Hành trình phá thai của 2 thiếu nữ 17 tuổi hé lộ nỗi đau âm ỉ của hàng trăm triệu phụ nữ: Tổn thương thể xác lẫn tinh thần không thể xóa mờ

Thùy Linh, Theo Pháp Luật & Bạn Đọc 03:00 01/11/2020

Trong ký ức thanh xuân của nhiều người, giáo dục giới tính như một mảnh ghép còn thiếu, gần như bị chôn vùi trong một góc khuất.

Và khi các câu khẩu hiệu quảng cáo như "Không phá thai sẽ hủy hoại thanh xuân" trở nên phổ biến hơn thì những hậu quả đau lòng ngày càng xuất hiện dày đặc hơn.

Đầu năm 2020, bộ phim "Lạc bước tuổi 17" (tên tiếng Anh: Never Rarely Sometimes Always) là một phim điện ảnh chính kịch được công chiếu tại Liên hoan phim Sundance khiến công chúng một lần nữa phải suy ngẫm lại về chủ đề phá thai ở tuổi vị thành niên. Hai cô gái 17 tuổi âm thầm và vô vọng dấn thân vào hành trình đến New York để phá thai.

Những trải nghiệm, những màn gặp gỡ và những cuộc nói chuyện suốt cuộc hành trình đã khiến những người ngồi sau màn hình mơ hồ phác họa nên những tổn thương và sự bất lực của những người trẻ lầm lỡ. Đồng thời cũng hé mở nỗi đau thầm kín của hơn 10 triệu phụ nữ Trung Quốc mỗi năm nói riêng và hàng trăm triệu phụ nữ khắp thế giới nói chung.

Hành trình phá thai của hai thiếu nữ 17 tuổi

Sau khi rơi vào tình trạng khó chịu kéo dài nhiều ngày, thiếu nữ 17 tuổi Autumn đã quyết định đến gặp bác sĩ thì được biết mình đã có thai ngoài ý muốn. Là một đứa trẻ vị thành niên không có khả năng tự lập, Autumn nhìn chiếc bụng đang to lên từng ngày của mình mà lòng tràn ngập sự sợ hãi và hối hận.

Autumn đã thử uống thuốc quá liều, uống nước súc miệng, thậm chí là đánh mạnh vào bụng với hi vọng cái thai sẽ mất đi nhưng kết quả không như ý muốn của cô.

Do các quy định và chính sách địa phương về hạn chế phá thai, Autumn đã cùng người chị họ Skylar bắt đầu một chuyến đi đến New York để phá thai. Hai cô gái 17 tuổi kéo theo một chiếc vali lớn và ngồi trên một chuyến xe giá rẻ đến nơi sầm uất xa lạ.

New York là một nơi quá đắt đỏ với hai chị em họ, do đó họ không thể thuê phòng trọ trong đêm đầu tiên mà phải ở trên tàu điện ngầm. Sau một đêm lang thang, họ đến một phòng khám cung cấp dịch vụ phá thai 18 tuần.

Hành trình phá thai của 2 thiếu nữ 17 tuổi hé lộ nỗi đau âm ỉ của hàng trăm triệu phụ nữ: Tổn thương thể xác lẫn tinh thần không thể xóa mờ - Ảnh 1.

Autumn đã cùng người chị họ Skylar bắt đầu một chuyến đi đến New York để phá thai

Tại đây, Autumn được y tá hỏi một số vấn đề trước khi vào “việc chính”. Đối với những câu hỏi đó, thiếu nữ 17 tuổi chỉ cần trả lời: Không bao giờ, Hiếm khi, Thỉnh thoảng, Thường xuyên (Never, Rarely, Sometimes, Always).

Trong 3 phút sau đó, Autumn phải trải qua rất nhiều trạng thái cảm xúc sau mỗi câu trả lời, phản ánh sự xấu hổ và ân hận của một cô gái thiếu hiểu biết. Mỗi câu trả lời là một sự tổn thương đau đớn.

- Trong 1 năm qua, bạn trai đã từ chối mang bao cao su?

