Tờ Independent đưa tin, cô Kate Barke cùng 2 con gái 9 tuổi và 11 tuổi có chuyến bay ngày 1/8 vừa qua từ sân bay Stansted, London đến Palma de Mallorca du lịch. Tuy nhiên, nữ hành khách đã bị từ chối lên máy bay vì vấn đề giấy tờ.
Sau khi ký gửi hành lý và hoàn tất mọi thủ tục, cô Kate cùng 2 con đi tới cổng để lên máy bay đúng giờ, nhưng bị từ chối. "Tại cổng chuẩn bị lên máy bay, một cô gái (nhân viên hàng không) nói 'Chị không thể lên máy bay được'" - Kate cho biết.
Lý do đưa ra là, mặc dù hộ chiếu của cô tới tháng 2/2023 mới hết hạn, nó không tuân thủ quy định hàng không mới cho hành khách từ Anh, áp dụng sau Brexit. Theo đó, hộ chiếu cho công dân của một "nước thứ ba" phải được cấp trong thời hạn ít hơn 10 năm tính đến ngày bay vào lãnh thổ EU.
Cô Kate chia sẻ: "Bọn trẻ hoảng đến mức không thể dỗ được. Tôi phải giữ bình tĩnh vì các cháu. Tôi nhớ là tôi đã nói 'Em dâu mẹ đang ở trên máy bay'. Tất cả đều lo lắng về hộ chiếu của tôi và làm sao để lấy hành lý xuống khỏi máy bay".
Ảnh minh họa
Rất may là, người dì của 2 cháu nhỏ cũng ở trên máy bay sang Tây Ban Nha. Cô này đã phải quay lại cổng để đón 2 bé gái lên cùng. Kate chia sẻ cô thực sự "hoảng loạn" trong khi những người khác "bấn loạn" và vụ việc đã "gây tổn thương".
Cô cũng cho biết không ai đề nghị hỗ trợ hay giúp đỡ gì và người mẹ phải đi bộ một mình về sân bay để tìm hành lý. Chuyến bay sau đó đã bị hoãn một lúc để giao lại hành lý nhưng vẫn bay kịp đến Mallorca đúng giờ đã định.
Kate nói với tờ The Independent: "Tôi được cho rất ít thời gian, sự hỗ trợ hoặc các lựa chọn trong một tình huống vô cùng khó chịu và căng thẳng, 16 phút trước khi chuyến bay chuẩn bị khởi hành.
Hệ thống có sai sót. Nếu việc làm thủ tục chỉ yêu cầu ngày hết hạn của hộ chiếu trong khi trên thực tế yêu cầu cả ngày cấp và sau đó có thể dẫn đến loại tình huống khủng khiếp này, thì ngành hàng không cần thực hiện một số thay đổi lớn".
Ryanair yêu cầu hành khách ở Vương quốc Anh xác nhận rằng hộ chiếu của họ đáp ứng 2 điều kiện nhập cảnh vào EU - dưới 10 năm tuổi vào ngày đi ra nước ngoài, còn lại ít nhất 3 tháng vào ngày dự định trở về - nhưng kỳ lạ là hành khách vẫn có thể làm thủ tục ngay cả khi quy tắc đầu tiên bị vi phạm.
Trẻ em ở Anh cần ủy quyền từ cha mẹ để bay cùng người trưởng thành khác
Cô Barke đã xoay sở để có được một cuộc hẹn khẩn cấp nhằm gia hạn hộ chiếu trong cùng ngày và đã được bay ngay hôm sau, 2/8.
Người phát ngôn của Ryanair cho biết: "Hành khách này đã bị từ chối bay đúng (quy trình) vì hộ chiếu của cô ấy không đáp ứng các yêu cầu nhập cảnh để đi đến EU (Tây Ban Nha).
Sau khi được nhân viên xử lý của chúng tôi ở London Stansted nói rằng cô ấy không được phép đi chuyến bay này đến Tây Ban Nha với 2 con của mình, hành khách đã thông báo cho nhân viên đó rằng em dâu của cô ấy cũng đi cùng chuyến bay và có thể hộ tống 2 cháu bé".
Hãng bay cũng phủ nhận việc không kiểm tra nghiêm ngặt khiến hành khách này không được bay cùng con là sai và Kate đã trực tiếp ủy quyền cho em dâu hộ tống các con.
"Không có lúc nào mà các cháu bé bị bỏ lại một mình và vì cha mẹ đã trực tiếp cho phép, các cháu đã được bay với em dâu của nữ hành khách".
Cô Kate đã phải tự bỏ khoảng 500 bảng Anh (14,2 triệu đồng) do hậu quả của vụ việc.
Các quy định về việc đi du lịch nước ngoài mà không có cha mẹ đi cùng là không rõ ràng tại Anh. Chính phủ Vương quốc Anh cho biết: "Một lá thư từ người có trách nhiệm làm cha mẹ đối với đứa trẻ thường là đủ chứng minh bạn được phép đưa chúng ra nước ngoài.
Bạn có thể được yêu cầu trình thư tại biên giới Vương quốc Anh hoặc nước ngoài, hay nếu có tranh chấp về việc đưa trẻ ra nước ngoài. Bức thư phải bao gồm các chi tiết liên lạc của người kia và thông tin chi tiết về chuyến đi".
Tại Việt Nam, trẻ em dưới 12 tuổi đi máy bay cần có người lớn trên 18 tuổi đi cùng. Người này không nhất thiết là cha mẹ, chỉ cần có giấy tờ ủy quyền của cha mẹ hoặc giấy chứng minh quan hệ thân nhân.
Đối với trẻ em trên 12 tuổi có thể bay một mình, nhưng cần mang thêm bản cam kết của đại diện hợp pháp. Hơn nữa, dù có thể bay một mình nhưng trẻ sẽ cần sự có mặt của người đại diện khi làm thủ tục check-in.
Nguồn: The Independentt