Hành trình chiến đấu với bệnh ung thư xương để tiếp tục theo đuổi công việc mơ ước của nữ tiếp viên Malaysia

Gà, Theo Helino 17:05 14/11/2019
Chia sẻ

Khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, Nur Izadura Abdul Aziz phát hiện mình mắc bệnh ung thư xương. Điều này khiến cô tưởng chừng như mình đã mất tất cả mọi thứ.

Đôi khi chúng ta vô tình bỏ qua những triệu chứng trên cơ thể mà không nghĩ rằng bản thân mình đang có bệnh. Cuộc sống không phải lúc nào cũng hoàn hảo và bạn có thể sẽ phải đối mặt với một số điều không mong muốn xảy đến. Nhưng điều quan trọng là hãy cố gắng vượt qua mọi thứ chứ đừng vội nản chí mà buông xuôi.

Hành trình chiến đấu với bệnh ung thư xương để tiếp tục theo đuổi công việc mơ ước của nữ tiếp viên Malaysia - Ảnh 1.

Nur Izadura Abdul Aziz.

Nur Izadura Abdul Aziz là một nữ tiếp viên hàng không người Malaysia đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Tuy nhiên, cô không ngờ rằng bản thân mình mắc bệnh ung thư xương. Do đó, Nur phải từ bỏ công việc mơ ước của mình vào năm 2007 sau khi được chẩn đoán mắc Ewing Sarcoma (ung thư mô liên kết - một dạng bệnh của ung thư xương).

Với nghị lực mạnh mẽ, Nur quyết không để bệnh tật cản trở mình. Cô học cách đối mặt và sống chung với căn bệnh này để tìm lại cơ hội được thực hiện tiếp ước mơ của bản thân một lần nữa.

Trải qua đợt hóa trị kéo dài suốt 1 năm, bị rụng hết tóc và mắc chứng hoang tưởng

Nur phát hiện mình mắc bệnh ung thư xương sau một lần đi khám vì bị rách dây chằng ở ngực nhưng mãi không khỏi. Bác sĩ cho biết, nó đã phát triển thành một cục u, trở thành ung thư xương về sau. Cách điều trị duy nhất lúc này là hóa trị nên Nur đã phải trải qua một đợt hóa trị kéo dài trong hơn 1 năm.

Hành trình chiến đấu với bệnh ung thư xương để tiếp tục theo đuổi công việc mơ ước của nữ tiếp viên Malaysia - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Trong suốt quá trình điều trị, Nur rất suy sụp, cô bị rụng hết tóc và toàn bộ những trải nghiệm này đều là ký ức đau thương nhất trong cuộc đời cô. Thậm chí, Nur còn mắc chứng hoang tưởng, cô không thể chịu được khi nhìn thấy bụi và không còn hứng thú muốn ăn một số loại thực phẩm như thịt. Nur dần mất mất hết tự tin và quá sợ hãi khi làm bất kỳ việc gì.

Mất đi người chị thân yêu, không dám để các con lại gần khi đang điều trị bệnh

Vào thời điểm Nur mắc bệnh ung thư, chị gái của cô cũng đang ngày ngày phải chiến đấu với bệnh bạch cầu. Điều này khiến bố mẹ của hai chị em phải thay phiên nhau chăm sóc cả hai. Thế nhưng, người chị của Nur lại không may mắn vì đã qua đời sau 7 tháng chiến đấu với bệnh bạch cầu. 

Khi biết chị gái qua đời, Nur càng thêm đau khổ và suy sụp tinh thần. Cô nhất quyết không cho các con tới thăm vì không muốn chúng nhìn thấy tình trạng nghiêm trọng của mẹ.

Mất 7 năm để hồi phục và tiếp tục theo đuổi công việc ước mơ thêm một lần nữa

Qua 1 năm chiến đấu với bệnh ung thư, các bác sĩ thông báo tình trạng bệnh của Nur đã ổn hơn. Nur quyết định dành thời gian để nghỉ ngơi và tìm lại sự tự tin của bản thân.

Sau 7 năm nghỉ ngơi và hồi phục, Nur quyết định sẽ tự đứng lại trên đôi chân của mình và theo đuổi công việc mơ ước một lần nữa. Bà mẹ 3 con đã gửi đơn ứng tuyển một lần nữa vào hãng hàng không mình làm việc trước đây và đã trúng tuyển.

Hành trình chiến đấu với bệnh ung thư xương để tiếp tục theo đuổi công việc mơ ước của nữ tiếp viên Malaysia - Ảnh 3.

Nhưng lần này, Nur phải bắt đầu mọi thứ lại từ đầu chứ không được quay về vị trí cũ như trước kia. Với sự nỗ lực của bản thân, chỉ sau vài năm, Nur đã trở lại đúng vị trí mình đạt được ngày trước. Cô cũng rất biết ơn bố mẹ và chồng vì đã luôn hỗ trợ, giúp cô tìm lại được ước mơ của bản thân.

"Bố mẹ và chồng tôi là trụ cột hỗ trợ lớn nhất khi tôi mắc bệnh ung thư. Lúc tôi biết tin mình mắc bệnh, mẹ tôi vừa mới nghỉ hưu. Vậy nhưng, bà lại dành toàn bộ thời gian chăm sóc tôi vì chồng tôi cũng vừa phải làm việc, vừa phải chăm sóc các con" - Nur kể lại.

Qua câu chuyện của mình, Nur hy vọng rằng cô có thể truyền cảm hứng cho những người đang phải ngày ngày đối mặt với bệnh ung thư xương. Hãy cố gắng kiên trì và làm mọi cách để nhanh chóng vượt qua bệnh tật.

Hành trình chiến đấu với bệnh ung thư xương để tiếp tục theo đuổi công việc mơ ước của nữ tiếp viên Malaysia - Ảnh 4.

Ung thư xương là căn bệnh như thế nào?

Ung thư xương là sự xuất hiện của những khối u ác tính trong xương, nhưng vẫn có những khối u lành tính sẽ không làm ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn. Khi những tế bào ung thư tăng trưởng, cạnh tranh với mô xương lành thì nó có thể đe dọa tới tính mạng của bạn. Vì vậy, việc tìm ra bệnh ngay từ sớm sẽ hỗ trợ không nhỏ giúp việc điều trị bệnh ung thư đạt kết quả cao hơn.

Hành trình chiến đấu với bệnh ung thư xương để tiếp tục theo đuổi công việc mơ ước của nữ tiếp viên Malaysia - Ảnh 5.

Bệnh ung thư xương gồm 3 cấp độ là nhẹ, trung bình và nặng. Mỗi cấp độ sẽ có những triệu chứng khác nhau ở từng giai đoạn ung thư. Theo đó, ung thư xương ở cấp độ nhẹ (giai đoạn đầu) là lúc các tế bào ung thư vẫn còn khu trú trong xương nên việc điều trị sẽ có nhiều cơ hội cao hơn. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển đến cấp độ nặng (giai đoạn cuối) sẽ gây ra nhiều vấn đề ở trên cùng một vị trí xương, sau đó lan dần ra bề mặt của xương, xâm lấn đến hạch bạch huyết và di căn sang các bộ phận khác trong cơ thể như gan, phổi, não...

Một số triệu chứng điển hình của bệnh ung thư xương mà bạn không nên chủ quan bỏ qua

- Sưng hoặc nổi u cục bất thường: Trong thời kỳ đầu, khối u có thể xuất hiện khi bạn sờ thấy xương của mình bị biến dạng hoặc sưng đau, nổi u cục bất thường. Nếu tình trạng sưng kéo dài quá lâu, mô xương sẽ bị nhô ra ngoài, làm xuất hiện những chỗ lồi lõm khác thường trên cơ thể.

- Bị teo cơ: Nếu người bệnh bị ung thư xương tiến triển tới gần giai đoạn cuối thì không chỉ gặp phải tình trạng sưng, đau mà còn bị ảnh hưởng tới cả chức năng xương, từ đó là nguyên nhân gây ra các triệu chứng như teo cơ, rối loạn chức năng xương...

- Có cảm giác bị đè nén, chèn ép trong cơ thể: Khi khối u phát triển trong khoang sọ và khoang mũi thì nó có thể gây ra sự chèn ép trong não và mũi của bạn. Đây cũng là nguyên nhân khiến não và mũi của bạn trở nên chậm chạp, gặp vấn đề trong quá trình hô hấp. Ngoài ra, những khối u ở vùng chậu còn đè nén vào trực tràng, bàng quang, ruột... nên gây cảm giác khó tiểu, hoặc khối u ở tủy sẽ đè nén cột sống và gây tê liệt cơ thể.

- Đau nhức toàn thân thường xuyên: Khi khối u xương tiến đến giai đoạn cuối, các độc tố trong khối u này sẽ kích thích đau và gây ra một loạt triệu chứng như mất ngủ, khó chịu, chán ăn, bơ phờ, xanh xao, giảm cân đột ngột, thiếu máu... Nếu gặp phải các triệu chứng này, bạn nên dành thời gian đi khám sớm để được bác sĩ chuyên khoa đưa ra phương pháp chữa bệnh hiệu quả.

- Dễ bị gãy xương: Tại phần xương bị bệnh, dù chỉ một tác động nhẹ cũng có thể khiến vùng xương đó bị gãy hoặc đau nhức nghiêm trọng. Đặc biệt, nếu tình trạng đau xương diễn ra thường xuyên thì có thể bạn không chỉ bị gãy xương mà còn có nguy cơ liệt chân. Vì vậy, hãy chủ động đi khám bệnh ngay khi gặp phải các triệu chứng khác thường trên cơ thể của mình.

Source (Nguồn): Malaymail, Health

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày