Giang Ơi là một trong những vlogger có sức ảnh hưởng lớn trên cộng đồng mạng ở thời điểm hiện tại. Kênh Youtube với hơn 1,1 triệu người đăng ký này ghi dấu ấn bởi những nội dung chất lượng và truyền được nguồn cảm hứng tích cực cho người xem với đa dạng các chủ đề như: học tập, làm việc, thời trang, phong cách sống,… Đáng chú ý, trong video mới nhất của đề tài "chuyện đi học", Giang Ơi đã có chia sẻ về 5 bước xây dựng portfolio để xin học, xin việc các ngành nghệ thuật, thu hút được nhiều sự quan tâm theo dõi từ các cư dân mạng.
Mở đầu, Giang Ơi đã giới thiệu về portfolio thông qua định nghĩa của trường Đại học Nghệ thuật London, Anh (University of the Arts London), trích dẫn nguyên văn tiếng Anh như sau: "Portfolio is a collection of your work which shows how your skills and ideas have developed over a period of time… It demonstrates your creativity, personality, abilities and commitment; and helps us to evaluate your potential".
Ảnh cắt từ clip
Dịch nghĩa sang tiếng Việt: "Portfolio là tổng hợp các sản phẩm của bạn. Những tác phẩm này phản ánh quá trình phát triển ý tưởng cũng như kỹ năng của bạn qua thời gian…nó thể hiện sự sáng tạo, cá tính, khả năng và sự cam kết của bạn với công việc; và từ đó được sử dụng để đánh giá tiềm năng của bạn".
Dưới đây là các bước được Giang Ơi đề cập trong vlog để có thể thiết kế một portfolio ghi điểm tốt với nhà trường cũng như nhà tuyển dụng dành cho các bạn chuẩn bị đi học, đi làm các ngành như: thiết kế đồ họa, dựng phim, thiết kế thời trang,...
1. Kiểm tra yêu cầu của bên xét duyệt Portfolio
Theo Giang Ơi, bước đầu tiên trong quá trình xây dựng một porfolio là cần phải tìm hiểu thật kỹ yêu cầu của nơi muốn ứng tuyển (trường đại học, công ty, các khách hàng,…). Đó có thể là những tiêu chí, hạng mục mà đơn vị tuyển sinh, tuyển dụng mong muốn nhìn thấy trong portfolio của ứng viên như: nội dung phải có những gì, số lượng sản phẩm, kích cỡ, dạng file,… và bạn nên ghi chú lại chúng đó để thực hiện cho đúng.
Nếu bạn là một lao động tự do, muốn thu hút thêm khách hàng thì portfolio của bạn có thể sáng tạo hơn nhưng cần phải tập trung thể hiện được những sản phẩm thuộc chuyên ngành của bạn, tránh bị "lạc đề", nêu những chi tiết phụ, không liên quan.
2. Kết quả hay quá trình?
Ở bước thứ hai, Giang Ơi đã có những chia sẻ về vấn đề nội dung của portfolio cần cho thấy các tác phẩm đã hoàn thiện hay trình bày về quá trình thực hiện sản phẩm. Giang Ơi cho biết các trường đại học thường muốn bạn trình bày về quá trình bạn sáng tạo.
Ví dụ như với một portfolio ngành thời trang, người ứng tuyển trình bày về một bộ sưu tập sử dụng chất liệu thổ cẩm Sapa thì phía nhà trường sẽ muốn xem xét từ những cảm hứng đầu tiên (hình ảnh con người, nét văn hóa, điểm độc đáo trong cách sản xuất vải của người dân nơi đây), sau đó là những đường nét bạn được truyền cảm hứng (ruộng bậc thang, mảnh vải sưu tầm,…) và cuối cùng thiết kế hoàn thiện.
Nữ vlogger bày tỏ rằng ở các trường đại học giảng dạy ngành thiết kế rất kỵ việc sao chép, đạo nhái ý tưởng mà thay vào đó cần phải phát triển nghệ thuật thiết kế của cá nhân, lấy cảm hứng từ văn hóa, lịch sử, kiến trúc,… Đối với một bản vẽ phối cảnh trên máy tính, người tuyển sinh cần nhìn thấy quá trình bạn phát triển từng layer.
