Bài viết của Luke Dormehl, biên tập viên trang cultofmac.
Tròn 1 tuần trước, Apple đã đi vào lịch sử với tư cách là công ty đại chúng Mỹ đầu tiên có giá trị vốn hóa vượt mức 2 nghìn tỷ USD. Dưới sự chèo lái của CEO Tim Cook cùng các cộng sự, nhà Táo đang trở thành một cỗ máy in tiền khủng khiếp khi mà họ mới đạt mốc 1 nghìn tỉ USD cách đây 2 năm mà thôi. Đây rõ ràng là 1 tin rất đáng mừng đối với các cổ đông cũng như giới đầu tư, nhưng liệu với iFan hay người dùng đại chúng, liệu thành tích mới của Apple có thực sự ấn tượng đến vậy hay không?
Là công ty đại chúng Mỹ đầu tiên đạt được thành tựu này, Apple đã tự biến mình từ 1 trong những cái tên năng động nhất thế giới thành 1 công ty… khá là nhàm chán. Lý do: Rất có thể chính chiến lược giúp họ có được thành công chưa từng thấy này sẽ là nguyên nhân khiến chúng ta không còn được thấy những sản phẩm sáng tạo đến mức đột phá trong tương lai nữa.
Để có được thành công như ngày hôm nay, Apple đã lựa chọn 1 chiến lược kinh doanh an toàn, ổn định, và vô tình "giết chết" tính sáng tạo đột phá của mình
Đó là 1 điểm mâu thuẫn trong thành công của Apple. Theo bất kì nguồn số liệu, thống kê nào, nhà Táo giờ đây đang là 1 doanh nghiệp có lợi nhuận khổng lồ. Và với bất cứ ai đang nắm giữ trong tay cổ phiếu AAPL, sự tăng giá vượt bậc của mã cổ phiếu này giữa bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến động vì dịch bệnh, rõ ràng sẽ khiến họ phải phấn khích.
iPhone hiện vẫn là quân bài chủ lực của Apple. Thành công của dòng smartphone này là 1 hiện tượng hiếm gặp, có thể chỉ xảy ra 1 lần trong nhiều thập kỷ. Là 1 fan trung thành lâu năm, tôi thực sự rất vui với những gì Apple đã đạt được hiện nay. Thế nhưng, liệu còn ai trong chúng ta dám tự tin khẳng định rằng Apple vẫn thú vị như những ngày xưa cũ hay không? Cá nhân tôi thì dám cá là không đâu!
Apple có còn thú vị như trước đây?
Ý tưởng về máy Mac tích hợp chip Apple Silicon là 1 dự án rất thú vị và đầy hứa hẹn, nhưng dòng máy tính của nhà Táo, những sản phẩm đã tạo dựng nên thương hiệu cho họ, lại không có nhiều thay đổi trong vài năm qua.
Đồng ý là chúng ta có iMac Pro, nhưng nó lại chẳng phải sự đột phá gì quá to tát, đặc biệt là nếu so với đối thủ Microsoft Surface Studio. Về cơ bản, đây chẳng khác nào 1 chiếc iMac của Microsoft, nhưng lại có màn hình cảm ứng và có thể biến desktop của bạn trở thành 1 sản phẩm tablet khổng lồ. Vào thời điểm mới ra mắt, Surface Studio có thể coi chính là tương lai công nghệ năm 2016, trong khi Apple khi ấy vẫn đang mắc kẹt tại năm 2012 với dòng máy tính của mình. Thay đổi lớn nhất mà MacBook nhận được trong những năm gần đây là bàn phím cánh bướm mà đại đa số người dùng đều không có thiện cảm.
Các sản phẩm của Apple không còn duy trì được sự đột phá của mình
Tệ hơn nữa, tình trạng tương tự cũng đang xảy ra với những mảng sản phẩm lớn nhất của Apple. iPhone vẫn rất tuyệt, nhưng nó chẳng thể độc chiếm ngôi vị smartphone hàng đầu thế giới như trước đây nữa. Trong khi đó, rất nhiều nhà sản xuất khác đã và đang cho ra mắt loạt sản phẩm với nhiều tính năng hấp dẫn hơn rất nhiều. Họ mới là những nhà sáng tạo đại tài, những người tiên phong trong việc tạo ra thiết kế và chức năng mới.
Mặt khác, Apple luôn quan sát và chờ đợi xem người dùng thích gì, rồi một vài năm sau, họ mới chậm chạp đưa những điều đó lên smartphone của mình. Bạn có thể cho rằng đây vốn đã là chiến lược lâu năm của họ, nhưng những con số không biết nói dối: iPhone dù vẫn bán chạy, nhưng mức doanh số cao nhất mà nó từng đạt được thì đã xảy ra vào nửa thập kỷ trước - 2015.
Về máy tính bảng, iPad của Apple liên tục có những sự thay đổi về kích thước, kèm theo vài chỉnh sửa về thiết kế. Thế nhưng, dù là những đời máy mới nhất, nó vẫn không có nhiều khác biệt (về ngoại hình) so với trước đây.
Nói đi cũng phải nói lại, Apple vẫn sở hữu rất nhiều điểm sáng trong nhiều năm vừa qua. Ví dụ như Apple Watch đang ngày 1 hoàn thiện hơn và cũng dần trở nên phổ biến hơn, hay tai nghe không dây AirPods cũng là 1 sản phẩm thành công cả về mặt chuyên môn lẫn thương mại. Thế nhưng, những sản phẩm này hiện vẫn chỉ đóng 1 vai trò rất nhỏ trong bộ máy chung của Apple.
iPhone vẫn rất tuyệt, nhưng không thể tự tin tuyên bố độc chiếm vị trí số 1 trong làng smartphone thế giới nữa
Thà chọn chiến lược nhàm chán mà an toàn, ổn định chứ không còn dám phiêu lưu, mạo hiểm như trước...
Hiện tại, Apple đã bắt đầu chuyển hướng tập trung sang các sản phẩm dịch vụ giống như IBM hay Microsoft, và nhận được không ít những khoản doanh thu khổng lồ. Nó giống như khi bạn chơi cờ tỉ phú vậy: Ban đầu, bạn sẽ dùng tiền để mua sắm những lô đất, những khu nhà mà bạn thích. Tuy nhiên, đến nửa sau của trò chơi, bạn sẽ chỉ tập trung vào việc nâng cấp những bất động sản mà mình đang có, và hy vọng người chơi khác xui xẻo dừng chân đúng tại khu đất của bạn và phải nộp tiền cho bạn. Nếu bạn nâng cấp càng nhiều, giá trị khu đất đó càng cao, đồng nghĩa với việc doanh thu càng lớn.
Hãy nhìn vào những gói đăng ký dịch vụ mà Apple đang nắm trong tay: Apple Card, Apple TV+, Apple Music, 2TB iCloud, hay iPhone Upgrade Plan. Nếu 1 khách hàng lựa chọn sử dụng tất cả những dịch vụ này, mỗi tháng họ sẽ phải trả cho nhà Táo một khoản phí không hề nhỏ chút nào. (Tin vui 1 chút là nếu chọn gói Apple One, chúng ta có thể sẽ tiết kiệm được vài USD).
Apple đang dần tập trung vào mô hình dịch vụ - 1 chiến lược an toàn và ổn định hơn về mặt tài chính
Từ góc nhìn của Apple, có thể dễ dàng nhận thấy sự chuyển giao trong chiến lược kinh doanh này là nước đi tốt nhất cho đại cuộc. Tập trung phát triển dịch vụ có thể rất nhàm chán, nhưng đó là sự nhàm chán ổn định, và sự ổn định thì luôn có sức hút với các cổ đông. Nếu Apple bạo dạn hơn, dám nắm bắt nhiều cơ hội hơn, họ có thể sẽ thành công hơn nhưng cũng không loại trừ khả năng thất bại thảm hại. Và khi đó, chưa chắc giá trị vốn hóa của gã khổng lồ công nghệ này dễ dàng vượt mốc 1 nghìn tỉ USD (2018) và 2 nghìn tỉ USD (2020) như vậy.
Trong “triều đại” của Steve Jobs - những năm tháng mà Apple trở nên khó lường nhất, sự thành bại của nhà Táo phụ thuộc phần lớn vào những sản phẩm át chủ bài của họ. Ví dụ như chiếc iMac G3 là lời tuyên bố hùng hồn nhất cho việc Apple đã trở lại, và tương tự như iBook, iPod, MacBook Air hay iPhone sau này. Apple khi đó là 1 tập đoàn công nghệ lớn nhưng lại vận hành như 1 start-up. Bạn sẽ không bao giờ đoán được bước tiếp theo trong kế hoạch phát triển của họ.
…bởi không phải lúc nào bạn cũng có thể chiến thắng trong những lần mạo hiểm của mình.
Đúng là Steve Jobs từng đạt được nhiều thành công vang dội mà bất cứ ai cũng phải ngưỡng mộ, nhưng điều đó không có nghĩa là ông chưa từng phạm phải sai lầm nào. Trong đó phải kể đến 2 chiếc máy tính đầy hứa hẹn nhất mà Jobs từng cho ra mắt, NeXT Computer và Power Mac G4 Cube - đều là những thất bại thảm hại dù rất tiềm năng.
Thất bại này cũng chỉ ra điểm yếu chí mạng đối với chiến lược đặt cược vào 1 sản phẩm át chủ bài của Apple khi ấy: Nếu thành công, chúng sẽ mang về 1 khoản lợi nhuận khổng lồ, đồng thời cũng chứng minh vị thế, tầm nhìn hàng đầu của họ trên thị trường công nghệ. Thế nhưng, chúng phải thực sự khác biệt, nổi bật và quan trọng nhất là có sức hút với số đông người dùng phổ thông. Chỉ có những thiên tài, những người dám nắm bắt cơ hội mới có thể thực hiện thành công chiến lược này. Và đáng buồn thay, khi mà bạn phải điều hành 1 công ty lớn với giá trị vốn hóa hơn 2 nghìn tỷ USD, những cơ hội như vậy chẳng còn nhiều, và cũng ít ai dám “liều 1 canh bạc” nữa.
Apple dưới thời Tim Cook đã trở nên điềm đạm, dè dặt hơn chứ không còn những phút giây mạo hiểm, ngông cuồng như thời Steve Jobs
Đặt cược vào chiến lược “the next big thing” là 1 nước đi tuyệt vời khi bạn còn trẻ. Nhưng đã là “đặt cược” thì sẽ chẳng bao giờ có được “ổn định”, “đáng tin cậy”. 1 nhà đầu tư, dù có giỏi thế nào, cũng không thể đoán được Apple sẽ ra sao sau khi ra mắt iMac G3 vào năm 1998. Tuy nhiên, hiện tại, khi nhìn vào chiến lược kinh doanh của nhà Táo (và nếu họ cứ tiếp tục bám sát vào chiến lược này), ai cũng có thể gật gù đồng tình họ vẫn sẽ phát triển ổn định trong 1 thập kỷ tới.
Apple không cần phải mạo hiểm nếu không thực sự cần thiết.
Apple vẫn hoàn toàn có thể duy trì đà tăng trưởng của mình trong 10 năm tới, bởi họ đang dần tập trung hơn vào các sản phẩm dịch vụ để có thể kiếm tiền 1 cách an toàn hơn, ít rủi ro hơn. iPhone, iPad và Mac vốn đã có quy trình ổn định, lại sẽ càng phát triển ổn định hơn, nhưng đừng mong rằng nhà Táo sẽ tạo ra đột phá công nghệ hay thiết kế nào cả. Lúc này, những nguy cơ lớn nhất mà họ có thể gặp phải chỉ nằm ở dây chuyền sản xuất, với những thiết bị nhỏ hơn như AirPods mà thôi.
Nói vậy không có nghĩa là Apple sẽ không mang đến thế giới công nghệ những sáng kiến mới. Trong 1 vài năm tới, rất có thể mảng xe hơi của họ sẽ được nâng lên 1 tầm cao mới với chiếc Apple Car đầu hứa hẹn; hay bộ kính Apple Glass tích hợp AR cũng là 1 kế hoạch rất đáng chú ý.
Apple vẫn có thể sáng tạo công nghệ mà không nhất thiết phải mạo hiểm như trước đây
Chiến lược không mạo hiểm vào 1 sản phẩm theo kiểu “được ăn cả ngã về không” đã giúp Apple khỏi phải quá đau đầu về vấn đề tài chính trong thập kỷ vừa qua. Có ai mà không thích thị trường chứng khoán luôn mở rộng và ổn định. Và giờ đây, Apple không cần thiết phải đưa ra 1 sản phẩm mới đột phá hay đao to búa lớn gì cả mà vẫn có thể duy trì được đà tăng trưởng của mình.
Thế nhưng, với góc nhìn của 1 fanboy, người đã phải lòng Apple vì sự khó lường, “chịu chơi”, vì chính những sản phẩm phần cứng đột phá mà dù nhiều năm sau vẫn khiến người ta phải nhắc đến, những ngày tháng tươi đẹp với nhà Táo có lẽ đã chấm dứt rồi.