- Thỉnh thoảng.

- Bạn trai có ảnh hưởng đến kế hoạch tránh thai của em hoặc làm em mang thai khi em không muốn mang thai?

- Không bao giờ.

- Bạn trai đã từng đe dọa hay uy hiếp em không?

- Hiếm khi.

- Bạn trai có đánh em hoặc làm tổn hại thể chất của em theo những cách khác nhau không?

- Thường xuyên.

- Có người đã cưỡng ép em quan hệ tình dục?

- Thường xuyên.

Khi những câu hỏi ngày càng đi sâu vào những vấn đề thầm kín, gương mặt của Autumn dần trở nên nhăn nhúm, giọng nói nghẹn ngào hơn và cuối cùng khi không thể giữ nổi bình tĩnh, cô bé đã bật khóc nức nở giữa phòng khám.

Từ những câu hỏi và phản hồi này, không khó để nhận ra nhân vật nữ chính mang thai ngoài ý muốn bắt nguồn từ bi kịch bị cưỡng ép và đe dọa bạo lực từ bạn trai của cô.

Người đàn ông đó là ai không quan trọng, điều quan trọng duy nhất là hậu quả đau lòng chỉ có thể do cô thiếu nữ này gánh chịu.

Sau đó, Autumn bước lên bàn mổ lạnh lẽo, toàn bộ quá trình phá thai tuy ngắn nhưng cơn đau âm ỉ lại kéo dài hơn tưởng tượng của một cô gái 17 tuổi. Cô nghĩ mình là một kẻ sát nhân, tự tay bóp chết một sinh mệnh yếu đuối, rất giống với hành động phá hủy một thiếu nữ yếu đuối của gã đàn ông kia.

Ngày hôm sau, Autumn đã kéo vali và lên xe trở về nhà cùng Skylar. Cả hai không nói với nhau lời nào, họ từ từ nhắm mắt lại và nắm chặt tay nhau bước vào hành trình mới của cuộc đời.

Khi tuổi trẻ qua đi, con người có thể có nhận thức sâu sắc hơn về quan hệ giữa hai giới nhưng những vấn đề kéo dài từ quá khứ thì rất khó khăn để giải quyết.

Tại sao nỗi đau đáng lẽ chỉ "hiếm khi" xảy ra lại có thể xuất hiện "thường xuyên"?

Trong thực tế, giống như Autumn, không phải cô gái nào quan hệ tình dục cũng đều là tự nguyện. Dưới sự thúc ép của đối phương, không đủ nhận thức, thiếu kiến thức tình dục đúng đắn và suy nghĩ "yêu là phải cho", các cô gái trẻ thường để đối phương dẫn dắt trong một mối quan hệ.

Tuy nhiên, hậu quả của câu chuyện lại khiến phụ nữ đau đớn nhiều hơn đàn ông.

Hành trình phá thai của 2 thiếu nữ 17 tuổi hé lộ nỗi đau âm ỉ của hàng trăm triệu phụ nữ: Tổn thương thể xác lẫn tinh thần không thể xóa mờ - Ảnh 2.

Năm 2015, Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và Y tế Trung Quốc đã công bố, những người trẻ Trung Quốc có độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu tiên là 15,9 tuổi. Trong số này, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai trong lần quan hệ đầu tiên chỉ là 53,2%.

Không có biện pháp tránh thai đồng nghĩa với khả năng mang thai cao.

Theo báo cáo của Tổ chức Thanh niên Trung Quốc năm 2015, số ca phá thai dưới 24 tuổi là hơn 10 triệu ca mỗi năm, trong đó có khoảng 50% là phá thai nhiều lần.

Bên cạnh đó, tỷ lệ phá thai bằng thuốc thành công không cao, chỉ 75%, tức là 1/4 người phá thai bằng thuốc có thể thất bại hoặc sẩy thai không hoàn toàn. Sẩy thai không hoàn toàn là trường hợp một phần thai và nhau thai vẫn còn trong tử cung.

