Giải mã thành công các phim cổ tích người đóng của Disney

Thanh Trần, Theo Trí Thức Trẻ 11:13 30/04/2016

"The Jungle Book" đang hốt bạc trên khắp thế giới và được đánh giá là phim người đóng chuyển thể tốt nhất của Disney từ trước đến nay. Liệu có công thức nào cho thành công ngày một rực rỡ này?

Thu hơn nửa tỷ USD toàn cầu sau 10 ngày công chiếu, siêu phẩm The Jungle Book (Cậu Bé Rừng Xanh) được ca ngợi hết lời bởi giới chuyên môn và khán giả. Bộ phim góp thêm vào "gia tài" các tác phẩm người đóng được làm lại hoặc làm mới từ "hit" hoạt hình của Walt Disney Studios:

Alice in Wonderland (2010), thu hơn 1 tỷ USD toàn cầu, làm lại từ bộ phim hoạt hình cùng tên ra mắt năm 1951 với nội dung chuyển thể từ cuốn sách của tác giả Lewis Caroll.

Maleficent (2014), thu gần 800 triệu USD toàn cầu, lấy cảm hứng từ bộ phim hoạt hình cổ tích Sleeping Beauty năm 1959.

Cinderella (2015), thu hơn 500 triệu USD toàn cầu, làm lại từ bộ phim hoạt hình cổ tích cùng tên ra mắt năm 1950.

Trong năm 2016 này, sau The Jungle Book, Disney còn hai dự án tương tự đã sẵn sàng ra rạp: Alice Through the Looking Glass (27/05) - phần tiếp theo của Alice in Wonderland, vẫn dựa trên cuốn sách của nhà văn Lewis Caroll và Pete’s Dragon (12/08) – bộ phim làm lại từ tác phẩm cùng tên của hãng năm 1977, dựa trên một truyện ngắn ăn khách. Poster và Trailer của hai bộ phim này đều đã ra mắt và khiến khán giả mong chờ.

Giải mã thành công các phim cổ tích người đóng của Disney - Ảnh 2.

Poster "Alice Through the Looking Glass"

Điều gì đã làm nên sự tự tin của Nhà Chuột?

Hình ảnh mãn nhãn

Tất cả các bộ phim kể trên đều ghi điểm về mặt hiệu ứng hình ảnh và thiết kế sản xuất. Mỗi khuôn hình hiện ra đều có thể khiến bạn phải trầm trồ vì chi tiết. Alice thực sự dẫn bạn tới xứ sở diệu kỳ - nơi mà mọi nhân vật và cảnh sắc đều rực rỡ, đẹp tỉ mỉ đến từng chi tiết.

Bộ phim đã đoạt hai giải Oscar ở hạng mục "Chỉ đạo nghệ thuật" và "Thiết kế phục trang", đồng thời được đề cử cho "Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất". Alice in Wonderland cũng là bộ phim thứ hai trong lịch sử điện ảnh được trình chiếu ở định dạng 3D (sau Avatar).

Giải mã thành công các phim cổ tích người đóng của Disney - Ảnh 3.

MaleficentCinderella cũng đạt những thành công tương tự khi đem tới một diện mạo mới cho các nhân vật cổ tích. Khán giả đã biết thế nào là cổ tích đen tối khi chứng kiến không gian phim vừa âm u vừa tráng lệ - thành quả của bối cảnh thật và công nghệ CGI. 

Với Cinderella, dù kinh phí sản xuất chỉ vỏn vẹn 95 triệu USD, nhưng sẽ không ai quên đêm vũ hội lộng lẫy trong tòa lâu đài cổ tích. Cả hai tác phẩm đều được đề cử giải Oscar ở hạng mục "Thiết kế phục trang".

Giải mã thành công các phim cổ tích người đóng của Disney - Ảnh 4.

Cinderella xuất hiện trong vũ hội

The Jungle Book tiếp tục đưa tiêu chuẩn mãn nhãn lên một tầm cao mới. Toàn bộ khu rừng Ấn Độ cùng các nhân vật đều được tạo ra từ máy tính (trừ cậu bé Mowgli), nhưng ghi điểm tuyệt đối về độ chân thực và sống động.

Các "ngôi sao" CGI

Trí tưởng tượng kể về những điều diệu kỳ không có thật, nhưng CGI có thể "hiện hình" tất cả trên màn ảnh rộng. Gấu Baloo, báo đen Bagheera, hổ Shere Khan, trăn Kaa và hơn 70 loài vật khác trong The Jungle Book đều là diễn viên CGI. Những sinh vật bộ tộc Moors trong Maleficent là CGI, những chú chuột chơi đùa cùng nàng Lọ Lem của Cinderella cũng do CGI tạo ra.

Giải mã thành công các phim cổ tích người đóng của Disney - Ảnh 5.

Giải mã thành công các phim cổ tích người đóng của Disney - Ảnh 6.

Giải mã thành công các phim cổ tích người đóng của Disney - Ảnh 7.

Các nhân vật trong "The Jungle Book"

Giải mã thành công các phim cổ tích người đóng của Disney - Ảnh 8.

Một cảnh trong "Maleficent"

Thay áo mới cho một câu chuyện quen thuộc

Khi công bố chuyển thể các dự án hoạt hình hoặc cổ tích thành phim người đóng, Disney đã khơi gợi lại hoài niệm của khán giả nhiều thế hệ. Đó đều là những câu chuyện hoặc nhân vật được yêu mến, vậy nên các tác phẩm bước đầu gây ra sự tò mò và đón nhận. Ai mà không muốn thấy giấc mơ Lọ Lem hiện hữu sống động ngay trước mắt?

Tuy nhiên, tất cả các tác phẩm này đều có sự cải tiến đáng kể về cốt truyện. "Người lớn" hơn như Alice in Wonderland, đen tối hơn như Jungle Book và Maleficent, hay xoáy sâu vào sự phát triển của tâm lý nhân vật như Cinderella. Việc này không chỉ thể hiện nỗ lực sáng tạo của các nhà làm phim trên những chất liệu có sẵn, mà còn đem đến cho khán giả trải nghiệm hiện đại và mới lạ. 

Phần tuổi thơ trong mỗi người nay đều được thỏa mãn "cho dù họ 6 hay 60 tuổi". Cả gia đình đều có thể ngồi bên nhau để xem một bộ phim. Điều này giúp các tác phẩm của Disney nhanh chóng thống trị bảng xếp hạng.

Giải mã thành công các phim cổ tích người đóng của Disney - Ảnh 9.

The Jungle Book mở màn với hơn 100 triệu USD tại Bắc Mỹ

Thành công không dừng lại

Mới đây, Disney đã công bố ngày phát hành của những dự án chuyển thể tiếp theo. Tuy chưa biết bộ phim nào ra mắt vào ngày nào, nhưng những cái tên đã được xác nhận đủ để khiến khán giả phải háo hức chờ đợi. Đó là Beauty and the Beast, với vai nữ chính Belle thuộc về Emma Watson; Cruella với hóa thân của Emma Stone; Maleficent 2 với sự trở lại của Angelina Jolie; The Jungle Book 2 với đạo diễn Jon Favreau; Mary Poppins với cô bảo mẫu Emily Blunt; Jungle Cruise với "the Rock" Dwayne Johnson; Tinker Bell với diễn viên Reese Witherspoon; Dumbo dưới sự chỉ đạo của Tim Burton.

Ba dự án phim cổ tích người đóng sẽ lần lượt ra rạp vào 28/07/2017, 04/06/2018 và 20/12/2019. Hai dự án live-action khác sẽ ra mắt vào 03/08/2018 và 25/12/2018.