Hàn Quốc, Nhật Bản có số ca mắc mới cao kỷ lục, châu Âu có xu hướng nới lỏng biện pháp hạn chế

Quỳnh Chi, Theo VTV 09:58 26/01/2022

Đến sáng 26/1, thế giới có trên 357,74 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,62 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 73,16 triệu ca mắc và hơn 893.400 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 203.900 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) cùng Bộ Ngoại giao Mỹ đã khuyến cáo người dân nước này tránh đến 15 quốc gia và vùng lãnh thổ do lo ngại sự lây lan của đại dịch COVID-19. CDC Mỹ đã nâng mức cảnh báo đi lại lên "Cấp độ 4: Rất cao" đối với Colombia, Costa Rica, CH Dominica, Fiji, Jamaica, Guadalupe, Kuwait, Mongolia, Niger, Peru, Romania, Saint Barthelemy, Saint Martin, Tunisia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Đến nay, CDC Mỹ đã khuyến cáo hạn chế đi lại đối với 115 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tương tự, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã tăng mức cảnh báo đi lại lên "Cấp độ 4: Không đi lại" đối với những quốc gia và vùng lãnh thổ nằm trong danh sách trên. Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa khoảng 140 quốc gia và vùng lãnh thổ vào danh sách "Không đi lại", trong đó có cả một số khu vực không phải vì lý do dịch bệnh COVID-19.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 25/1, nước này ghi nhận tổng cộng trên 39,79 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 490.400 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 623.400 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 24,13 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Mặc dù châu Âu đang phải đối mặt với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, nhiều quốc gia trong khu vực đang có xu hướng nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Dù đề cập đến "hy vọng vào sự ổn định" trong năm nay, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge cảnh báo rằng, đại dịch COVID-19 còn "lâu mới kết thúc" và vẫn còn quá sớm để nới lỏng các biện pháp hạn chế. Theo quan chức này, biến thể Omicron đang lan truyền với tốc độ "chưa từng có" và phần lớn những người cần được điều trị tích cực trong khu vực có khả năng là chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Chính phủ Anh cho biết sẽ bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 bắt buộc với người nhập cảnh đã tiêm vaccine đầy đủ, cũng như không cách ly người chưa tiêm vaccine. Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Anh, từ ngày 11/2, các yêu cầu cũ sẽ được bãi bỏ để giúp việc đi lại dễ dàng hơn, tiết kiệm hơn, đồng thời mang lại sự chắc chắn trong hồi phục cho ngành vận tải và du lịch.

Mặc dù vậy, những người chưa tiêm vaccine sẽ được yêu cầu làm xét nghiệm PCR trước khi lên máy bay, sau khi nhập cảnh và cung cấp đầy đủ thông tin vào mẫu định vị hành khách. Anh cũng sẽ chấp nhận giấy chứng nhận vaccine từ 16 quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc và Mexico, nâng tổng số quốc gia mà Anh công nhận chứng nhận tiêm vaccine COVID-19 lên hơn 180 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Hàn Quốc, Nhật Bản có số ca mắc mới cao kỷ lục, châu Âu có xu hướng nới lỏng biện pháp hạn chế - Ảnh 1.

Anh sẽ bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 bắt buộc với người nhập cảnh đã tiêm vaccine đầy đủ. (Ảnh: AP)

Chính phủ Thái Lan đang tăng cường triển khai mũi tiêm ngừa COVID-19 thứ tư cho người dân tại các địa phương có ngành du lịch là mũi nhọn trong bối cảnh vào tháng 2 tới, quốc gia Đông Nam Á này chuẩn bị mở cửa trở lại các đường biên giới.

Bộ Y tế Thái Lan sẽ tiêm mũi vaccine thứ tư cho khoảng 2,5 triệu người, bao gồm cả người dân Thái Lan và người nước ngoài tại nhiều tỉnh thành, trong đó có những địa điểm du lịch nổi tiếng. Giới chức Thái Lan cho biết, loại vaccine sẽ sử dụng cho mũi thứ tư là vaccine của AstraZeneca và Pfizer-BioNTech, áp dụng với những người đã tiêm mũi vaccine thứ ba ít nhất 3 tháng. Cho đến nay, Thái Lan đã tiêm hơn 800.000 mũi vaccine thứ tư, hầu hết cho các nhân viên y tế và những người thuộc nhóm nguy cơ cao.

Chính phủ Thái Lan cũng sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi từ 5-11 vào ngày 31/1, với ưu tiên dành cho những nhóm dễ bị tổn thương. Người phát ngôn của Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết, đợt tiêm chủng này sẽ sử dụng 3 triệu liều vaccine do Pfizer-BioNTech sản xuất, bắt đầu bằng việc tiêm cho trẻ em thuộc các nhóm dễ bị tổn thương tại Viện Sức khỏe trẻ em quốc gia mang tên Hoàng hậu Sirikit trước khi được cung cấp cho các trẻ em khác.

Ngày 25/1, Thái Lan thông báo ghi nhận thêm 6.718 ca mắc mới cùng 12 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên trên 2.39 triệu người, trong đó có 22.057 bệnh nhân không qua khỏi.

Bộ Y tế Philippines (DOH) ngày 25/1 thông báo có thêm 17.677 ca mắc mới COVID-19, nâng số người nhiễm bệnh ở quốc gia Đông Nam Á này lên trên 3,45 triệu trường hợp. Trong khi đó, số ca đang được điều trị đã giảm xuống còn 247.451 bệnh nhân khi tỷ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 cũng giảm còn 37,2%, lần đầu tiên xuống dưới mức 40% kể từ ngày 6/1. DOH cũng cho biết, số ca tử vong vì COVID-19 đã tăng lên 53.598 sau khi có thêm 79 người không qua khỏi.

