Góc trong cuộc: Tiếng Trung hot nhưng khó, dân học nói thật hàng loạt điều không ai dạy trên lớp

Đông - Trang Vũ, Theo Đời sống & Pháp luật 00:03 10/05/2025
Chia sẻ

Cùng lắng nghe xem vì sao các bạn trẻ lại "chốt đơn" học tiếng Trung nhé!

Nếu trước đây tiếng Anh là "ngôn ngữ toàn cầu" không ai dám bỏ qua, thì giờ đây, tiếng Trung đang có màn bứt phá ngoạn mục trên đường đua ngôn ngữ, trở thành "chiếc chìa khóa vàng" mở ra cơ hội học tập, việc làm và hội nhập quốc tế. Không còn là xu hướng ngắn hạn, học tiếng Trung đang dần trở thành chiến lược dài hơi của nhiều bạn trẻ gen Z.

Không tin ư? Nhìn vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 mà xem! Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc tiếp tục giữ "ngôi vương" điểm chuẩn trong nhóm ngành ngôn ngữ, cho thấy sức hút không đùa được đâu của thứ ngôn ngữ có hơn 1,4 tỷ người sử dụng. Chưa kể, tiếng Trung hiện được giảng dạy ở hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ châu Á, châu Âu đến châu Mỹ, đâu đâu cũng có người học, người dùng, người mê tiếng Trung. Thế nên, không khó hiểu khi càng ngày càng nhiều bạn trẻ Việt Nam đổ xô đi học tiếng Trung như một cách để đón đầu tương lai.

Vậy điều gì khiến tiếng Trung trở thành lựa chọn "quốc dân" của Gen Z Việt trong những mùa tuyển sinh gần đây? Không chỉ vì điểm chuẩn "chạm nóc", mà còn bởi những lý do rất thực tế, rất Gen Z: từ đam mê văn hóa, cơ hội việc làm hấp dẫn, cho tới khát vọng vươn ra thế giới. Cùng nghe chính các bạn sinh viên đang theo học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc chia sẻ xem, điều gì đã khiến họ "chốt đơn" với ngôn ngữ này nhé!

1001 lý do để bạn trẻ "all in" vào tiếng Trung

Không phải ngẫu nhiên mà tiếng Trung đã trở thành một trong những ngôn ngữ được ưa chuộng nhất hiện nay. Ngoài lý do truyền thống như dân số đông đảo và sức mạnh kinh tế vượt trội của Trung Quốc, sự bùng nổ mạnh mẽ của văn hóa Hoa ngữ, cơ hội việc làm đa dạng, học bổng hấp dẫn cùng sức hút từ phim ảnh, idol và game... đã khiến tiếng Trung ngày càng chiếm lĩnh sự lựa chọn của thế hệ Gen Z.

Diệu Linh, sinh viên năm 4 ngành Ngôn ngữ Trung tại Trường Ngoại ngữ - Du lịch, Đại học Công nghiệp Hà Nội, quyết định theo đuổi tiếng Trung cũng vì những lý do như vậy. Ban đầu, mục tiêu của cô bạn chỉ đơn giản là để xem phim mà không cần phụ đề. Tuy nhiên, theo thời gian, nữ sinh nhận ra tiếng Trung đang ngày càng phổ biến và có nhiều cơ hội việc làm, đồng thời mở rộng mối quan hệ nên "all in" vào ngành này là hoàn toàn hợp lý.

Góc trong cuộc: Tiếng Trung hot nhưng khó, dân học nói thật hàng loạt điều không ai dạy trên lớp- Ảnh 1.

Có nhiều lý do để Diệu Linh theo đuổi ngành tiếng Trung.

Lệ Quyên, sinh viên năm 4 ngành Ngôn ngữ Trung tại Đại học Sư phạm Hà Nội, cũng có lý do riêng khi học ngôn ngữ của "đất nước tỷ dân": "Mọi người thường nghĩ học ngoại ngữ chỉ để làm phiên dịch, nhưng với tiếng Trung, mình nhận thấy ngôn ngữ này mang lại nhiều cơ hội hơn thế. Mình học tiếng Trung để hiểu văn hóa, mở rộng tầm mắt và tạo cơ hội du học. Càng học, mình càng thấy tiếng Trung không khó, chỉ cần kiên trì là có thể chinh phục".

Với thị trường lao động hiện nay, nhu cầu tìm kiếm ứng viên có khả năng giao tiếp và làm việc với các đối tác Trung Quốc đang ngày càng lớn, nhất là khi các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng mạnh mẽ tại Việt Nam. Diệu Huyền, sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc tại Đại học Ngoại ngữ, là một ví dụ điển hình "học tiếng Trung để tìm job xịn lương cao". 

