Giành giật sự sống từng giờ cho bệnh nhân ban đầu chỉ bị vết bỏng nhỏ ở chân: Ai mắc bệnh này hãy chăm sóc bàn chân thật cẩn thận!

Tuấn Minh, Theo thanhnienviet.vn 13:53 20/05/2025
Chia sẻ

BSCKII Dương Minh Tuấn (Khoa Nội Tiết - Đái Tháo Đường, Bệnh viện Bạch Mai), mới đây chia sẻ một trường hợp suýt mất mạng dù ban đầu chỉ có vết bỏng nhỏ ở chân.

Đó là bệnh nhân nam, 67 tuổi, nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng hoại tử bàn chân trái. Tiền sử bệnh lý rất phức tạp: Đái tháo đường type 2 đã 10 năm, đang tiêm insulin nhưng sai kỹ thuật (không thay đổi vị trí tiêm), tăng huyết áp 10 năm, bệnh thận mạn do đái tháo đường, suy thượng thận nghi do lạm dụng thuốc giảm đau không rõ loại.

Khoảng 2 tuần trước nhập viện, bệnh nhân xuất hiện các bóng nước ở ngón 1, 2, 3 bàn chân trái, sau đó tự vỡ, chảy dịch mủ hôi. Điều trị tại tuyến cơ sở trong 3 ngày không cải thiện, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.

Giành giật sự sống từng giờ cho bệnh nhân ban đầu chỉ bị vết bỏng nhỏ ở chân: Ai mắc bệnh này hãy chăm sóc bàn chân thật cẩn thận!- Ảnh 1.

Một ca bệnh khiến tất cả y bác sĩ Bạch Mai thức trắng đêm để giành giật sự sống. (Ảnh: BS Dương Minh Tuấn)

Khi nhập viện...

Khi nhập viện, bệnh nhân tỉnh táo, không sốt, mạch chi dưới bắt tốt, tim phổi ổn định. Tuy nhiên, bàn chân trái sưng nề, chảy mủ thối, hoại tử đen ngón 1 và 3. Xét nghiệm cho thấy, tình trạng nhiễm trùng nặng với bạch cầu 26,6 G/L, CRP >160 mg/L, suy thận nặng (creatinin 288 µmol/L, ure 38 mmol/L), suy tim (NT-proBNP: 22.977), thiếu máu chưa rõ nguyên nhân. Nội soi dạ dày phát hiện loét dạ dày có chảy máu Forrest Ib, đã được cầm máu.

Ngay khi chuyển đến khoa Nội tiết, bệnh nhân được cấy máu, cấy mủ làm kháng sinh đồ, sử dụng kháng sinh phổ rộng, kiểm soát đường huyết và điều trị toàn diện các bệnh nền. Nhưng chỉ trong 48 giờ, diễn biến lâm sàng trở nên cực kỳ nguy kịch.

Vùng hoại tử lan nhanh chóng từ bàn chân lên cổ chân, cẳng chân đến đùi. MRI cho thấy, hình ảnh khí len lỏi giữa các tổ chức dưới da và cân cơ, nghĩ nhiều đến nhiễm Clostridium perfringens – tác nhân chính gây hoại thư sinh hơi, một trong những dạng nhiễm trùng mô mềm cấp tính nguy hiểm nhất, tiến triển tính bằng giờ và đe dọa tính mạng ngay lập tức.

"Bệnh nhân sốt cao liên tục, nhiễm khuẩn huyết, suy thận nặng hơn, trên nền nhiều bệnh mạn tính phối hợp. Tình huống lâm sàng trở nên căng thẳng đến nghẹt thở", BS Tuấn chia sẻ.

Giành giật sự sống từng giờ cho bệnh nhân ban đầu chỉ bị vết bỏng nhỏ ở chân: Ai mắc bệnh này hãy chăm sóc bàn chân thật cẩn thận!- Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Internet

Nhiều chuyên khoa kết hợp hội chẩn trong đêm chỉ từ một vết bỏng nhỏ ở chân

Một cuộc hội chẩn khẩn cấp diễn ra ngay trong đêm với sự tham gia của nhiều chuyên khoa: Nội tiết, ngoại khoa, hồi sức, tim mạch, thận, gây mê hồi sức…

Tình huống đặt ra là một lựa chọn vô cùng khó khăn:

- Nếu tiếp tục điều trị nội khoa thì nguy cơ tử vong gần như chắc chắn.

- Nếu mổ cấp cứu thì khả năng sốc sau gây mê và tử vong trên bàn mổ cũng cực cao.

Chẩn đoán kết luận của người bệnh cho thấy, hoại tử nhiễm trùng đùi - cẳng - bàn chân trái nghi do Clostridium perfringens - Nhiễm khuẩn huyết - SEPSIS - Đợt cấp suy thận mạn - Rung nhĩ cơn, suy tim mất bù, hở van 3 lá nhiều - Xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày Forrest Ib - Đái tháo đường type 2 - Suy thượng thận do thuốc.

Quyết định được đưa ra: Tiến hành phẫu thuật cắt cụt chi cấp cứu đến 1/3 giữa đùi trái - một phẫu thuật lớn trên nền bệnh nhân cực kỳ nguy kịch.

Giành giật sự sống từng giờ cho bệnh nhân ban đầu chỉ bị vết bỏng nhỏ ở chân: Ai mắc bệnh này hãy chăm sóc bàn chân thật cẩn thận!- Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Internet

Chiến thắng đầu tiên: Sống sót sau đại phẫu

BS Tuấn kể, không ai dám chắc bệnh nhân sẽ sống sót sau ca mổ. Nhưng e-kíp phẫu thuật và gây mê đã phối hợp tuyệt vời, bệnh nhân vượt qua được cửa tử đầu tiên.

Ngày thứ nhất sau mổ, ai cũng thở phào. Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Hồi sức Tích cực.

Ngày thứ 6, vết mổ tiến triển tốt dù còn đau nhiều, tình trạng nhiễm trùng, suy thận, suy tim… đã ổn định dần.

Hành trình điều trị phía trước vẫn còn dài, và không ai dám chắc sẽ không có những biến cố mới. Nhưng ít nhất, bệnh nhân đã vượt qua giai đoạn sinh - tử căng thẳng nhất.

"Chỉ từ một vết bỏng nhỏ ở bàn chân - điều tưởng như vô hại - đã khiến bệnh nhân phải đối mặt với nguy cơ mất mạng", BS Tuấn cảnh báo từ trường hợp thực tế.

Đây là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc cho tất cả người bệnh đái tháo đường: Kiểm soát đường huyết tốt, chăm sóc bàn chân cẩn thận, tuyệt đối không được chủ quan trước bất kỳ tổn thương nào, dù là nhỏ nhất.

"Chúng tôi mong rằng mỗi người sẽ luôn có trách nhiệm với sức khoẻ của mình. Và hy vọng, không ai trong chúng ta phải đối mặt với lựa chọn sinh - tử chỉ vì một vết thương nhỏ tưởng chừng vô hại", BS Tuấn nói.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày