Giao nhận đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam có thực sự làm nên chuyện?

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 15:30 11/09/2020

Hiện chỉ chiếm 0,2% thị phần mảng giao nhận đồ ăn trực tuyến toàn thế giới, thế nhưng Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là thị trường “chực chờ bùng nổ”. Vậy liệu mảng kinh doanh này có thực sự là “game changer” (kẻ thay đổi cuộc chơi) tại Việt Nam?

Khi "Hunger Games" khai cuộc…

Theo công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Research and Markets của Mỹ, tốc độ tăng trưởng của mảng giao nhận đồ ăn trực tuyến toàn cầu dự kiến đạt mốc hơn 154 tỷ USD tương ứng khoảng 11,51% vào năm 2023. Thông tin này cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường cũng như sức nóng trong cạnh tranh chiếm thị phần giữa các bên tham gia.

Nếu như Mỹ là quốc gia tiên phong dẫn dắt xu thế khi chứng kiến lượng đơn hàng thức ăn trực tuyến tăng 300% so với dịch vụ ăn uống tại chỗ vào năm 2014 – thời điểm mà hình thức đặt thức ăn công nghệ này chỉ mới manh nha, thì "tâm chấn" thực sự lại được cho là nằm ở phía bên kia đại dương - tức châu Á, với 55% thị phần toàn cầu. Trung Quốc vẫn là gã khổng lồ trong mọi cuộc chơi, nhưng động lực phát triển then chốt trong thời gian tới phải kể đến khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam được đánh giá là thị trường chực chờ bùng nổ, bởi quốc gia hơn 90 triệu dân này đang ở tuyến đầu của dòng chảy các xu hướng sống hiện đại. Sức ảnh hưởng mạnh mẽ của phong cách sống đô thị thời đại mới, sự lan tỏa của công nghệ, smartphone và ví điện tử, cùng với tỷ trọng chiếm đa số của thế hệ Millennials (sinh năm 1980 - 1995) và Gen Z (sinh sau năm 1995), đã làm thay đổi đáng kể thói quen tiêu dùng cũng như thói quen ăn uống của nhiều người Việt, hướng đến giải pháp giao hàng tận nơi - chú trọng sự tiện lợi và việc nhu cầu được đáp ứng nhanh chóng.

Giao nhận đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam có thực sự làm nên chuyện? - Ảnh 1.

"Cái đuôi dài" của hệ sinh thái đặt món qua ứng dụng

Theo Euromonitor International, thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam dự kiến đạt quy mô khoảng 38 triệu USD vào năm 2020 và duy trì mức tăng trưởng bình quân 11% trong 5 năm tới. Nghiên cứu của Kantar TNS cũng chỉ ra rằng, doanh thu thị trường này có tốc độ tăng trưởng trung bình 28,5%/ năm, lên tới 449 triệu USD vào năm 2023.

Có thể thấy, việc khai thác quy mô thị trường giao nhận thức ăn trực tuyến hiện nay tại Việt Nam so với tiềm năng vốn có vẫn còn khá khiêm tốn. Khu vực thành thị vẫn còn nhiều không gian để lấp đầy, chưa kể đến sự lan dần ra các đô thị vệ tinh. Điều này đã mở ra cơ hội rất lớn cho các nhà hàng, quán ăn để đa dạng hóa kênh thu nhập, giảm thiểu rủi ro của mô hình truyền thống (chỉ phục vụ tại quán), nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Sự nhập cuộc của các ứng dụng với các khoản đầu tư lớn cũng giúp tạo nên sự đa dạng, mở rộng thêm thị trường, ví như "cái đuôi dài" cho hệ sinh thái đặt món qua app. Không chỉ có các nhà hàng tầm trung trở lên, mà những cửa tiệm nhỏ, hàng quán trong hẻm với các đơn hàng nhỏ lẻ cũng có thể tham gia vào hệ sinh thái này. Nó giống như cách mà siêu kỳ lân Gojek phát triển và nắm giữ 80% thị phần tại Indonesia với phần lớn các dịch vụ được phát triển xoay quanh chiếc xe hai bánh, bắt nguồn từ những nhu cầu cơ bản trong đời sống hàng ngày của người tiêu dùng, bao gồm nhu cầu đặt món trực tuyến. Nền tảng này đang nhắm đến xây dựng một cộng đồng đa dạng tương tự tại thị trường Việt Nam.

Mất hơn 70% khách hàng nếu không online

Tăng trưởng thực tế tại Mỹ cho thấy các nhà bán lẻ F&B sẽ vuột mất hơn 70% khách hàng nếu nhà hàng, quán ăn không kịp online vào năm 2020.

Việt Nam đang đi lại trên chính con đường của các thị trường tiên phong, nhưng với tốc độ nhanh hơn rất nhiều. Khảo sát từ Gojek công bố vào tháng 3 năm nay cho thấy cứ 10 bữa ăn thì có một bữa được đặt hàng trực tuyến, thường cho bữa trưa và các bữa ăn vặt. Hơn ¾ người dùng tại TP.HCM và Hà Nội đặt món trực tuyến ít nhất một lần một tuần. Gần 30% người được khảo sát cho biết đặt món 2-3 lần mỗi tuần, và khoảng 5-6% đặt hơn 10 lần trong 1 tuần.

Giao nhận đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam có thực sự làm nên chuyện? - Ảnh 2.

Theo đó, nhu cầu chuyển lên hoạt động online của các nhà hàng, quán ăn là rất lớn, khi các nhà hàng vừa tận dụng được lợi ích "khủng" mang lại từ các app đặt món, vừa bắt nhịp với xu hướng tiêu dùng mới đồng thời có thể củng cố, duy trì hoạt động kinh doanh trong giai đoạn khủng hoảng. Các ứng dụng đặt món như GoFood của Gojek còn biết cách tận dụng thế mạnh về công nghệ đưa AI, tự động hóa vào việc tìm hiểu nhu cầu khách hàng, thiết kế các chương trình ưu đãi dành riêng cho từng nhóm đối tượng khách hàng, từ đó hỗ trợ các nhà hàng, quán ăn tiếp cận được đa dạng các khách hàng hơn. Khoảng cách địa lý không còn là vấn đề nan giải. Nhiều đơn hàng được hoàn tất nhanh chóng ở quy mô lớn nhờ công nghệ.

Riêng với các hàng quán nhỏ hơn, bắt tay với ứng dụng đặt món giúp giải quyết bài toán mặt bằng, chi phí vận hành, khả năng tiếp cận lượng lớn khách hàng với các chiến dịch marketing được chuẩn bị sẵn… Nhiều trường hợp thực tế, các quán ăn rộng chưa tới 2m2 nhưng lại rất thành công khi bán trên app. "Tôi giỏi nhất là nấu nướng, và chỉ có thế. Lên app giải quyết tất cả các vấn đề còn lại và mang khách hàng đến với tôi. Tôi chỉ việc nấu và phục vụ!", chị Bình, một chủ quán bánh canh tại TP.HCM đang hoạt động trên GoFood đúc kết.