib, Syria do các lực lượng đối lập với chính phủ kiểm soát đã làm ít nhất 58 người thiệt mạng, 60 người bị thương bởi hóa chất cùng hơn 200 người dân khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một đứa trẻ phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ cuộc chiến hóa học này.
Chỉ vài giờ sau vụ tấn công trên, khu bệnh viện điều trị cho nhiều nạn nhân cũng bất ngờ bị tên lửa bắn trúng khiến con số thương vong gia tăng chóng mặt, gây cản trở cho công tác cứu chữa của đội ngũ y tế.
Một số nguồn tin từ Hội đồng Y tế tỉnh Idlib (Idlib Health Directorate) cho biết tổng số nạn nhân tử vong trong cả hai cuộc tấn công có thể lên tới 100 người, còn con số thương vong gần chạm mức 400 người.
Ít nhất 58 người thiệt mạng, bao gồm cả 11 đứa trẻ vô tội cùng hàng trăm người khác bị thương sau cuộc tấn công hóa học tại Syria.
Các nhà hoạt động đối lập tại Syria đã nhanh chóng lên tiếng khẳng định vụ tấn công hóa học vừa xảy ra là "tác phẩm" của lực lượng không quân chính phủ hoặc từ quân đội Nga.
Ngoài ra, tổ chức Giám sát Nhân quyền Syrian (Syrian Observatory for Human Rights) cũng khẳng định đa phần những người tử vong đều là do ngạt khí hoặc phải chịu tác dụng phụ của khí độc hóa học.
Nhiều nạn nhân là trẻ em được chuyển tới các cơ sở y tế trong tình trạng hoàn toàn bất tỉnh.
Nhiều nhà hoạt động đã đăng tải hình ảnh và video ghi lại cảnh tượng đau lòng về những nạn nhân của vụ tấn công hóa học, bao gồm cả người lớn và trẻ em với hàng loạt biểu hiện lạ như nằm lả trên mặt đất, khó thở, nôn mửa, co đồng tử bất thường, sùi bọt mép hay ngất xỉu.
Tuy nhiên, cả chính quyền của Tổng thống Assad lẫn quân đội Nga đều nhanh chóng phủ nhận các cáo buộc có liên quan tới hai vụ tấn công này.
Một đại diện của chính quyền Syria nhấn mạnh: "Cáo buộc đó hoàn toàn vô căn cứ. Lực lượng nổi dậy đang cố gắng giành được thắng lợi trên truyền thông, điều mà họ không thể thực hiện trên thực địa. Chúng tôi cũng chưa từng sử dụng vũ khí hóa học và hoàn toàn không có ý định sử dụng loại vũ khí ấy".
Người cha này không giấu nổi giọt nước mắt đau lòng khi chứng kiến con mình bị tổn thương nghiêm trọng sau vụ tấn công kinh hoàng.
Theo các bác sĩ tham gia điều trị cho hàng trăm nạn nhân của vụ tấn công, chất độc hóa học được sử dụng là một loại chất độc thần kinh dạng lỏng, không màu và không mùi. Nhiều người cho rằng đây có thể là chất độc chlorine hoặc chất độc sarin.
Bác sĩ Shajul Islam, hiện đang làm việc tại một bệnh viện ở thành phố Hama gần với thị trấn Khan Sheikhoun còn đăng tải nhiều tư liệu ghi lại tình trạng bi đát trên lên trang mạng Twitter để làm bằng chứng.
"Bệnh viện của chúng tôi đã chật kín nạn nhân. Nhiều người vẫn đang tiếp tục được chuyển tới. Tất cả đều có dấu hiệu co đồng tử và không hề phản ứng với ánh sáng chiếu vào. Nếu không tin thì có thể gọi điện video để chứng kiến trực tiếp", bác sĩ Islam nhấn mạnh.
Vì không có dụng cụ khử độc chuyên dụng nên bác sĩ Islam đã gặp khó khăn trong việc điều trị bệnh. Anh phải dùng tới phương pháp thô sơ nhất là cởi bỏ trang phục của nạn nhân rồi xả nước vào để rửa trôi chất độc.
Một đứa trẻ bị gãy dập đôi chân khi cố gắng chạy tới nơi trú ẩn an toàn.
Bác sĩ Mohammed Hassoun, hiện cũng đang làm việc tại một trung tâm y tế ở thị trấn Sarmin chia sẻ: "Những nạn nhân của vụ tấn công đã được đưa tới nhiều cơ sở y tế trên khắp tỉnh Idlib. Trong đó, trung tâm của chúng tôi phải tiếp nhận 18 nạn nhân trong tình trạng nguy kịch.
Khi được cho thở bằng khí oxy thì nhiều người đã bị tràn máu theo đường mũi và mồm. Rất may, trung tâm của bác sĩ Hassoun lại có một số dụng cụ cần thiết để điều trị cho nạn nhân bị tấn công hóa học.
Những thiết bị này được chuyển tới sau khi thị trấn Sarmin bị tấn công hóa học vào đầu cuộc nội chiến.
"Khí độc chlorine không thể khiến nạn nhân bị co giật mạnh như vậy. Tôi nghi ngờ đây là do chất độc sarin hoặc hỗn hợp nhiều loại chất độc thần kinh khác".
Những đứa trẻ ngây thơ phải gánh chịu nỗi đau quá lớn sau cuộc tấn công khủng khiếp trên chính quê hương mình.
Dư luận quốc tế đã lập tức lên án vụ tấn công vô nhân đạo nói trên. Trong đó, Ngoại trưởng Anh ông Boris Johnson cũng nhanh chóng lên tiếng: "Thật kinh hoàng khi nhận được tin về vụ tấn công tại tỉnh Idlib ở Syria.
Mặc dù không nhận được những báo cáo chính xác nhưng nhiều nguồn tin trên thực địa đã chỉ ra đây là một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học bởi chính quyền Syria".
Đây không phải lần đầu chính quyền Syria bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học với dân thường. Tôi yêu cầu Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học tiến hành điều tra vụ việc để làm rõ thủ phạm".
Một khu bệnh viện cũng bị tấn công ngay sau đó khiến con số thương vong gia tăng không ngừng nghỉ.
Vào năm 2013 vừa qua, chính quyền của Tổng thống Assad đã đồng ý tham gia Hiệp ước Không sử dụng Vũ khí Hóa học và đồng ý giao nộp toàn bộ kho vũ khí hóa học nhằm tránh sự can thiệp quân sự cứng rắn từ Mỹ.
Nhưng cho tới nay, chính quyền Syria vẫn bị cáo buộc đang tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học tại những khu vực do lực lượng đối lập kiểm soát như tỉnh Idlib, bao gồm cả trong nhiều báo cáo của các nhóm điều tra do Liên Hiệp Quốc đứng đầu.
Chính quyền Syria cũng kịch liệt phản đối cáo buộc này và khẳng định đây là vụ tấn công do phe nổi dậy "đạo diễn" nhằm khiến dư luận quốc tế tập trung công kích gây bất lợi cho các hoạt động quân sự của họ.
Những nạn nhân được chuyển tới liên tục.
Do không có đủ dụng cụ điều trị nên họ buộc phải sử dụng phương pháp khử độc thô sơ nhất.