Tính tới thời điểm hiện tại, Hà Nội có khoảng 70 cây cầu bộ hành được bố trí ở các nút giao cắt và các khu vực gần bệnh viện, trường học, nhằm hỗ trợ người dân có thể qua đường an toàn.
Tuy nhiên, người dân lại tỏ thái độ “thờ ờ” trước sự tồn tại của những cây cầu bộ hành này, và chọn cách băng qua đường trước dòng xe cộ nườm nượp, bất chấp những nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay và dần trở thành hình ảnh phổ biến trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội.
Ở khu vực trước cổng bệnh viện K cơ sở Tân Triều, tình trạng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân thản nhiên băng qua đường, mặc cầu bộ hành cách đó chỉ vài bước chân.
Chưa đến 15 phút, dễ dàng bắt gặp hàng trăm trường hợp người đi bộ băng băng qua đường, bất chấp trên đường đang có rất nhiều ô tô, xe máy đang lưu thông.
Khi hỏi người dân về vấn đề này, nhiều người cho rằng việc lên cầu bộ hành quá mất thời gian và công sức. “Tôi thấy việc qua cầu lâu quá, mà tôi cũng có tuổi, leo lên leo xuống rất mỏi chân, nên tôi nghĩ đi thẳng luôn qua đường cũng không có vấn đề”. Ông Nguyễn Quang Liêm (63 tuổi, Triều Khúc) cho hay.
Những cầu bộ hành khi bị lãng quên, dần trở thành địa điểm để người nhà bệnh nhân tụ tập, nghỉ chân.
Một vài tiểu thương còn tận dụng sự vắng vẻ của cây cầu để biến thành nơi buôn bán.
Ở khu vực bệnh viện Thanh Nhàn, hình ảnh người dân thản nhiên băng qua đường quá đỗi quen thuộc. Tuy có không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra, nhưng người dân vẫn không sử dụng cầu vượt bộ hành.
Thường xuyên đỗ xe đón khách ở trước cổng bệnh viện, anh Thanh (22 tuổi, Bắc Từ Liêm), tài xế xe ôm công nghệ chứng kiến không ít vụ va chạm do người dân băng qua đường. “Nhiều lần tôi thấy có bạn thanh niên vội vàng chạy vút qua mà không để ý đường, thế là bị một chú đang đi xe máy va vào. Vụ đấy là còn nhẹ vì chú đi chậm, chứ nhiều vụ còn gãy chân, gãy tay”.
Nguy hiểm là vậy, nhưng người dân vẫn “từ chối” sử dụng cầu bộ hành, khiến những cây cầu này đang dần bị lãng quên.