19 năm cơ cực của Lê Văn Công
Lúc Lê Văn Công mới chào đời, mẹ của anh chỉ biết nuốt nước mắt vào trong khi nhìn xuống phía dưới khuôn mặt thiên thần là đôi chân teo tóp của cậu con trai, di chứng của một trận sốt xuất huyết trong lúc bà mang thai Lê Văn Công.
Lê Văn Công ban đầu cũng chỉ biết tự hỏi vì sao mình không có đôi chân lành lặn như các bạn, nhưng càng lớn cậu bé càng không thể quên được những ánh mắt mà mọi người nhìn vào mình. Trong những ánh mắt ấy có sự thương xót và cả kỳ lạ của hàng xóm, láng giềng.
Lê Văn Công đã phải vượt qua tuổi thơ cơ cực trước khi được đền đáp xứng đáng.
Ban đầu, Lê Văn Công luôn mặc cảm với đôi chân tật nguyền bẩm sinh của mình. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Hà Tĩnh, nhà lại đông con, Lê Văn Công cũng chẳng thể làm gì giúp bố mẹ những công việc đồng áng. Nhìn bố mẹ phải vất vả chạy ăn từng bữa lo cho 5 anh em, Công càng thêm tủi thân.
"Mình không thể cứ sống bám mãi vào bố mẹ, trở thành gánh nặng cho gia đình thêm nữa". Vậy là ở tuổi 19, Công xin phép bố mẹ cho vào TP.HCM học nghề sửa chữa điện tử tại một trường dạy nghề cho người khuyết tật. Đó là năm 2005 và khi mới vào TP.HCM, Công phải xin đi chà giấy nhám ở các xưởng mộc để lấy tiền trang trải cuộc sống.
Nhưng khi ra trường, Công không xin được việc làm bởi không chỗ nào chịu nhận một chàng thanh niên tật nguyền. Phải lăn lộn, bươn trải và làm mọi việc bằng tay, nên tay của Công khá to. Công được giới thiệu sang tập tại Trung tâm TDTT Tân Bình và bén duyên với cử tạ như một bước ngoặt của cuộc đời.
Hạnh phúc đã mỉm cười
Dưới sự hướng dẫn của HLV Nguyễn Hồng Phúc, người thầy đã phát hiện và gắn bó với Lê Văn Công suốt gần chục năm qua, lực sỹ sinh năm 1984 nỗ lực bền bỉ với niềm tin sẽ thay đổi được số phận nhờ thể thao.
Chỉ chưa đầy 1 năm, Công đã có thể tham gia tranh tài, trong khi những người bình thường phải tập mất ít nhất 2 năm. Ngay ở giải thể thao người khuyết tật năm 2005 tổ chức tại Hà Nội, Lê Văn Công đã xuất sắc giành tấm HCB.
Năm 2009, Lê Văn Công giành HCV Para Games với kỷ lục 165 kg, nhưng anh bất ngờ gặp tai nạn xe máy chấn thương khớp vai khiến anh phải nghỉ thi đấu 3 năm. Bằng nghị lực phi thường, Lê Văn Công đã trở lại mạnh mẽ kể từ năm 2011 để liên tục đứng trên đỉnh vinh quang với những chiếc HCV châu Á và thế giới.
Nghị lực phi thường giúp Lê Văn Công giành được rất nhiều danh hiệu.
Nhắc đến thành công của Lê Văn Công, không thể không nhắc tới mái ấm bình dị, nhưng luôn rộn rã tiếng cười. Vượt qua mọi trở ngại, chị Út Tám đã quyết định về xây tổ ấm với Lê Văn Công và hiện tại hai vợ chồng hạnh phúc với cậu nhóc Tuấn Anh được hơn 5 tuổi cùng cô công chúa mới sinh cách đây chưa lâu.
Ban đầu, gia đình chị Út Tám cũng cấm cản rất dữ. Nhưng chị vẫn quyết dọn về chung nhà với anh Công và sau đó, tình cảm chân thành, sự thật thà, chất phác và nghị lực phi thường của anh Công đã chinh phụ được "các phụ huynh". Như chị Út Tám từng tâm sự, ba má chị giờ còn thương anh Công hơn thương con gái.
Khi mới vào TP.HCM, Lê Văn Công phải ở trọ trong căn phòng 10m2. Nhờ chăm chỉ và tích góp được tiền thưởng từ những lần thi đấu và giành huy chương, nên mới đây vợ chồng anh đã mua được nhà để thoát cảnh ở thuê. Vì không có nhiều tiền nên anh Công phải mua nhà ở bên tỉnh Long An, nhưng có được một mái ấm của riêng mình cũng là niềm hạnh phúc quá lớn với anh.
Lê Văn Công hạnh phúc bên gia đình nhỏ.
Người ta vẫn thường nói, trời không cho ai tất cả và cũng không lấy của ai tất cả. Số phận đã lấy đi đôi chân của Lê Văn Công, nhưng số phận cũng cho anh tố chất bẩm sinh của một lực sỹ cử tạ và hạnh phúc cũng đã mỉm cười trong tổ ấm luôn rộn tiếng cười của người vừa giành tấm HCV lịch sử cho thể thao Việt Nam ở Paralympic Rio 2016.
Thành tích đáng chú ý của Lê Văn Công (hạng 49kg)
HCB toàn quốc 2005
HCV châu Á 2007
HCB giải vô địch cử tạ thế giới 2007
HCV Para Games 2009, 2014
HCB thế giới tháng 4.2014
HCV Đại hội thể thao châu Á 10.2014
HCV châu Á 2015
HCV Paralympic Rio 2016