"Mình không chỉ học tiếng Trung vì đam mê mà còn vì cơ hội nghề nghiệp rộng mở trong tương lai. Các công ty đa quốc gia và tập đoàn lớn luôn tìm kiếm những nhân sự có khả năng giao tiếp với đối tác Trung Quốc, và tiếng Trung chính là lợi thế của mình", Huyền nói.

Bên cạnh cơ hội việc làm rộng mở, tiếng Trung còn là "chiếc vé vàng" để du học. Hàng nghìn suất học bổng toàn phần từ Chính phủ Trung Quốc, các trường đại học và Viện Khổng Tử luôn chờ đón những bạn trẻ có năng lực ngôn ngữ. Ngọc Mai, sinh viên năm cuối tại Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ: "Mình vừa được nhận học bổng CSC để học thạc sĩ ngành Quản trị tại Đại học Bắc Kinh. Nhờ tiếng Trung, mình không chỉ có cơ hội học tập ở nước ngoài mà còn có thêm bạn bè, trải nghiệm và định hướng sự nghiệp rõ ràng hơn".

Tiếng Trung hot thật đấy, nhưng mà cũng khó phải biết!

Dẫu "hot" là vậy nhưng nhiều người khi mới bắt đầu học tiếng Trung đều thốt lên: "Sao mà khó thế!". Bởi không giống như tiếng Anh với bảng chữ cái Latinh quen thuộc, tiếng Trung là ngôn ngữ tượng hình, tức mỗi chữ là một hình vẽ riêng biệt, không đánh vần được, không ghép âm đơn giản. Người học phải ghi nhớ hàng nghìn ký tự, mỗi chữ có thể mang nhiều nghĩa khác nhau tùy vào ngữ cảnh. Phát âm tuy có phiên âm Pinyin hỗ trợ, nhưng lại có 4 thanh điệu (thậm chí là 5 nếu tính thanh nhẹ), chỉ cần lệch tông là... thành nghĩa khác. Thử tưởng tượng bạn nói "mā" (mẹ) thành "mǎ" (ngựa), thì ai cũng phải dở khóc dở cười.

Cả Diệu Linh, Thùy Linh và nhiều sinh viên khác khi lần đầu tiếp xúc với tiếng Trung cũng rơi vào cảnh "dở khóc dở cười" như thế. Đối với Diệu Linh, thử thách lớn nhất chính là khả năng nghe và nói. Tiếng Trung giao tiếp nhanh và chứa nhiều từ đồng âm, nếu không luyện tập đều đặn thì rất dễ hiểu nhầm. Cô bạn chia sẻ về lần đầu gặp giáo viên người Trung Quốc trong một buổi dạy thay: 

"Khi đó, mình chỉ mới bắt đầu học tiếng Trung, nên khi giao tiếp với cô giáo, có rất nhiều từ cô không hiểu bản thân đang nói gì. Mình đã tự hỏi liệu do bản thân học dở, phát âm chưa chuẩn, không thể nói trôi chảy được, vậy có phải mình không phù hợp với ngành này?".

Góc trong cuộc: Tiếng Trung hot nhưng khó, dân học nói thật hàng loạt điều không ai dạy trên lớp- Ảnh 2.

Mới học tiếng Trung, Diệu Linh rơi vào nhiều tình huống "dở khóc dở cười".

Tuy nhiên, sau vài lần được cô động viên và mạnh dạn nói nhiều hơn, khả năng nói tiếng Trung của Diệu Linh đã tiến bộ rõ rệt. Cô rút ra bài học quan trọng: Khi học một ngôn ngữ mới, điều quan trọng là không sợ sai. Sai thì sửa, cái gì không biết thì hỏi, và phải nói nhiều, vì chỉ khi nói ra mới nhận ra mình sai ở đâu để sửa.

Còn với Thuỳ Linh, điều khó nhất với cô bạn khi học là duy trì động lực học lâu dài. Bởi lẽ, tiếng Trung đòi hỏi sự kiên nhẫn và kiên trì, nhất là khi học chữ Hán hoặc luyện nghe nói thành thạo. Nhiều lúc cô bạn nản lòng vì học mãi mà vẫn quên từ, nhưng cứ nghĩ đến mục tiêu ban đầu là lại cố gắng tiếp tục. 