Bộ trưởng Bộ Y tế Philippines Francisco Duque cho biết, mức độ rủi ro COVID-19 đối với Philippines và khu vực thủ đô của nước này đã được điều chỉnh từ "nguy cơ nghiêm trọng" xuống mức "nguy cơ cao". Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Maria Rosario Vergeire, Omicron hiện là biến thể "chiếm ưu thế hơn" ở vùng thủ đô Manila và đang lan rộng ở các khu vực khác.

Ngày 25/1, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Indonesia Johnny Gerald Plate cho biết, mô hình "bong bóng du lịch" sẽ áp dụng cho các sự kiện trong năm Chủ tịch Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Indonesia cần chuẩn bị phương án "bong bóng du lịch" trước diễn biến hiện nay của dịch COVID-19 nhằm đảm bảo thành công cho Hội nghị thượng đỉnh G20 với 158 cuộc họp tại 19 thành phố với sự tham gia của 20.988 đại biểu. Theo Bộ trưởng Johnny, "bong bóng du lịch" sẽ được triển khai phù hợp với diễn tiến của biến thể Omicron vốn đang lây lan mạnh tại hàng loạt quốc gia trên thế giới. Trước đó, mô hình này đã được áp dụng cho Đại hội Thể thao quốc gia (PON XX) tại tỉnh Papua hồi cuối năm 2021.

Dịch bệnh tại Hàn Quốc tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngày 25/1, Hàn Quốc ghi nhận 8.566 ca mắc mới COVID-19, đây là con số theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Hàn Quốc. Hàn Quốc xác nhận, Omicron đã trở thành biến thể lây nhiễm chính ở nước này. Tỷ lệ nhiễm biến thể Omicron tính đến tuần thứ ba của tháng 1 là 50%. Số ca mắc mới tăng cao bất chấp việc Hàn Quốc đã khôi phục các quy tắc giãn cách xã hội nghiêm ngặt từ hồi tháng 12/2021.

Chính phủ Hàn Quốc đang lo ngại về một đợt lây lan lớn có thể xảy ra trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi hàng chục triệu người sẽ di chuyển khắp đất nước để du lịch hoặc đoàn tụ với gia đình. Thủ tướng Hàn Quốc đã lên tiếng kêu gọi mọi người hạn chế đi lại và tụ tập trong thời gian nghỉ tết.

Hàn Quốc, Nhật Bản có số ca mắc mới cao kỷ lục, châu Âu có xu hướng nới lỏng biện pháp hạn chế - Ảnh 2.

Nhật Bản ngày 25/1 đã ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục. (Ảnh: AP)

Tại Nhật Bản, liên tiếp trong những ngày qua số ca nhiễm mới duy trì ở mức cao, từ 40.000 - 50.000 ca/ngày. Điều này đã và đang gây áp lực lớn đối với hệ thống y tế của Nhật Bản. Nhằm kiểm soát dịch bệnh, ngày 25/1, thêm nhiều địa phương ở nước này phải áp dụng biện pháp trọng điểm để phòng COVID-19.

Sau khi tham vấn ý kiến của ủy ban chuyên gia, Chính phủ Nhật Bản đã quyết áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm tại thêm 18 tỉnh, thành, thời gian áp dụng là từ ngày 27/1 - 20/2. Như vậy, sẽ có tổng cộng 34 địa phương tại Nhật Bản phải áp dụng các biện pháp này. Đối với 3 địa phương là Okinawa, Yamaguchi và Hiroshima, biện pháp phòng dịch trọng điểm thay vì kết thúc vào 31/1 cũng sẽ kéo dài đến ngày 20/2.

Sau khi ban hành quyết định thực hiện các biện pháp trọng điểm phòng dịch COVID-19, chính quyền các địa phương sẽ có quyền áp dụng các biện pháp mạnh hơn như hạn chế số lượng người tham gia sự kiện hoặc yêu cầu các nhà hàng rút ngắn thời gian hoạt động.

Chính phủ Nhật Bản kêu gọi người dân cần cảnh giác với tình hình dịch hiện tại dù biến thể Omicron, nguyên nhân chính của làn sóng dịch hiện nay tại Nhật Bản, không nguy hiểm như biến thể Delta. Nhật Bản cũng xem xét sẽ tái ban bố tình trạng khẩn cấp trên cơ sở tình hình dịch bệnh và áp lực đối với hệ thống y tế của các địa phương.

Một nghiên cứu thuộc Viện Phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm quốc gia Trung Quốc đã phát hiện ra rằng, vật chủ trung gian lây nhiễm biến thể Omicron nhiều khả năng là loài chuột. Nhóm nghiên cứu đã tính toán số lượng đột biến trung bình ở 5 biến thể "đáng quan ngại" là Beta, Alpha, Gamma, Delta và Omicron; cũng như tìm hiểu những đột biến chính ở protein Gai của virus, nơi bắt nguồn của sự lây nhiễm. Họ đã phát hiện biến thể Omicron có các đột biến ở 5 vị trí chính của protein gai và điều này cho thấy, virus đã thích nghi để lây nhiễm sang các tế bào của chuột.

Ngoài ra, sơ đồ "cây phả hệ" cũng cho thấy, biến thể Omicron và Gamma có khả năng đã tồn tại từ giữa năm 2020. Điều này ủng hộ giả thuyết rằng Omicron có thể đã tiến hóa từ chuột trước khi lây trở lại con người.