Giáo sư khuyên: Mỗi ngày nói 6 câu này, đảm bảo bạn sẽ không còn quát mắng con nữa, hiệu quả đến mức khó tin!

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ số 15:00 03/05/2025
Chia sẻ

Con cái sẽ không nhớ bạn đã quát gì, nhưng sẽ mãi mãi khắc ghi ánh mắt, gương mặt bạn khi quát mắng.

Việc quát mắng con, gần như bà mẹ nào cũng từng trải qua. Rõ ràng chúng ta biết quát con là không tốt, nhưng khi cảm xúc bùng lên, thật khó để kiểm soát bộ não, và những lời làm tổn thương con cứ thế thốt ra.

Mỗi lần nhìn thấy con sau khi bị mắng vừa khóc vừa rụt rè lại gần xin tha thứ, chúng ta lại không tránh khỏi cảm giác hối hận.

Thực tế, cảm xúc ai cũng có lúc không kiểm soát nổi, thỉnh thoảng quát con cũng không phải điều không thể tha thứ. Điều quan trọng là chúng ta cần nhớ: Con không cần cha mẹ hoàn hảo, mà cần cha mẹ biết học hỏi và trưởng thành không ngừng.

Giáo sư tâm lý Lý Mai Cẩn (Trung Quốc) gợi ý 6 câu nói nên dùng. Chỉ cần mỗi ngày lặp lại với con sẽ giúp bạn dần bỏ thói quen quát tháo, và dùng sức mạnh dịu dàng để nuôi dưỡng một đứa trẻ tự tin, đầy cảm giác an toàn.

Giáo sư khuyên: Mỗi ngày nói 6 câu này, đảm bảo bạn sẽ không còn quát mắng con nữa, hiệu quả đến mức khó tin!- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

1. "Con không cố ý làm mẹ giận, đúng không?"

Phần lớn những hành vi "không nghe lời" ở trẻ thực ra ẩn chứa một nhu cầu nào đó chưa được thỏa mãn. Có thể con muốn gây sự chú ý, có thể con chưa đủ kỹ năng, hoặc con không biết cách diễn đạt cảm xúc.

Nghiên cứu phát triển tâm lý cho thấy, trẻ dưới 6 tuổi còn hạn chế trong việc hiểu rõ quan hệ nhân quả, nên những hành vi tưởng chừng như cố tình "chống đối" thực ra là bản năng hoặc do bắt chước.

Câu nói này giúp chúng ta thoát khỏi tư duy đổ lỗi, và chuyển sang tự hỏi: "Lúc này con mình cần gì?". Ví dụ, con làm đổ sữa, có thể vì con muốn tự rót nhưng chưa kiểm soát tốt lực tay.

Lúc này, nói: "Mẹ biết con muốn tự làm, lần sau mình thử chậm rãi nhé" sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với quát: "Sao con lúc nào cũng gây chuyện vậy?".

2. "Mẹ đang hơi giận, nhưng mình cùng nhau hít thở sâu được không?"

Cảm xúc rất dễ lây lan. Khi cha mẹ nổi giận, não bộ của trẻ sẽ ngay lập tức kích hoạt "chế độ sinh tồn" (hạch hạnh nhân phản ứng mạnh), khiến trẻ hoặc chống đối, hoặc đơ người, hoàn toàn không thể suy nghĩ lý trí.

Khoa học thần kinh chứng minh: khi cha mẹ kích động, 93% sự chú ý của trẻ tập trung vào nét mặt và giọng điệu của bạn, chỉ 7% còn lại nghe được lời bạn nói. Nghĩa là, khi đó bạn nói gì cũng gần như vô ích.

Câu nói này giúp chúng ta thừa nhận cảm xúc của bản thân và mời con cùng hạ nhiệt, vừa là bài học thực tế về quản lý cảm xúc, vừa cho con cảm nhận rằng: "Dù mẹ giận, mẹ vẫn yêu con".

3. "Vừa rồi con làm rất tốt, ví dụ như..."

Tâm lý học gọi đây là hiệu ứng phản hồi tích cực: Lời khen cụ thể có tác dụng kích thích động lực nội tại tốt hơn lời chê trách. Ví dụ, con bạn hay chần chừ trong việc làm bài tập, nhưng hôm nay lại tự giác dọn dẹp bàn học. Bạn có thể nói: "Hôm nay bàn học con dọn rất gọn gàng đấy!".

Nghiên cứu cho thấy, mỗi lần trẻ bị chê, cần ít nhất 5 lời khen để "cân bằng" lại tổn thương tâm lý đó. Lưu ý, lời khen cần cụ thể: thay vì nói "Con giỏi quá", hãy nói: "Vừa nãy con tự lấy khăn giấy cho em, mẹ thấy con rất chu đáo và yêu thương em".

4. "Lỗi không sao, mình cùng nghĩ cách giải quyết nhé"

Trung tâm Phát triển Trẻ em của Đại học Harvard phát hiện, khả năng học hỏi từ sai lầm của trẻ còn vượt xa sức tưởng tượng, miễn là trẻ cảm nhận được môi trường an toàn để thử và sai.

Quát mắng sẽ chỉ khiến trẻ vì sợ hãi mà giấu giếm lỗi, mất luôn cơ hội để tự ngẫm lại.

Ví dụ, con vẽ bậy lên tường, thay vì quát: "Mẹ đã dặn bao nhiêu lần là không được vẽ lên tường!", hãy nói: "Tường bẩn rồi, hơi rắc rối đấy. Mình cùng nghĩ cách lau nhé? Lần sau con thử vẽ trên giấy được không?".

Mục tiêu của giáo dục không phải để con "thú tội", mà là giúp con "trưởng thành".

5. "Mẹ luôn yêu con, chỉ là mẹ không thích hành vi vừa rồi thôi"

Thứ mà trẻ con sợ không phải là bị chê, mà là sợ tình yêu của bạn dành cho chúng là "có điều kiện".

Nhà tâm lý học Erik Erikson từng nói: Nhiệm vụ cốt lõi của trẻ giai đoạn đầu đời là xây dựng niềm tin cơ bản. Nếu trẻ thường xuyên bị gắn giá trị bản thân với hành vi sai trái, lâu dần sẽ hình thành mặc cảm: "Mình không xứng đáng được yêu thương".

Câu nói này giúp tách bạch "con người" với "hành vi", giúp trẻ hiểu: "Giá trị của con không bao giờ bị lung lay chỉ vì lỗi lầm".

Rất nên dùng câu này sau những sự việc lớn như con đánh bạn, nói dối, giúp con cảm thấy vẫn được yêu thương và an toàn.

6. "Con muốn mẹ nói với con bằng giọng thế nào?"

Câu này khéo léo trao quyền giao tiếp lại cho trẻ. Nghiên cứu cho thấy, khi trẻ được tham gia vào việc lập quy tắc, khả năng hợp tác sẽ tăng 70%. Ví dụ, con mê game, bạn có thể hỏi: "Con muốn mẹ nhắc nhở con, hay để đồng hồ báo thức nhắc con?". Nếu con chọn đồng hồ, lần sau bạn chỉ cần nói: "Đồng hồ của con reo rồi kìa!".

Tôn trọng quyền lựa chọn giúp giảm đối đầu quyền lực, đồng thời nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm. Thay đổi thói quen quát mắng, thực chất là một hành trình học hỏi và tu dưỡng không thể thiếu khi làm cha mẹ.

Những câu nói này không phải phép thần, mà là những "neo tâm lý" giúp chúng ta đổi hướng suy nghĩ. Khi bạn sắp mất kiểm soát cảm xúc, chúng giống như chiếc dây an toàn, kéo bạn lại, để việc dạy con luôn quay về với lý trí và tình yêu thương.

Hãy luôn nhớ:

Con cái sẽ không nhớ bạn đã quát gì, nhưng sẽ mãi mãi khắc ghi ánh mắt, gương mặt bạn khi quát mắng, và nỗi sợ hãi, cô đơn tràn ngập trong khoảnh khắc ấy.

Từ hôm nay, hãy dùng 6 câu nói này để giúp con xây dựng cảm giác an toàn nội tâm, và bạn sẽ nhận ra: sự dịu dàng, thấu hiểu luôn mạnh mẽ hơn tiếng quát mắng rất nhiều lần.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày