Giới trẻ Trung Quốc lựa chọn "kết hôn ghép"

Trung Hạ, Theo Phụ nữ Việt Nam 21:00 31/10/2022

Ngoài mặt vẫn là vợ chồng, về nhà là mối quan hệ hợp tác. Đây là một trong những nguyên tắc của hình thức kết hôn ghép.

Tiểu Lệ năm nay 32 tuổi, ở Thâm Quyến, vì để mua nhà dễ dàng hơn nên cô kết hôn với Tiểu Dũng - người có cùng ý định. Cầm giấy đăng ký kết hôn, mua căn nhà, hai người cùng bỏ tiền, về sau Tiểu Lệ mang thai, thế là cả hai đã chung tay xây dựng một gia đình đầm ấm thật sự.

Gần đây, thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) xuất hiện một hình thức hôn nhân kiểu mới trong giới trẻ. Hai con người vốn không có tình cảm yêu đương, không hề ghét nhau. Vì để đạt được một số mục đích, hai người hợp tác về chung một nhà - kết hôn ghép.

Nhưng kiểu hôn nhân không có tình cảm này, liệu có thật sự suôn sẻ như vậy?

Kết hôn ghép - giải pháp mới của giới trẻ

Kết hôn ghép là gì?

Kết hôn ghép, trong tiếng Trung Quốc được hiểu theo 2 nghĩa:

Một, là khái niệm chỉ hình thức nhiều cặp đôi cùng "góp vốn" tổ chức đám cưới, bao gồm chia sẻ nhà hàng, nhiếp ảnh, trang điểm… Mục đích chính là tiết kiệm tiền.

Giới trẻ Trung Quốc lựa chọn kết hôn ghép - Ảnh 1.

Hai, đôi bên nam nữ có nhu cầu kết hôn nhưng không thể tìm được đối tượng phù hợp, thế là thỏa thuận về chung một nhà, đăng ký kết hôn, cùng chia sẻ lợi ích.

Trong đó, kết hôn ghép cần đôi bên tuân thủ các nguyên tắc sau:

1. Nhà trai không cần tặng sính lễ, nhà gái không cần chuẩn bị của hồi môn. Cuộc sống và kinh tế đều chia đôi, ví dụ như tiền mua nhà, chi phí sinh hoạt... Nếu sinh con, cả hai cùng nhau nuôi dưỡng.

2. Mỗi bên tự phụng dưỡng cha mẹ; nghỉ lễ đón Tết, ai về nhà nấy; không can thiệp vào cuộc sống riêng tư.

3. Ngoài mặt vẫn là vợ chồng, về nhà là mối quan hệ hợp tác. Nếu một bên tìm được hạnh phúc riêng và cần ly hôn, hai người sẽ thực hiện theo thỏa thuận trước đó, có thể bồi thường tổn thất nếu trong giao ước có thể hiện.

Trên Zhihu (nền tảng hỏi đáp của Trung Quốc), một nữ nhân viên văn phòng chia sẻ nỗi lòng của mình:

"Đôi khi rất muốn tìm một người đàn ông kết hôn ghép, đối phó với cha mẹ hai bên, tránh sau này thúc giục chuyện cưới xin, ở với nhau như bạn cùng phòng, hòa hợp thì cùng sinh đứa con, như vậy đỡ mệt mỏi hơn.

Tính cách, học lực, công việc, gia đình, sính lễ, mua nhà mua xe… quá nhiều chuyện để đắn đo và suy xét cho một cuộc hôn nhân truyền thống. Đó là còn chưa kể đến việc đôi bên có hợp hay không. Bình thường làm việc kiếm đã quá mệt mỏi, nên không muốn phải lao tâm khổ tứ vào chuyện tình yêu. Nhân phẩm ngay thẳng, điều kiện kinh tế ngang tầm với tôi là được. Quan trọng nhất là vượt qua cửa ải của bố mẹ".

Một số người nghĩ rằng đây là tình trạng hôn nhân công bằng và lý tưởng nhất. Nhiều người lại cảm thấy kiểu hôn nhân này cho đôi bên tự do và không gian riêng tư. Song không ít người nghĩ rằng đây chỉ là một cuộc trao đổi lợi ích.

Hai người không có tình cảm sống dưới cùng một mái nhà, thỉnh thoảng còn phải giả bộ ân ái trước mặt người khác, mà thật ra chẳng có ai chịu trách nhiệm cho ai. Hôn nhân không có nền tảng tình cảm, đôi bên hoặc là "cưới trước yêu sau", hoặc là chỉ có tinh thần hợp đồng không hơn không kém.

