Sau khi xem The Jungle Book – Cậu Bé Rừng Xanh, bạn có thể sẽ không tin bộ phim được làm hoàn toàn tại trường quay ở trung tâm thành phố Los Angeles. Chỉ có duy nhất một diễn viên người thật đóng trước tấm phông xanh, phần còn lại hoàn toàn xử lý bằng công nghệ máy tính. Các nhà làm phim đã thực hiện điều này như thế nào?
Nghiên cứu kỹ những hình ảnh thực tế
Ngay khi quyết định chuyển thể bộ phim hoạt hình kinh điển thành phiên bản người đóng, đạo diễn Jon Favreau và các cộng sự phải đối mặt với một câu hỏi lớn: Quay phim như thế nào? Ở thời điểm đó, bộ phim Life of Pi đang làm mưa làm gió ngoài rạp và gây ấn tượng mạnh mẽ với người xem bởi con hổ dựng bằng đồ họa máy tính (CG – Computer Generated). Disney ngay lập tức nắm bắt công nghệ này, nhưng không chỉ áp dụng nó để tạo ra một con hổ mà là cả một khu rừng với báo đen, gấu, trăn, sói, khỉ, cùng hơn 70 loài vật khác.
Đầu tiên, một nhóm đông đảo các họa sỹ và chuyên gia phải cùng ngồi lại để phân tích kịch bản, bàn luận xem từng chi tiết, từng khuôn hình sẽ xử lý như thế nào. Họ thực hiện rất nhiều cuộc nghiên cứu. Với nhóm tái hiện khung cảnh rừng già, các họa sỹ đi tới rừng nhiệt đới tại Bangalore (Ấn Độ) và chụp 100.000 bức ảnh phong cảnh thực tế để tạo thành thư viện ảnh tư liệu khổng lồ. Đồng thời, họ cũng nghiên cứu kỹ những chuyển động của lá cây, thác nước… bên cạnh việc quan sát từng tia sáng, từng ngóc ngách bùn đất của khu rừng.
Với nhóm phụ trách các nhân vật là động vật, họ phải nghiên cứu hành vi, cử chỉ và cách biểu lộ cảm xúc của từng loài. Một con hổ khi giận dữ thì khác một con báo như thế nào? Khi phơi nắng thì trông chúng ra sao? Để đảm bảo yêu cầu chân thực mà đạo diễn đưa ra, từng nghệ sỹ đều xem rất nhiều video, tranh ảnh, tới sở thú, nói chuyện với các chuyên gia động vật. Nhiều phần mềm mới được viết ra để có thể tái hiện lông hay cơ bắp của loài vật một cách chân thực nhất.
Tất cả những công việc tỉ mẩn này đều được làm từ cả năm trời trước khi các diễn viên lồng tiếng và cậu bé Neel Sethi tham gia vào dự án. Các nhà làm phim tạo ra một bản phim thô sơ bằng hoạt hình, tái hiện những khuôn hình cơ bản, giúp các diễn viên hình dung những gì sẽ hiện trên màn ảnh trước khi bắt đầu công việc của mình.
Vua Louie trong bản phim thô
Từng con khỉ được chăm chút tới từng chuyển động
Lồng tiếng cho các nhân vật trong rừng già
Các diễn viên lần lượt tới phòng thu và "diễn xuất" trước micro dưới sự chỉ đạo của đạo diễn. Bên cạnh kịch bản lời thoại, họ sẽ nhìn vào bản phim thô để hình dung nhân vật của mình lúc đó đang chuyển động như thế nào.
Giancarlo Esposito đang lồng tiếng cho sói đầu đàn Akela
Các diễn viên thực hiện công việc riêng rẽ. Nếu cần thể hiện đoạn hội thoại, ai đó trong đoàn phim hoặc chính đạo diễn sẽ tạm đảm nhận vai còn lại
Mọi việc sau đó không chỉ đơn giản là ghép tiếng vào hình. Chính diễn xuất giọng nói của các diễn viên sẽ quyết định hình ảnh cảm xúc sau cùng của con vật. Nhà sản xuất Brigham Taylor bật mí: "Các nhân vật chỉ được hoàn thành một khi có thoại của diễn viên lồng tiếng. Các họa sỹ hoạt hình của chúng tôi sẽ tinh chỉnh phần hình ảnh của nhân vật sao cho phù hợp với cảm xúc giọng nói. Điều này đòi hỏi sự tinh tế và khéo léo, bởi chúng tôi luôn muốn các con vật trông phải y như thật. Nếu làm không khéo, hình ảnh một con gấu biết nói có thể khiến bộ phim trông như hoạt hình. Khán giả sẽ không còn tin đó là động vật thật nữa".
Clip hậu trường lồng tiếng
Neel Sethi diễn xuất cùng những con rối
Neel Sethi là diễn viên người thật duy nhất diễn xuất trước camera. Để cậu bé thực sự có thể tương tác với không gian ở xung quanh, các nhà thiết kế đã quyết định sẽ dựng lên những bối cảnh cần thiết để sử dụng song song với khu rừng được dàn dựng bởi công nghệ CG. Một số diễn viên sẽ cùng thực hiện cảnh quay với cậu bé. Có thể người đó sẽ chính là đạo diễn, hoặc một trong số năm nghệ sỹ điều khiển rối của đoàn làm phim.
Trên trường quay, trước phông xanh, các nghệ sỹ sẽ thực hiện những động tác phù hợp với những track âm thanh đã được thu âm sẵn bởi các diễn viên lồng tiếng. Những hình ảnh quay trên phim trường sẽ hiển thị ngay ở màn hình bên cạnh, giúp đạo diễn hình dung việc ghép Mowgli với các nhân vật máy tính sẽ như thế nào.
Mowgli diễn xuất cùng con rối
Cảnh quay trước phông xanh được ghép trực tiếp với bản phim thô
Neel Sethi chia sẻ: "Trước khi quay phim, em được tập Parkour. Sau đó vừa quay vừa tiếp tục tập leo trèo, chạy nhảy. Bộ phim được quay trong suốt 2 năm. Cảnh em nhớ nhất là cảnh ngồi trên bụng gấu Baloo và bơi trên sông. Lúc đó, em được bơi thật, trong một chiếc bể nước. Em ngồi trên một tấm ván có phủ thảm màu nâu giống lông của Baloo. Đạo diễn Jon Favreau bơi ngửa ở phía trước, mô phỏng đầu của Baloo và nói chuyện với em. Trong những phân cảnh khác có gấu Baloo, thường sẽ có 3 nghệ sỹ hợp tác để mô phỏng Baloo thật, chủ yếu để đảm bảo em sẽ hướng mắt đúng theo các điểm đầu, thân hoặc chân Baloo".
Clip hậu trường quay phim
Thanh âm của rừng già
Để tạo nên những âm thanh sống động và ấn tượng cho hành trình phiêu lưu của Mowgli, đạo diễn Jon Favreau đã nhờ tới nhạc sỹ kỳ cựu John Debney – người mà tên tuổi đã gắn liền với thành công của các phim "The Passion of the Christ" và "Iron Man 2".
Âm nhạc của The Jungle Book được thực hiện bởi một dàn nhạc bao gồm 104 nhạc cụ dân tộc, trong đó có sáo, sáo gỗ, trống cái, violin Ấn Độ và sáo Ấn Độ. Trong lúc thu âm, bộ phim thô được bật trên máy chiếu để nhạc trưởng và nhạc công hình dung ra bối cảnh.
Hậu trường làm nhạc phim
Với kinh phí 175 triệu USD và nhiều năm làm việc miệt mài, The Jungle Book cuối cùng cũng gặt hái được thành quả thật ngọt ngào. Đạo diễn Jon Favreau chia sẻ: "Chúng tôi đã thực hiện quá trình làm hình ảnh một cách tốt nhất, ứng dụng những công nghệ chuyển động tốt nhất, kết hợp cùng các cảnh quay thực hoàn hảo nhất, rồi ghép tất cả lại theo một cách mà chưa ai từng làm trước đây. Chúng tôi nhận ra rằng hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ tiên tiến để tạo ra thứ gì đó y như thật trước mắt khán giả".