Còn đối với môi trường làm việc, công ty thì lại quan tâm về những sản phẩm đã hoàn thành. Trong quá trình tuyển dụng, mỗi hồ sơ sẽ được lướt qua rất nhanh nên portfolio của bạn phải trình bày được những gì hoàn thiện và tốt nhất, thể hiện rõ kỹ năng công việc của bạn. Số lượng tác phẩm trong một portfolio có thể dao động trên dưới 10, tùy theo đặc tính từng ngành và yêu cầu của trường hay công ty. Không nên quá nhiều hoặc chỉ có hai, ba sản phẩm và nên sắp xếp theo thứ tự tốt, đẹp nhất ở hàng đầu.
3. Portfolio nên ở dạng gì?
Bước tiếp theo mà Giang Ơi chia sẻ là về định dạng của một portfolio. Theo đó, portfolio có hai dạng chính là: dạng cứng (cuốn sổ) và dạng mềm (dạng digital trên máy tính). Giang khuyến khích người xem nên tạo lập một portfolio online qua nền tảng Behance hoặc tự thiết kế trang riêng trên wordpress, wix.com, squarespace,… Nên tránh đính kèm các sản phẩm thành một tệp vì dung lượng mail cho phép là 25 mb hay do bất tiện trong việc tải về. Thay vào đó bạn nên gửi một link dẫn đến online portfolio của bạn, như thế sẽ vừa tiện hơn cho cả bạn và người nhận vừa đảm bảo được chất lượng hình ảnh khi mở ra xem.
4. Cái gì tốt nhất cho lên trên
Giang Ơi cho rằng nếu một ứng viên nói rằng mình thích thiết kế, thích hội họa nhưng trong tay không có một sản phẩm nào thì đó cho thấy người đó vẫn chưa nghiêm túc. "Trong ngành nghệ thuật không có chỗ cho sự hời hợt. Nó rất khốc liệt và đòi hỏi hai điều chắc chắn bạn phải có: một là sự đam mê, nghiêm túc và hai là tinh thần học hỏi, đổi mới liên tục", Giang Ơi chia sẻ.
Nếu bạn đã có một số sản phẩm thì hãy chọn lọc và thể hiện những cái tốt nhất. Nhà tuyển dụng sẽ không có nhiều thời gian để tìm hiểu quá nhiều về hồ sơ của bạn. Vì thế nhiệm vụ của portfolio là phải chứng minh được bạn nổi trội càng nhanh càng tốt. Song song đó bạn cũng nên chăm chút kỹ cho mặt hình thức của portfolio, đặc biệt là hình bìa và tên tác phẩm phải rõ ràng, hấp dẫn. Chữ nghĩa phải chỉn chu, không viết tắt và không để có lỗi chính tả.
5. Tham khảo nhận xét của người khác
Bước cuối cùng sau khi bạn đã thiết kế được một prtfolio hoàn chỉnh là tham khảo ý kiến nhận xét, đánh giá của người khác. Hãy xin ý kiến từ thầy cô hoặc những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực của bạn như: cấp trên, tiền bối trong nghề mà bạn biết. "Tìm kiếm góp ý của người mà mà sai chỗ thì cuối cùng có khi lại hại chính mình", Giang bày tỏ. Bản thân tự tin nhưng cần phải có thêm thái độ cầu thị và học hỏi thì mới có thể tiến xa được.
Ngoài ra Giang Ơi còn chia sẻ thêm một số mẹo hữu ích khác trong việc xây dựng một portfolio tốt như: tham khảo những portfolio xuất sắc trên mạng hoặc ở trường, giữa mọi thứ đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu và phải cập nhật nội dung trong portfolio thường xuyên.
Vlogger Giang Ơi chia sẻ 5 bước xây dựng portfolio để xin học, xin việc