Vì sao chọn kết hôn ghép?

1. Chân ái khó tìm

Giới trẻ Trung Quốc lựa chọn kết hôn ghép - Ảnh 3.

Trong xã hội hiện nay, kết hôn dường như trở thành điều khá khó khăn. Nếu có thể, ai lại không muốn được sống phần đời còn lại với người mình yêu thương? Nhưng hiện thực lại không hề đơn giản như vậy!

Ở độ tuổi sắp đến 30, công việc bận rộn không có thời gian tìm kiếm đối tượng. Càng lớn tuổi, càng khó gặp được người phù hợp. Vòng tròn cuộc sống hạn chế, khiến sự lựa chọn ngày càng hiếm hoi, xác suất gặp được người mình thích tự nhiên cũng thấp hơn.

Tình yêu và hôn nhân, vô số sự lựa chọn, vô số lần vấp ngã, khiến nhiều người không còn cưỡng cầu tình yêu. Đó là còn chưa kể đến áp lực thúc giục hôn nhân từ cha mẹ, cùng với ánh mắt khác thường của người ngoài chỉ trỏ.

Giới trẻ Trung Quốc lựa chọn kết hôn ghép - Ảnh 4.

Nhiều người vì thế mà lui, kết hôn ghép suy cho cùng với họ là sự lựa chọn miễn cưỡng. "Kết hôn" rõ ràng đã trở thành một sự thỏa hiệp với đời sống tình cảm dưới áp lực lớn!

2. Thỏa mãn nhu cầu hai bên

Ở các thành phố hạng nhất, chi phí sinh hoạt rất cao: nơi ở, ăn uống, di chuyển, xã giao… Những người trẻ tuổi cần phải đảm đương một khoản chi phí lớn.

Do đó, hầu hết những người trẻ tuổi muốn kết hôn đòi hỏi rất nhiều can đảm. Hôn nhân liên quan đến nhiều vấn đề, chẳng hạn như kinh tế của cả hai bên, gia đình, mua nhà, sính lễ, nuôi dạy con cái và các áp lực khác, cũng như sự thay đổi bản sắc của chính mình sau khi kết hôn...

Cho nên kết hôn ghép vừa có thể giảm bớt áp lực cuộc sống, lại không cần phải chịu trách nhiệm với nhau.

Giải pháp "giữ con, giữ họ" của những gia đình một con

"Tôi và chồng đều sinh sau 1985, cũng là con một trong nhà. Con trai lớn theo họ tôi, con trai nhỏ theo họ chồng. Chúng tôi không có nhà riêng, gia đình 4 người cùng chung sống trong nhà của bố mẹ tôi".

Lý Vi, đến từ thành phố Gia Hưng (Chiết Giang, Trung Quốc) là người trải qua cuộc hôn nhân ghép. Cô cho rằng kiểu hôn nhân "chia đôi" này cho cả nam và nữ sự bình đẳng công bằng, không làm tổn hại đến gia đình hai bên, ngược lại còn khăng khít hơn, ít phát sinh mâu thuẫn.

Muốn con "nên gia lập thất" nhưng cũng không muốn "mất con"

Giới trẻ Trung Quốc lựa chọn kết hôn ghép - Ảnh 5.

Hình thức kết hôn ghép ở khu vực Chiết Giang, Trung Quốc đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây. So với hình thức kết hôn truyền thống, kết hôn ghép thường diễn ra trong các gia đình một con. Hai vợ chồng thường sinh hai đứa con, lần lượt theo họ của cha và mẹ, cũng không có khái niệm ông bà nội ngoại, chỉ có ông bà nội.

Lý Vi nói: "Chỗ chúng tôi đã có kiểu hôn nhân ghép từ mười mấy năm trước rồi".

Nguyên nhân khiến cô lựa chọn kết hôn ghép cũng không đến nỗi phức tạp như nhiều người vẫn nghĩ. Đối với chồng cô, kết hôn ghép có nghĩa là không cần chi ra số tiền sính lễ khổng lồ, áp lực kinh tế cũng nhỏ hơn. Còn đối với bản thân Lý Vi, cô có thể giúp gia đình có con cháu nối dõi, tiếp tục mang họ của mình. Trước đó, bố mẹ cô đã không ít lần "tuyển chồng" cho con gái, nhưng không khả quan, thế là họ đành chấp nhận cho con trở thành một phần của cuộc hôn nhân ghép.