"Mình nhớ nhất lần đầu tiên 'chém gió' thành công bằng tiếng Trung. Hồi mới học, mình cứ nghĩ mình nói sai là người ta sẽ cười, nhưng một lần đi phố cổ, gặp một bác người Trung Quốc hỏi đường. Mình hồi hộp trả lời bằng mấy câu đơn giản đã học, tưởng bác ấy không hiểu, ai ngờ bác còn khen: 你的汉语很好啊 ((Tiếng Trung của cháu tốt lắm!). Xong hai bác cháu còn nói chuyện thêm vài phút về ẩm thực Hà Nội, dù mình dùng toàn từ vựng 'chắp vá' nhưng bác vẫn nhiệt tình đáp lại. Lúc đó mình vui đến mức về nhà lập tức mở sách ra học tiếp, như kiểu được tiếp thêm năng lượng tình yêu tiếng Trung vậy!".

Góc trong cuộc: Tiếng Trung hot nhưng khó, dân học nói thật hàng loạt điều không ai dạy trên lớp- Ảnh 3.

Còn với Thuỳ Linh, điều khó nhất với cô bạn khi học tiếng Trung là duy trì động lực học lâu dài.

Có lẽ chính cái khó ấy đã làm nên sức hút của tiếng Trung, nhiều bạn trẻ vì "khó" mà lại yêu thích, cảm thấy học tiếng Trung giống như đang mở khóa một thế giới bí mật. Càng học càng thấy hay, thấy thách thức, thấy bản thân trưởng thành hơn từng ngày.

1m2 10 người giỏi tiếng Trung: Sinh viên ngành này không chịu "update" sẽ bị thụt lùi!

Dù tiếng Trung đang ngày càng trở thành một ngôn ngữ "hot" với nhiều tiềm năng, không ít sinh viên vẫn cảm thấy lo lắng về tương lai nghề nghiệp sau khi ra trường. Trong bối cảnh hiện nay, chỉ biết tiếng Trung thôi là chưa đủ. Nhà tuyển dụng ngày càng yêu cầu nhiều hơn, không chỉ một tấm bằng hay chứng chỉ HSK với điểm số cao.

Diệu Linh cho hay dù tiếng Trung có tiềm năng lớn, cô vẫn khá lo ngại vì ngôn ngữ này hiện nay quá phổ biến, và số lượng người học đang ngày càng tăng, dẫn đến mức độ cạnh tranh trong nghề rất cao. Tuy nhiên, thay vì chỉ lo lắng, cô luôn chủ động trang bị thêm các kỹ năng mềm, kiến thức chuyên ngành vững chắc, thực hành tiếng Trung thường xuyên và mở rộng mạng lưới quan hệ cá nhân. Cô tin rằng những yếu tố này sẽ giúp gia tăng cơ hội tìm được công việc phù hợp trong tương lai.

Học tiếng Trung không chỉ đơn giản là "thuộc chữ" hay "nói trôi chảy". Đó là một hành trình dài đòi hỏi sự kiên trì, tư duy học tập linh hoạt và khả năng thích nghi với văn hóa. Đặc biệt, để phát triển bền vững trong ngành, sinh viên cần xây dựng một nền tảng ngoại ngữ vững chắc. Việc nghe – nói – đọc – viết là cần thiết, nhưng hiểu sâu về văn hóa, tư duy và bối cảnh giao tiếp của người Trung Quốc mới là yếu tố quan trọng giúp bạn nổi bật trong môi trường công việc quốc tế. Hơn nữa, việc cập nhật xu hướng công nghệ, tận dụng AI và các nền tảng học trực tuyến là điều không thể thiếu.

Nói về những cách học tiếng Trung hiệu quả, Lệ Quyên bật mí: "Mình chủ động luyện dịch phim, viết blog song ngữ và tham gia các CLB tiếng Trung ở trường để cải thiện phản xạ. Mình còn học thêm kỹ năng thuyết trình và sử dụng công cụ dịch tự động như Trados. Những công cụ này cực kỳ hữu ích khi làm freelancer hoặc đi thực tập".

Nữ sinh cho rằng việc kết hợp giữa học tiếng và rèn luyện kỹ năng mềm sẽ giúp bạn có lợi thế cạnh tranh trong công việc sau này. Cũng giống như Lệ Quyên, Diệu Linh chia sẻ về chiến lược học tập: "Mình dự định thi chứng chỉ HSK cao cấp, đồng thời tìm cơ hội làm việc trong các công ty sử dụng tiếng Trung như công ty Trung Quốc, công ty xuất nhập khẩu hoặc làm phiên dịch. Ngoài ra, mình cũng tiếp tục tự học và xem phim, nghe nhạc Trung để cải thiện khả năng ngôn ngữ".

Đặc biệt, cả 2 cô bạn đều nhấn mạnh bên cạnh việc nắm vững ngôn ngữ, thì việc liên tục học hỏi, cải thiện bản thân và chuẩn bị cho những cơ hội nghề nghiệp là chìa khóa để thành công lâu dài.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày