Ở thời điểm hiện tại, có thể nói Giang Ơi là một trong những vlogger nổi bật, có sức ảnh hưởng và khả năng truyền cảm hứng khá lớn trên cộng đồng mạng. Với "đặc sản" là những video có nội dung được chăm chút kĩ lưỡng cùng việc khai thác các đề tài thú vị về cuộc sống, học tập, làm việc,…mới đây kênh Youtube Giang Ơi đã cán mốc 1 triệu lượt đăng kí.
Đáng chú ý, trong video mới nhất của chủ đề "chuyện đi làm", Giang Ơi đã có chia sẻ về 6 sai lầm mà nhiều người thường mắc phải khi viết CV xin việc, thu hút được nhiều sự quan tâm theo dõi của các cư dân mạng.
Theo Giang Ơi thì đây là tích lũy những kinh nghiệm mà bạn đã từng trải và tổng hợp những quan sát khi tuyển dụng các sinh viên mới ra trường. Song, nữ vlogger cũng khuyến cáo ngoài yếu tố chủ quan thì vấn đề CV còn phụ thuộc nhiều vào văn hóa doanh nghiệp cũng như khuyến khích người xem cũng nên theo dõi thêm những người có nhiều chuyên môn trong ngành tuyển dụng để có thêm nguồn tham khảo bên cạnh video này.
Cùng điểm qua 6 lỗi phổ biến khi viết CV xin việc và cách khắc phục được vlogger Giang Ơi đề cập để lưu ý tránh mắc phải:
1. Viết email dở
Theo Giang Ơi, một chiếc email dở, sơ sài sẽ cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp và khiến nhà tuyển dụng bỏ qua luôn CV của bạn. "Nhiệm vụ của email là bằng một cách ngắn gọn, mạch lạc cho nhà tuyển dụng biết bạn là ai, bạn muốn ứng tuyển công việc nào? Nên đi thẳng vào vấn đề và cho họ biết họ có hiểu về bạn như thế nào?", nữ vlogger chia sẻ.
Ảnh cắt từ video
Giang còn chỉ ra một số lỗi cụ thể mà các ứng viên hay mắc khi gửi email cho nhà tuyển dụng như: viết hết nội dung mail vào phần chủ đề, viết mail như gửi tin nhắn cho bạn bè, email dài lang man, không xuống dòng, viết tắt, viết sai chính tả,… Vlogger triệu view cũng đã có những hướng dẫn, gợi ý về cách trình bày một email xin việc đủ ý, chuyên nghiệp và thể hiện sự tôn trọng với nơi ứng viên muốn làm việc.
Ngoài ra bạn còn lưu ý 4 bước kiểm tra sau khi viết xong mail, đó là: sự mạch lạc, chính tả, các tệp đính kèm và link dẫn chứng
2. Độ dài sai và hình thức dở
Vlogger Giang Ơi đã dành lời khuyên về độ dài lí tưởng của một bản CV là chỉ 1 trang giấy vì phía tuyển dụng sẽ chẳng thể dành quá nhiều thời gian cho bạn và dung lượng đó cũng sẽ phù hợp để bạn thật sự cân nhắc nên điền vào những gì. Về hình thức, Giang có chia sẻ việc các ứng viên trẻ quá lạm dụng nguồn template có sẵn trên mạng thay vì tự sáng tạo phiên bản riêng cho mình.
Bạn cũng gợi ý người xin việc nên tìm hiểu tự thiết kế một chiếc CV mang dấu ấn cá nhân bằng phần mềm Ai hay Id rồi xuất ra file PDF để gửi cho nhà tuyển dụng.
3. Lỗi chính tả
Giang Ơi cho rằng đây là một lỗi tuy nhỏ nhưng rất ngớ ngẩn trong quá trình làm CV. Để khắc phục lỗi này, bạn đã dành lời khuyên rằng hãy kiểm từng chữ một trước khi xuất file CV và khi đã tự kiểm tra rồi thì có thể nhờ thêm bạn bè kiểm lại hộ nhằm đảm bảo đúng chính tả 100%. Ngoài ra, nếu phải viết tắt thì cần chú thích rõ cho người khác hiểu được.
4. Những cụm từ trống rỗng
Nói về lỗi tiếp theo, Giang khẳng định đây là một sai lầm lớn, nhiều người mắc nhưng ít người sửa được! Những cụm từ trống rỗng mà theo nữ vlogger là những cụm không có ý nghĩa cụ thể, rất chung chung và lan man, không đi vào đúng trọng tâm. Một CV tốt cần phải thể hiện được kinh nghiệm hoặc thành tích gắn liền với bằng chứng cụ thể để chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy.
5. Những điều nhà tuyển dụng không cần phải biết
Sai lầm thứ 5 được Giang Ơi chỉ ra là CV thiếu thứ cần thể hiện nhưng lại thừa những điều không cần thiết. Để khắc phục lỗi này, bạn đã khuyên các ứng viên nên nắm được những từ khóa trong yêu cầu công việc của nhà tuyển dụng và đề cập chúng trong CV của mình. Đồng thời nên chứng minh một cách trung thực rằng bạn phù hợp với những tiêu chí và công việc của họ.
Cũng theo nữ vlogger này, trong CV nên thể hiện phần kinh nghiệm làm việc lên trước còn học tập nên ở kế sau. Nói chung, nên tận dụng và trình bày hợp lý từng nội dung có trên CV.
6. Thiếu portfolio
Theo Giang Ơi chia sẻ, portfolio là tổng hợp những thành phẩm tương ứng với các kỹ năng mà ứng viên có, thường là các bản thiết kế, các sản phẩm, những dự án đã tham gia,… Tùy theo các dạng thành phẩm mà ứng viên có thể tạo portfolio trực tuyến ở trang Behance, website hay trang blog riêng. Có phần này đi kèm cùng CV sẽ giúp nhà tuyển dụng có thêm cơ sở tin tưởng lựa chọn ứng viên tiềm năng.
6 LỖI PHỔ BIẾN NHẤT KHI VIẾT CV | Chuyện đi làm | Giang Ơi