Một phương pháp phá thai khác là phá thai nhân tạo, tuy tỷ lệ thành công tương đối cao nhưng không thể loại trừ hoàn toàn khả năng biến chứng. Tỷ lệ biến chứng vào khoảng 1%, hậu quả nặng nề nhất là thủng, vỡ tử cung, gây nguy cơ nhiễm trùng.

Dù lựa chọn cách thức nào thì người phụ nữ cũng phải chịu đựng rất nhiều đau đớn. Sau khi phá thai, họ phải chịu áp lực tâm lý rất lớn, cảm giác tội lỗi và ân hận sẽ luôn thường trực. Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA) từng công bố, sau khi chấm dứt thai kỳ một số phụ nữ sẽ rơi vào trầm cảm và nhiều bệnh tâm lý khác.

Ngoài mang thai ngoài ý muốn, quan hệ tình dục không an toàn cũng là nguyên nhân lây bệnh. Do thiếu kiến thức về tình dục của thanh thiếu niên Trung Quốc nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, tỷ lệ lây truyền bệnh tình dục đang có xu hướng trẻ hóa.

Theo số liệu chính thức, từ năm 2011 đến 2015, số bệnh nhân bị nhiễm HIV ở độ tuổi 15 - 24 đã tăng đến 35%.

Mọi phụ nữ đều có quyền nói "Không"

Thông thường, khi phát hiện con cháu ốm đau thì bất kỳ gia đình nào cũng sẽ xử lý "nhanh như chớp". Tuy nhiên khi đối mặt với vấn đề mang thai sớm và giáo dục giới tính thì thái độ của người lớn gần như là né tránh, hoàn toàn không phải là dạy dỗ, truyền đạt.

Hành trình phá thai của 2 thiếu nữ 17 tuổi hé lộ nỗi đau âm ỉ của hàng trăm triệu phụ nữ: Tổn thương thể xác lẫn tinh thần không thể xóa mờ - Ảnh 3.

Xuyên suốt bộ phim Lạc bước tuổi 17, nhân vật bạn trai, người thân và những tổn thương tình dục đều bị giấu kín nhưng qua cách đối thoại và hành xử của Autumn và Skylar, không khó để nhận ra Autumn lớn lên từ một gia đình không mấy hạnh phúc, cô bị bạn trai đối xử tệ bạc và môi trường sống xung quanh đầy ác ý và khinh thường cô.

Chuyện một cô gái cần phá thai, không chỉ có nghĩa là cô ấy không biết giữ gìn thân thể mà còn thể hiện sự non nớt, bất cẩn và thiếu trách nhiệm với bản thân cô ấy. Sự việc còn đến từ sự thờ ơ của gia đình và sự thiếu tôn trọng của bạn trai.

Và chính sự chỉ trích của xã hội là nguyên nhân đẩy họ rơi vào tình cảnh đau khổ và tuyệt vọng hơn.

Trong suốt hành trình đến New York, hai thiếu nữ 17 tuổi vừa trêu đùa vừa tâm sự rất nhiều vấn đề, không một giây một khắc nào họ ngừng suy nghĩ về chuyện trở thành đàn ông. Trong suy nghĩ của họ, trở thành đàn ông dường như đồng nghĩa với có được một "đặc ân": Được phạm sai lầm nhưng không phải gánh chịu hậu quả.

Có lẽ, thay vì nhấn mạnh phái nữ nên học cách tự bảo vệ bản thân thì chúng ta cần gấp rút dạy nam giới cách "tôn trọng" phụ nữ: Tôn trọng quyền nói "không" của bạn gái, tôn trọng ý chí tự bảo vệ và tôn trọng quyền tự chủ 100% về cơ thể.

Câu chuyện của Autumn và Skylar không chỉ phản ánh nỗi đớn đau ngày càng mãnh liệt hơn của một thiếu nữ khi mang thai ngoài ý muốn, nó còn phản ánh áp lực giới tính và bạo lực tình dục mà bất kỳ cô gái nào cũng có thể gặp phải trong quá trình trưởng thành.

Nguồn: Zhihu, Douban, Baidu