Là con một sinh năm 1985, Khương Nghiên ở Thường Châu (Giang Tô, Trung Quốc), đã kết hôn ghép với người chồng hiện tại vào năm 2017.

"Chúng tôi chỉ sinh một đứa con, mang họ bố, không muốn sinh thêm, con tôi cũng gọi bố mẹ tôi là ông bà nội. Chúng tôi đều là con một, đã âm thầm lựa chọn kết hôn ghép. Hai gia đình ghép lại thành một, bố mẹ đôi bên cũng đồng ý, thỉnh thoảng lại đi du lịch cùng nhau" , Khương Nghiên chia sẻ.

Khác với Lý Vi, Khương Nghiên và chồng có nhà riêng. Nhà trai bỏ tiền mua nhà, nhà gái chịu trách nhiệm tu sửa tân trang.

Về chọn lựa kết hôn ghép của giới trẻ, chuyên gia nghiên cứu kế hoạch phát triển thanh niên - Điền Phong cho biết: "Kết hôn ghép đã tồn tại từ lâu trong thế hệ ở khu vực Giang Chiết, mục đích để thỏa mãn cái gọi là nên gia lập thất của những người con độc tôn trong gia đình".

Điền Phong cho rằng, cùng với quan niệm hôn nhân của người Trung Quốc đang dần cởi mở hơn, phụ huynh có một con duy nhất không nỡ để con lập gia đình, đồng thời cũng muốn giữ lại họ của mình, từ đó hình thành nên kiểu kết hôn ghép đôi bên cùng có lợi, ít ràng buộc.

"Ông bà nội" chỉ yêu đứa cháu theo họ của mình?

Giới trẻ Trung Quốc lựa chọn kết hôn ghép - Ảnh 6.

Lý Vi thẳng thắn thừa nhận thực tế có rất nhiều trường hợp ông bà không đoái hoài đến đứa cháu không mang họ của mình, hai nhà phân chia rất rõ ràng, "nhưng trường hợp này tương đối ít, đa phần đều đối xử bình đẳng, tuy rằng không cùng họ nhưng vẫn cùng cha cùng mẹ, đều là con của mình".

Triệu San đến từ Hàng Châu tự xem mình là một nửa "cuộc hôn nhân ghép". Cô là con gái độc tôn, cô và chồng chỉ là vợ chồng trên giấy tờ và vẫn yêu đương tự do. Người chồng đến từ An Huy, khi kết hôn, điều kiện gia đình chồng có hạn nên không tặng sính lễ. Ngoài của hồi môn 280.000 NDT (gần 960 triệu đồng), cha mẹ cô cũng hỗ trợ một phần chi phí đám cưới. Dựa theo thỏa thuận trước hôn nhân, con gái lớn sinh ra theo họ cha, con gái út theo họ mẹ.

Triệu San sinh năm 1880, trong nhận thức của cô, kết hôn ghép là kết quả của ý thức bình đẳng giới đang ngày một mạnh mẽ. "Sau khi kết hôn, tôi vẫn là con gái cưng của bố mẹ, có thể chọn lựa sống bên nhà chồng hoặc nhà bố mẹ đẻ tùy ý thích".

Chuyên gia Điền Phong cho rằng, hôn nhân ghép không chỉ cân bằng lợi ích và nhu cầu tương ứng của đôi bên, mà còn đạt được sự chung sống hài hòa giữa các gia đình chỉ có một con.

Kết hôn ghép tồn tại nhiều vấn đề

Lý Vi cho biết: "Cụ thể sinh mấy con, ở nơi nào, mang họ ai... bình thường đều được thỏa thuận trước hôn nhân, nhưng cũng không phải không thể thay đổi. Nếu mâu thuẫn thật sự không thể hòa giải, đôi bên cũng có thể ly hôn".

Một người bạn của Ngô Ni, vì không thỏa thuận được vợ chồng và con sống ở bên nào nên cuối cùng ly hôn.

"Không phải logic kinh tế, cũng không phải xu hướng của các giá trị văn hóa, mà là một cơ chế thỏa thuận lợi ích nội bộ của những gia đình có một con". Chuyên gia Điền Phong cho biết vì các nghiên cứu liên quan hiện nay chưa hoàn thiện, không thể xác định tỷ lệ ly hôn của gia đình kết hôn ghép và so sánh với hình thức kết hôn truyền thống.

Nguồn: 163, QQ